Thổi bùng ngọn lửa lạm phát
Nga cung cấp khoảng 10% năng lượng của thế giới, bao gồm 17% khí đốt tự nhiên và 12% dầu mỏ. Giá dầu và khí đốt tăng sẽ làm tăng thêm chi phí trong ngành và giảm thu nhập thực tế của người tiêu dùng. Có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu nếu nguồn cung của Nga đột ngột dừng lại. Hãng tín dụng toàn cầu Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 giảm còn 3,5%; trong đó khu vực đồng Euro (Eurozone) giảm còn 3% và Mỹ còn 3,5%. Điều này phản ánh lực cản từ giá năng lượng cao hơn cũng như tốc độ tăng lãi suất của Mỹ nhanh hơn so với dự đoán trước đây.
Nga đã cung cấp khoảng 1/4 năng lượng tiêu thụ chính của Eurozone vào năm 2019. Vì thế, dự báo lạm phát của Eurozone năm 2022 trung bình 5% do giá khí đốt của EU tăng. Mức độ phụ thuộc của Mỹ đối với năng lượng Nga thấp hơn, nhưng giá dầu thế giới tăng đang làm giá hàng hóa tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh và lạm phát dịch vụ đã đạt mức cao nhất trong 30 năm. Fitch dự báo lạm phát CPI của Mỹ sẽ đạt đỉnh ở mức 9% và trung bình 7% trong cả năm.
Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ có tổng cộng 7 lần tăng lãi suất vào năm 2022 và lãi suất sẽ quay trở lại 3% vào cuối năm 2023. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã đánh dấu việc kết thúc sớm hơn việc mua tài sản vào quý III-2022, và Fitch dự báo ngân hàng này sẽ tăng lãi suất hoạt động tái cấp vốn chính lên 25 tỷ USD trong quý I-2023. Ngược lại, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang nới lỏng với lạm phát vẫn ở mức thấp. Dự kiến PBOC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và nới lỏng tài khóa đáng kể. Nhưng với những rủi ro đối với triển vọng tiêu dùng trong ngắn hạn từ các hạn chế của Covid-19 và thị trường bất động sản suy yếu, Fitch dự báo chỉ tăng trưởng 4,8%, thấp hơn mục tiêu chính thức.
Đi cũng dở, ở không xong
Cho đến nay, các công ty toàn cầu đang làm việc tại Nga bị buộc phải rời bỏ thị trường Nga. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản, đối với cả công ty rời đi và ở lại. Theo Fortune, có thể chia phản ứng của các công ty thành 4 nhóm. Nhóm 1 gồm 150 công ty ngừng hoàn toàn hoạt động tại Nga. Nhóm 2 gồm 178 công ty tuyên bố tạm ngừng hoạt động tại Nga. Nhóm 3 với 74 công ty chọn cách giảm hoạt động hay trì hoãn đầu tư tại Nga. Nhóm 4 là 34 công ty vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, bất chấp yêu cầu rút lui hoặc cắt giảm hoạt động.
Với các công ty đã công bố kế hoạch rút hoặc cắt giảm hoạt động tại Nga phải đối mặt với tình huống khó xử về con người, tài sản và nợ. Jeffrey Sonnenfeld, Giáo sư Trường Quản lý Yale, nói: “Có những công ty như McDonald’s tạm ngừng hoạt động tại 850 nhà hàng Nga nhưng hứa tiếp tục trả lương cho 62.000 nhân viên của mình tại đó". Nhưng câu hỏi đặt ra McDonald’s có thể tiếp tục trả tiền cho nhân viên “ở không” bao lâu nữa? Nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Nga cũng bày tỏ lo lắng về hậu quả có thể xảy ra, như bị tịch thu tài sản. Giám đốc điều hành một nhà sản xuất ô tô cho biết: “Nếu bị coi là dừng hoạt động không có lý do chính đáng, chúng tôi có thể đối mặt bị phá sản hoặc bị tịch thu tài sản”.
Các công ty bao gồm BP và Shell đã công bố kế hoạch bán tài sản của Nga. Nhưng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua không nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây. Các nhà sản xuất thuốc lá Imperial Tobacco và British American Tobacco (BAT) đang chuyển giao hoạt động của họ cho các doanh nghiệp Nga. Nhưng Giám đốc tiếp thị của BAT Kingsley Wheaton nói các cuộc đàm phán có thể mất nhiều tháng vì việc chuyển giao quyền quản lý 2.500 nhân viên của BAT ở Nga, nhà máy sản xuất ở St Petersburg và chuỗi cung ứng là công việc phức tạp.
Trong khi đó, những công ty chọn ở lại đối mặt nguy cơ bị tẩy chay. Chẳng hạn Nestlé, công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất kem Gerber, KitKat và Dreyer, đã phải đối mặt với áp lực rất lớn khi quyết định ở lại. Người phát ngôn của Nestlé cho biết trong một tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi đã ngừng mọi hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu từ Nga, ngoại trừ các sản phẩm thiết yếu. Chúng tôi không còn đầu tư hoặc quảng cáo sản phẩm của mình nữa. Chúng tôi không kiếm được lợi nhuận từ các hoạt động còn lại của mình".
Rủi ro suy thoái
Cuộc chiến Nga - Ukraine còn được dự báo sẽ gây ra làn sóng suy thoái toàn cầu mới. Làn sóng lạm phát mới từ cuộc chiến này và những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch sẽ đánh vào chi tiêu của người tiêu dùng. Giá xăng đang tăng, người tiêu dùng thiếu tiền có thể bỏ các chuyến đi đã lên kế hoạch. Các hộ gia đình có thể cắt giảm đáng kể chi tiêu do giá cả đang tăng quá nhanh. Nếu người tiêu dùng ngừng chi tiêu sẽ báo hiệu tốc độ tăng trưởng GDP thực tế chậm hơn.
Fed hiện đã bắt đầu tăng lãi suất để ngăn chặn làn sóng gia tăng của lạm phát liên quan đến đại dịch. Nếu những nỗ lực ban đầu của các nhà hoạch định chính sách để giảm lạm phát không đủ, họ có thể quyết liệt tăng lãi suất cao hơn. Nhưng Fed không thể làm gì nhiều để chống lại áp lực lạm phát từ phía cung do chuỗi cung ứng bị gián đoạn và tình trạng thiếu hàng hóa. Xung đột ở Ukraine đang có nguy cơ Fed phải đi quá mạnh, quá nhanh, làm nền kinh tế chậm lại.
Thiệt hại nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga đối với hàng hóa xuất khẩu, có thể khiến giá thực phẩm và kim loại thế giới tăng vọt. Nếu các nền kinh tế khác không thể bước vào để lấp đầy khoảng trống, tình trạng thiếu hụt và vòng xoáy lạm phát này có thể khiến nền kinh tế toàn cầu sụp đổ. Tương tự, xung đột mở rộng bao gồm cả NATO cũng có thể gây ra suy thoái toàn cầu khi lao động và tài nguyên được tái sử dụng cho nỗ lực chiến tranh, thay vì hướng tới các hoạt động nâng cao GDP như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục hoặc năng lượng tái tạo.
Thách thức về lạm phát và cú sốc nguồn cung dầu do xung đột Nga -Ukraine có thể gây ra hậu quả nặng nề cho tăng trưởng GDP thế giới. |