Những khối núi đá vôi đen nhám, thâm nghiêm in hình bóng nước. Cò, vạc tung bay trên các cành cây, ngọn cỏ hoang sơ. Chiều về, đàn trâu ngâm mình dưới làn nước mát lành… Tất cả khung cảnh thanh bình và tươi đẹp ấy cuốn hút rất nhiều du khách đến trải nghiệm tại đầm Vân Long (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Bức tranh thủy mặc chốn nhân gian
Chúng tôi lựa chọn đầm Vân Long làm điểm đến để trải nghiệm, dã ngoại ngày cuối tuần. Sáng sớm, trên con đê chạy cắt ngang đầm Vân Long làn sương khói vẫn mờ mờ cả góc trời. Nhóm người chèo thuyền dần dần ló dạng, ngồi hàn huyên với nhau chờ đợi du khách tới thuê. Trên mép nước, hàng trăm chiếc thuyền nan cắm con sào lặng lẽ trong hơi sương. Một chị tên Hương nhanh nhẹn mời chúng tôi xuống thuyền. Chị khuyên nên đi sớm để có thể bắt được những khung hình tuyệt đẹp ở đây. Con thuyền nhỏ chỉ chở được 2 du khách giúp nó dễ dàng luồn lách qua những lạch nước giữa ngút ngàn thảm cỏ lau bát ngát. Mấy chú bé bắt cua ốc từ sáng sớm hồn nhiên bơi đùa, tắm mát dưới đầm ngay bên mũi thuyền.
Đi được một đoạn, mấy con thuyền cùng xuất phát giờ đã rẽ đi nhiều ngả khác nhau. Chị Hương cho biết thường du khách sẽ đi thuyền ngắm cảnh, chụp ảnh đầm Vân Long 2-3 giờ rồi vào bến để đi các điểm khác. Nhưng nếu du khách có nhu cầu thêm, chị có thể chèo cả buổi sáng, thậm chí đến chiều. Nhìn những động tác chèo thuyền đều đều, khỏe khoắn hòa cùng sự niềm nở, thân thiện của chị Hương nơi miền quê thanh bình khiến chúng tôi thật ấm lòng, thân thương biết bao.
Sương dần tan, những dãy núi đá vôi sừng sững, đen nhám bắt đầu hiện ra. Con thuyền của chúng tôi cứ luồn lách qua hết những bãi lau này đến bãi sậy khác. Có lúc lạch nước hẹp chỉ vừa đủ một chiếc thuyền đi qua. Bốn bề lau sậy rập rạm, chúng tôi ngỡ như đang bị lạc vào ma trận không biết phương hướng. Dội bên tai là những tiếng kêu, hót của muôn loài chim muông. Khi con thuyền thoát ra một khoảng nước rộng, chúng tôi thấy thấp thoáng vài ngư dân đang giăng lưới đánh cá. Cây sào cắm xuống đáy đầm, họ đứng trên mũi thuyền thả lưới. Khung cảnh thiên nhiên thanh bình khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh những bức thủy mặc thanh bình ngày xưa. Làn nước trong vắt như tấm gương khổng lồ inh hình núi non, mây trời. Bốn mùa nước đầm Vân Long phẳng lặng, có chỗ du khách nhìn thấy cả mảng thực vật ở tận đáy cùng đàn cá nhỏ tung tăng bơi lượn. Theo chị Hương nước đầm Vân Long dù mùa khô hay mùa mưa cũng chỉ sâu từ 1-2m.
Nhiều người đã ví đầm Vân Long như “Vịnh Hạ Long không sóng”. Những dãy núi đá vôi 2 bên bờ đều được người dân nơi đây đặt tên đi kèm theo những truyền thuyết thơ mộng như: núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Đi khoảng 1-2 giờ chúng tôi tới khu vực Hang Cá. Chị Hương quay lại nói với chúng tôi: “Đến Vân Long ắt phải ghé qua Hang Cá mấy chú ạ”.
Hang Cá được xem là điểm kỳ thú nhất Vân Long. Hang Cá thực chất là một động xuyên qua lòng núi đá vôi với chiều dài gần 300m, chỗ rộng nhất chừng 25m, cao từ 2-8m. Cửa hang rất rộng, càng đi vào sâu thì càng hẹp và thấp dần. Đến cuối hang, du khách ngồi trên thuyền có thể với tay lên trần hang để sờ được những nhũ đá lấp lánh. Những khối nhũ đá nhiều màu sắc, đa dạng hình thù tua tủa từ trên xuống khiến mọi du khách trầm trồ, ngỡ ngàng.
Thú vị voọc mông trắng
Không chỉ là nơi hiện diện của thảm thực vật phong phú, đầm Vân Long còn là nơi cư trú nhiều loài động vật hoang dã. Những đàn chim, cò ngày ngày tung cánh bay khắp một vùng trời. Nhưng thú vị nhất ở đây là nơi sinh sống của loài voọc mông trắng vô cùng quý hiếm, hiện được ghi vào sách đỏ để bảo tồn.
Theo cơ quan chức năng, đầm Vân Long hiện có khoảng 150 cá thể voọc mông trắng, chiếm 1/2 tổng số con ở Việt Nam. Voọc mông trắng thường sống trên các hang động hẻo lánh nhất tại đỉnh núi đá vôi. Để gặp và chụp được ảnh voọc mông trắng du khách phải hiểu được tập tính sinh hoạt của chúng, cộng thêm những may mắn trong thời điểm.
Chị Hương chia sẻ, voọc mông trắng chỉ ra khỏi hang một lần duy nhất trong ngày vào thời điểm sáng sớm (từ 5-8 giờ). Để nhìn và chụp được voọc du khách phải mang theo ống nhòm, và chiếc máy ảnh phải gắn ống kính tele tiêu cự dài chụp từ rất xa. Vừa hướng dẫn vừa hướng lên đỉnh núi chị Hương chỉ cho chúng tôi thấy đàn voọc mông trắng đang di chuyển.
Tôi và nhóm du khách vô cùng thích thú khi tận mắt nhìn thấy 3-4 con đang đu bám trên các mỏm đá. Chúng kiếm ăn theo kiểu gia đình. Chúng tôi vội vàng zoom ống kính máy ảnh hết cỡ để kịp bắt những khung hình về cuộc sống của loài vọoc mông trắng quý hiếm. Theo các nhà sinh vật học, tập tính sinh hoạt của voọc mông trắng ở đầm Vân Long sẽ chuyển biến theo mùa. Mùa khô, sáng sớm, voọc mông trắng ra các mỏm đá sát đầm uống nước. Nhưng mùa mưa, do sẵn nước trong các hốc đá nên chúng rất ít xuất hiện.
Voọc mông trắng sống trong các hang ở các vách đá chắc chắn, hình hàm ếch. Voọc có cách ngủ độc đáo hệt như thạch sùng bám tường. Chúng dang hai tay, hai chân ra ôm lấy vách đá ngủ đề phòng thú dữ, rắn độc tiếp cận, tấn công. Món khoái khẩu nhất của voọc mông trắng là lá cây mũi thị, cây chả khế, cây nhọ nồi, rau muống dại…
Sau một ngày dài trải nghiệm về vùng non nước, cỏ cây, chim thú, động vật quý hiếm, thanh bình chúng tôi trở về thành phố và mong có nhiều dịp trở lại cùng khám phá, lưu giữ những ký ức dài lâu.