Bùng nổ “ngành công nghiệp” tin giả

(ĐTTCO) - Từ lâu, thông tin sai lệch là vũ khí được các quốc gia sử dụng, chủ yếu là trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng thời kỳ hoàng kim của các chiến dịch thông tin sai lệch bắt đầu bùng nổ với sự ra đời của internet.
Bùng nổ “ngành công nghiệp” tin giả

Thao túng bầu cử

Sau nhiều tháng điều tra công phu, tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận Forbidden Stories đã phát hiện các cựu đặc vụ Israel dường như đã thao túng gần 30 cuộc bầu cử. Khách hàng của họ là các chính trị gia thèm khát quyền lực và các doanh nhân giàu có. Họ cũng tìm ra được đầu mối là một văn phòng vô danh nằm ở vùng đồi núi cằn cỗi của Israel. Bên trong là 3 người đàn ông đều ngoài 50, có thâm niên làm đặc vụ hoặc quân nhân. Người đứng đầu tự xưng là Jorge, cho biết: "Chúng tôi điều hành một loại dịch vụ tình báo chuyên về bầu cử”.

3 người này tự gọi mình là "Đội Jorge". Họ là một nhóm những người bán thông tin sai lệch được đặt tên theo mật danh của thủ lĩnh của họ. Nhưng Jorge không phải là tên thật, tên thật của ông là Tal Hanan. Ông từng là đặc công trong lực lượng phòng vệ Israel, chuyên gia chống khủng bố và huấn luyện viên quân sự. Jorge cũng là một cựu sĩ quan liên lạc Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ, có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan an ninh Mỹ.

Theo tuyên bố của Jorge, công ty bí mật của ông đã thao túng 33 cuộc bỏ phiếu cấp quốc gia. Thủ đoạn của họ là tung tin giả mạo, chạy các chiến dịch bầu cử giả và các chiến thuật bẩn thỉu khác để ảnh hưởng đến phiếu bầu. Sự thao túng của họ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, như Indonesia, Nigeria và Bosnia. "Chúng tôi còn có một đội ở Hy Lạp và một đội ở UAE” - Jorge nói. Trong phòng, các tài liệu lướt qua một màn hình lớn trên tường, cho thấy đầy thông tin về các chính trị gia, các chiến dịch và những nơi những người này đã hoặc vẫn đang hoạt động.

Những gì Jorge và nhóm của ông làm là những cuộc tấn công trực diện vào trung tâm của các nền dân chủ. Họ thao túng những cuộc bầu cử tự do, khiến những người có đủ khả năng chi trả cho dịch vụ của họ gia tăng cơ hội chiến thắng. Đội Jorge cho biết họ tính phí 15 triệu USD để thao túng một cuộc bầu cử. Hanan cho biết trong số khách hàng của mình có khoảng gần chục cơ quan tình báo. Họ đã âm thầm hoạt động hơn 20 năm qua.

Vỏ bọc của họ tốt đến mức cho đến tận bây giờ sự tồn tại của họ chỉ được biết đến trong giới độc quyền, bao gồm các chính trị gia khao khát quyền lực, những kẻ chuyên quyền và những doanh nhân giàu có, chủ yếu ở Đông Nam Á, châu Mỹ Latin và châu Phi. Chỉ đến bây giờ các hoạt động của Đội Jorge mới được phát hiện, sau nhiều tháng nghiên cứu toàn cầu của tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận Forbidden Stories.

Đội Jorge có thể là lực lượng lính đánh thuê nguy hiểm nhất trong ngành công nghiệp tin giả toàn cầu, nhưng không phải là duy nhất. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thông tin sai lệch đã phát triển nhanh chóng cùng với hàng chục công ty trên toàn cầu đang nỗ lực bẻ cong sự thật cho phù hợp với khách hàng của họ. Những lực lượng đánh thuê này gần như không từ thủ đoạn nào: thao túng các cuộc bầu cử, phá hoại các chính trị gia, khiến những người tố cáo bị phá sản và họ thậm chí có thể làm lung lay nền tảng dân chủ của cả một quốc gia.

