“Gỡ rối” BT…
Điểm đáng chú ý của Nghị định 69 quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư (NĐT) khi thực hiện dự án BT. So với quy định hiện hành (cơ chế thanh toán bằng quỹ đất được kế thừa từ Quyết định 23/2015/QĐ-TTg), là bổ sung việc sử dụng một số loại tài sản công khác theo quy định của pháp luật, để thanh toán cho NĐT thực hiện loại hình dự án này.
Theo đó, các tài sản công được sử dụng để thanh toán gồm quỹ đất, đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Về nguyên tắc, theo Nghị định 69, việc sử dụng tài sản công thanh toán cho NĐT khi thực hiện dự án BT phải được thực hiện ngang giá, tức giá trị dự án BT tương đương giá trị tài sản công thanh toán. Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán, và giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho NĐT thực hiện dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đánh giá về Nghị định 69, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho rằng với những quy định mới bổ sung sẽ giúp “vá lỗ hổng”, khắc phục được những bất cập, tồn tại của các dự án BT, ngăn chặn được tình trạng thất thoát tài sản công.
“Việc đấu thầu dự án BT rộng rãi sẽ giúp tìm được NĐT tốt nhất xây dựng công trình với chi phí thấp nhất, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chấm dứt tình trạng chỉ định thầu dự án BT. Đất đã giải phóng mặt bằng, đền bù và trụ sở làm việc của cơ quan nếu được dùng để thanh toán cho NĐT BT phải được Chính phủ phê duyệt, chấp thuận, thay vì quy định trước đây của UBND cấp tỉnh” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, Nghị định 69 cần quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh việc NĐT cố tình lập dự án BT để lấy đất; trước khi muốn thực hiện dự án BT để được thanh toán bằng quỹ đất, NĐT phải đảm bảo dự án được lập theo mô hình nào, phải thông qua đấu thầu rộng rãi, chưa kể trong một số trường hợp muốn sử dụng đất hoặc tài sản công để thanh toán, dự án đó phải được sự chấp thuận của Chính phủ.
Vẫn còn “vùng tối”
Vẫn còn “vùng tối”
Giá trị đem ra trao đổi như thế nào. Cụ thể, giá trị con đường hay công trình hạ tầng được xây dựng do ai định giá, ai quyết toán và kiểm toán ra sao, kể cả kiểm toán kỹ thuật để xác định chất lượng, hay chỉ lấy theo giá trị khái toán trong dự án. Đất đai 2 bên đường đem đổi lấy con đường được tính theo giá đất nông nghiệp hay đất ở, đất ở đã có con đường hay chưa có con đường. GS. Đặng Hùng Võ |
Theo nội dung Nghị định 69, giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu. Đây được xem là điểm mới có thể ngăn chặn sự biến tướng từ các dự án BT như đã từng xảy ra, song thực tế khi thực thi lại không hề dễ dàng.
Trong Nghị định 69 nêu rõ dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán: (a) giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán, (b) giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.
Thực tế, nguyên tắc đổi ngang giá đã có từ trước, nhưng chỉ dự án do Nhà nước công bố, mời thầu mới đấu thầu dự án, lựa chọn NĐT. Những dự án do NĐT chủ động đề xuất vẫn tiến hành theo cách cũ, Nhà nước sẽ phê duyệt hay không phê duyệt. Điều này đồng nghĩa sẽ không có chuyện mọi dự án BT đều đấu thầu, và vẫn có dự án có thể “lách”.
Ngoài ra, Nghị định 69 vẫn cho phép Nhà nước dùng tài sản công là đất đai, trụ sở, nhà cửa trên đất... để thanh toán trực tiếp cho NĐT dự án BT qua thủ tục định giá. Nhưng chính quy định này vẫn có sự chéo nhau, vì không thể đấu giá đất để dùng tiền đó thanh toán cho NĐT. Bởi lẽ trước đó đã đấu giá dự án, đất nằm trong dự án nên không thể đấu giá đất 2 lần.
Có thể nói, trong nhiều năm qua vấn đề ngang giá được xem là kẽ hở lớn nhất cho việc bắt tay trục lợi giữa các nhóm lợi ích với các địa phương.
Về vấn đề trên, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng nhiều địa phương dù biết giá trị quỹ đất đem đổi chênh lệch rất nhiều so với giá trị hạ tầng, chi phí nhiều hơn lợi ích hiện tại nhưng vẫn chấp nhận đổi.
Theo ông Võ, dự án BT chỉ là hình thức mới phủ lên nội dung cũ “đổi đất lấy hạ tầng” đã diễn ra từ nhiều năm trước. Luật Đất đai 2013 tiếp tục giữ cơ chế đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng, nhưng lại chấp nhận cơ chế dự án BT, chỉ quy định về thẩm quyền giao đất, không có quy định chi tiết nào về định giá hạ tầng cũng như định giá đất đai để trả cho NĐT hạ tầng.
Đến nay, hàng loạt dự án BT đã được nhiều NĐT đề xuất tại nhiều địa phương. Nhiều dự án đã được lãnh đạo địa phương chấp thuận và báo chí đã cảnh báo về kẽ hở của BT.
“Với Nghị định 69, việc xác định giá trị dự án BT, xác định giá trị tài sản công để thanh toán vẫn còn những “vùng tối”, chưa minh bạch về cơ chế thẩm định” - GS. Đặng Hùng Võ cho biết.