Ngay sau khi click vào đường link có tên gần giống với website của ngân hàng, chị D. (quận 1, TP.HCM) đã bị kẻ gian đột nhập vào tài khoản để lấy trộm tiền.
Mất tiền vì tin nhắn giả mạo ngân hàng
Chị D. cho biết vào lúc 14h8 ngày 11-3 điện thoại của chị nhận được tin nhắn "VCB Digibank tran trong thong bao tai khoan cua quy khach hien tai da bi khoa. Dang nhap www.vcbielbiok.com de xac thuc ngay hom nay".
Tin nhắn được gửi trong cùng luồng tin nhắn của ngân hàng nên chị lầm tưởng là ngân hàng gửi tin cho chị. Ngoài ra do chị kinh doanh, phải giao dịch thanh toán liên tục với khách hàng, rất sợ tài khoản bị khóa nên khi thấy Vietcombank nhắn tin thông báo như vậy chị đã nhấp vào đường link trên…
"Tôi cũng không nghi ngờ gì vì giao diện của đường link này y hệt như giao diện của Vietcombank. Ngay sau khi Vietcombank nhắn tin thông báo mã OTP, tôi đã nhập mã vào đường link trên thì tài khoản bị trừ 42,4 triệu đồng" - chị D. cho biết.
Sau khi phát hiện bị mất tiền, chị D. đã gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng của Vietcombank để phản ánh thì nhân viên Vietcombank đã tư vấn chị báo công an.
Thời gian gần đây, Vietcombank đã phát đi cảnh báo trong đó khẳng định ngân hàng này không gửi tin nhắn SMS thông báo dịch vụ VCB Digibank bị khóa và đường link yêu cầu xác thực tài khoản. Do vậy, những tin nhắn trên là tin lừa đảo giả mạo tin nhắn thương hiệu Vietcombank.
Ngân hàng này cũng đề nghị khách hàng không cung cấp mật khẩu, OTP qua các đường link trên SMS và thông báo ngay cho ngân hàng khi nhận tin nhắn giả mạo hoặc nghi ngờ giả mạo.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cũng cho biết đây là chiêu lừa giả brandname của các ngân hàng. Thực tế các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các ngân hàng, mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo. Thời gian qua, mặc dù các ngân hàng đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều khách hàng vẫn tưởng là tin nhắn được gửi từ ngân hàng và làm theo, dẫn đến mất tiền.
"Do vậy, nhà mạng phải có trách nhiệm phối hợp xử lý vấn đề tin nhắn giả mạo một cách triệt để và cần có trách nhiệm trong việc gia tăng bảo mật, ngăn ngừa và phối hợp với các ngân hàng vá "lỗ hổng" dịch vụ tin nhắn nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Tưởng vay được tiền, hóa ra mất tiền
Một chiêu thức khác là lập app giả cho vay tiền để nhử con mồi. Phản ảnh với Tuổi Trẻ, anh K. cho hay vừa qua do khó khăn nên anh tìm đến trang AT Credit để vay tiền.
"Họ đánh tâm lý khi nói có thể cho tôi vay với số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn. Sau đó, họ kết bạn qua Zalo để hướng dẫn việc thực hiện thủ tục vay online. Tuy nhiên, khi đăng ký tài khoản xong thì họ nói số tài khoản ngân hàng của tôi không đúng, yêu cầu tôi chuyển 5 triệu đồng để làm thủ tục chỉnh sửa thông tin. Nhưng sau khi tôi chuyển 5 triệu đồng thì mọi số điện thoại của họ đều không liên lạc được nữa", anh K. kể.
Chị Q.T. cũng rơi vào bẫy lừa tương tự với app TFCREDIT. Sau khi gửi số tài khoản thì bên app nói thiếu 1 số nên đề nghị chị đóng 6 triệu đồng (20% khoản vay) để mở tài khoản. Sau khi tạo tài khoản và gửi số cho họ thì lại bị báo sai số và bắt nộp 6 triệu nữa. Do nghi ngờ bị lừa nên chị không chuyển tiền nữa.
Còn có trường hợp bị mất số tiền lên đến vài chục triệu như chị M.T.. Chị cho biết sau khi người bên app cho vay hướng dẫn làm xong hồ sơ, họ báo với chị là tiền chuyển vào tài khoản app rồi mà không rút được vì sai thông tin cần phải sửa.
"Muốn sửa thì phải chuyển tiền, tôi đã chuyển theo hướng dẫn nhưng vẫn không rút được. Sau đó, họ lại 'mồi' tôi bằng cách phải chuyển tiếp một số tiền nữa mới nhận lại tiền đã chuyển và tiền vay bên đó. Tôi tin lời nên đã chuyển 25 triệu đồng mà vẫn không rút được tiền. Lúc này, app lại bắt chuyển thêm 37,5 triệu nữa mới nhận được tiền vay. Phóng lao phải theo lao, kết quả tôi mất 62,5 triệu đồng và không biết làm sao để lấy lại tiền", chị M.T. cho biết.
Vừa qua, cơ quan công an đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn này. Theo cơ quan công an, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là đánh vào tâm lý muốn được vay vốn với số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn ở những người đang cần tiền để tiêu dùng.
Sau khi tiếp cận được "con mồi", các đối tượng sử dụng sim, tài khoản Zalo, Facebook Messenger để hướng dẫn việc thực hiện thủ tục vay thông qua các ứng dụng tài chính online. Nhưng đến khi gần giải ngân thì lại lấy lý do bị sai hoặc thiếu thông tin, số tiền vay vượt quá định mức vay… để yêu cầu chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản mà chúng cung cấp để chiếm đoạt tài sản.
Sau khi nạn nhân đã chuyển tiền, các đối tượng nhanh chóng khóa sim và tài khoản đã liên lạc với nạn nhân trước đó, rút tiền khỏi tài khoản nhằm phi tang chứng cứ.
Cảnh báo thủ đoạn "chuyển tiền nhầm"
Mới đây, VPBank đã gửi email cho khách hàng cảnh báo thủ đoạn "chuyển tiền nhầm" vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền. Chiêu thức 1 là khách hàng bỗng dưng nhận được một khoản tiền mà không rõ người gửi với nội dung mập mờ "cho vay trong 40 ngày".
Ngay sau đó, một tài khoản Zalo lạ liên hệ và thông báo đây là khoản vay từ công ty tài chính và yêu cầu thanh toán số tiền "vay" kia theo lãi suất cắt cổ.
Chiêu thức 2 là hỗ trợ trả lại "tiền chuyển nhầm". Theo đó, kẻ lừa đảo theo dõi mạng xã hội Facebook/Zalo…, nếu thấy ai đó đăng bài thông báo nhận được tiền chuyển nhầm vào tài khoản và đang có nhu cầu trả lại thì chúng giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ với khách và yêu cầu truy cập vào đường link giả mạo có giao diện giống với website của ngân hàng. Nếu làm theo hướng dẫn và nhập username, password, mã OTP thì khách hàng sẽ bị mất quyền sở hữu tài khoản.
VPBank khuyến cáo khách hàng cần liên hệ với ngân hàng để xác minh khi có nghi ngờ lừa đảo. Tuyệt đối không sử dụng số tiền chuyển nhầm vào chi tiêu cá nhân. Không chuyển hoàn vào một tài khoản khác khi chưa có kết quả xác minh của ngân hàng hay cơ quan chức năng.