Những kẻ đứng đằng sau những chiến dịch như vậy hầu hết vẫn ở trong bóng tối, động cơ của họ được che giấu, nhưng dấu vết dẫn đến nhiều hướng, bao gồm các công ty và các thủ đô, từ Moscow đến Bắc Kinh, New Delhi, Riyadh và xa hơn nữa trên khắp thế giới, đến Washington, Berlin và Brussels.

Thông tin sai lệch từ lâu đã là một trong những vũ khí yêu thích của nhiều quốc gia chuyên quyền. Nhưng giờ đây, ranh giới giữa thông tin sai lệch do lính đánh thuê tư nhân lan truyền và thông tin do các chủ thể nhà nước phát tán đang bị xóa nhòa.

Trong khi đó, ngành công nghiệp tin giả tiếp tục được nâng cấp với các công cụ và trí tuệ nhân tạo (AI) không ngừng cải tiến. Gian lận bầu cử tổng thống khó đến mức nào? “Không khó lắm” - theo Tal Hanan. Cách hiệu quả nhất là làm tê liệt hậu cần xung quanh Ngày bầu cử. Có thể hệ thống gặp sự cố. Có thể đăng ký cử tri không hoạt động. Các chuyên gia tin giả Israel của Đội Jorge gọi các hoạt động này là "D-Days".

Sự phát triển đáng ngại

Trong số những người khổng lồ trong ngành này có một công ty đáng ngờ tên là Eliminalia, chuyên “xóa bỏ quá khứ của bạn". Nó đảm bảo rằng thông tin về khách hàng không còn có thể được tìm thấy trực tuyến. Ngay cả những bài báo trên các phương tiện truyền thông cũng có thể bị biến mất. Có vẻ như đây là một dịch vụ phổ biến, đặc biệt dành cho bọn tội phạm. Chẳng hạn, những kẻ rửa tiền có liên kết với băng đảng ma túy Medellin, những kẻ lừa đảo tài chính khét tiếng và những kẻ phạm tội tình dục đã bị kết án.

Forbidden Stories tiếp cận được khoảng 500.000 tài liệu của Eliminalia, cho thấy những cách làm phi pháp của họ. Theo đó, nhân viên của Eliminalia làm sai lệch nội dung, cập nhật các bài đăng và thường xuyên nói dối về danh tính của chính họ. Trước đây, công ty đóng giả làm một tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) và nhân viên họ đôi khi giả làm luật sư. Một khách hàng của họ là công ty công nghệ Area Spa của Italia, đã bán một hệ thống giám sát cho Syria, sau đó muốn xóa thông tin đó khỏi thế giới kỹ thuật số. Một nhân viên tình báo hàng đầu của phương Tây cho biết: “Chúng tôi thấy rằng thị trường cho các công ty tương tự đang phát triển trên khắp thế giới”.

Các cơ quan tình báo phương Tây cho biết hiện có khoảng 60 công ty thuộc nhánh "PR đen tối". Và nhiều chuyên gia nhận thấy sự bùng nổ của các công ty tư nhân là điều đáng lo ngại, đặc biệt do các chủ thể nhà nước đã núp đằng sau những công ty như vậy trong những năm gần đây. Các chính phủ thích sử dụng chúng hơn là các đại lý của chính họ để che giấu các cuộc tấn công tin tặc hoặc các chiến dịch đưa thông tin sai lệch. Các chuyên gia bảo mật cho biết, một số công ty cũng chịu sự kiểm soát bí mật của nhà nước. Đây là sự phát triển đáng ngại, như Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói: "Các công ty này lan truyền các thông tin sai lệch, các thuyết âm mưu khiến người dân không còn biết nên tin vào đâu".

Theo Dự án Nghiên cứu Tuyên truyền Điện toán tại Đại học Oxford, tính đến năm 2020, ít nhất 81 quốc gia đã sử dụng các kênh truyền thông xã hội để phát tán thông tin tuyên truyền và sai lệch.

Các tin khác