Hầu hết các tỉnh/thành phố đều cơ bản đạt chỉ tiêu phục vụ khách du lịch so với cùng kỳ những năm trước, đặc biệt có những địa phương tăng gấp 3, 4 lần.
Nổi bật là TPHCM phục vụ 920 nghìn lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt: 2.740 tỷ đồng; Hà Nội phục vụ 422 nghìn lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt: 1.300 tỷ đồng; Khánh Hoà phục vụ 356 nghìn lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt: 576 tỷ đồng...
Cùng với lượng khách gia tăng, hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng đã nhộn nhịp trở lại. Đối với thị trường nội địa, một số doanh nghiệp lữ hành lớn đã tung ra các sản phẩm đẩy mạnh chùm tour ngắn ngày như: Khám phá vòng cung Đông Bắc gồm Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn; chiêm ngưỡng mùa hoa tam giác mạch Hà Giang; săn hoa cải trắng Mộc Châu; ngắm mùa lúa chín Mù Căng Chải, Tú Lệ; tour leo núi săn mây Tây Bắc... với tỷ lệ đặt tour tăng 39% so với giai đoạn đầu hè.
Các khách sạn 5 sao ở các điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Mũi Né… công suất sử dụng phòng trung bình khá cao, đạt xấp xỉ 70% trong 4 ngày nghỉ lễ. Đặc biệt, công suất phòng của các khách sạn, resort 3-5 sao ở các khu vực Phan Thiết, Tiến Thành, Hàm Thuận Nam, La Gi (Bình Thuận) đạt gần 90%. Các khu resort ở Hàm Tiến, Mũi Né gần như kín phòng.
Đối với các hãng hàng không đã bố trí thêm chuyến bay, tăng giờ bay đêm, hạn chế chậm huỷ chuyến dịp nghỉ lễ 2/9. Trong đó, riêng Vietnam Airlines cung ứng hơn 400.000 chỗ trên các đường bay nội địa do hãng khai thác trong giai đoạn từ ngày 1 đến ngày 4-9-2022, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, ngành đường sắt đã tăng cường thêm 30 đoàn tàu tăng cường từ Hà Nội đi Hải Phòng, Vinh, Đồng Hới... dịp Quốc khánh 2-9.
Theo thống kê, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt gần 80 triệu lượt, vượt xa so với mục tiêu đón 60 triệu lượt cả năm 2022, và gần bằng lượng khách du lịch nội địa cả năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh (85 triệu lượt).