Xe cộ "rồng rắn" nối đuôi nhau trên đường Kinh Dương Vương, đoạn gần vòng xoay An Lạc (Q.Bình Tân). Ùn tắc nghiêm trọng xảy ra tại đoạn quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) theo hướng từ vòng xoay An Lạc đi cầu Bình Điền.
Xe cấp cứu chen chúc giữa rừng xe máy tại quốc lộ 1 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Tại đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức) hướng về phà Cát Lái, hàng nghìn người dân lỉnh kỉnh đồ đạc về quê cộng với lượng xe container vào Tân Cảng khiến cung đường này trở nên quá tải, hàng dài xe nối đuôi nhích từng chút một.
Trong khi đó, tại bến xe Miền Đông và bến xe Miền Tây, người dân chen chúc mua vé về quê, các bãi giữ xe tại bến cũng trong tình trạng ùn ứ xếp hàng chờ.
Các tuyến đường lân cận bến xe như: Phạm Văn Đồng, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí... lượng xe máy, ôtô tăng dần từ 17h chiều nay.
Tầm 17h30, những tuyến đường này ken đặc xe máy, ôtô. Trên tuyến Đinh Bộ Lĩnh, hàng ngàn xe nối đuôi nhau. Một số xe đã leo lên lề di chuyển hoặc len vào giữa dòng ôtô để vượt lên. Đa số chở theo hành lý để về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Theo đại diện bến xe Miền Đông, ngày 29-4, dự báo lượng khách thông qua bến về quê nghỉ lễ sẽ tăng vọt. Lượng khách dự kiến đạt 21.000 người, với 1.150 xe xuất bến.
Đây cũng là ngày có lượng khách cao nhất trong kỳ lễ 30-4, 1-5 năm nay. Tính tới 17h chiều 29-4, ở các cổng bến ùn ứ nhẹ do khách đông, xe ra vào nhiều.
Hiện tại lực lượng cảnh sát giao thông có mặt điều tiết các tuyến đường: Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13... hỗ trợ điều tiết cho xe xuất bến hoặc quay đầu đón trả khách.
Bến xe đang cố gắng điều động không để ùn ứ khách. Ngoài ra, vị đại diện này cũng khẳng định dù lượng khách đông, bến vẫn yêu cầu các nhà xe, hành khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Hành khách trước khi lên xe được kiểm tra nhiệt độ, đeo khẩu trang.
Theo Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp lễ, ngoài các đoàn tàu chạy hằng ngày, công ty đã tổ chức chạy thêm 25 đoàn từ ga Sài Gòn đi đến các ga: Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội và ngược lại từ ngày 28-4 đến 3-5. Ngay trong ngày 29-4 có tới 16 đoàn tàu chở khoảng 10.000 hành khách xuất phát tại ga Sài Gòn.
Ông Nguyễn Văn Thành - trưởng ga Sài Gòn - cho biết các hành khách, nhân viên đường sắt đều buộc phải mang khẩu trang khi vào ga và trên các đoàn tàu. Mặt khác, ngành đường sắt đã điều chỉnh khoảng cách giờ tàu nhằm đảm bảo giãn cách, không tập trung nhiều tại ga. Trên tàu, ngành đường sắt cũng yêu cầu khách hạn chế đi lại trên toa xe nếu không cần thiết.
Cũng theo ông Thành, trước khi đoàn tàu xuất phát, các lực lượng đường sắt sẽ phun khử trùng trong, ngoài trên tất cả các toa xe, trang bị nước rửa tay sát khuẩn tại các vị trí dưới ga, trên tàu.
Còn ông Nguyễn Thanh Tuấn - phó giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP - cho hay dự kiến lượng khách qua phà sẽ tăng dần từ chiều tối 29-4, ước tính 55.000 đến 60.000 lượt khách, còn ngày mai khoảng 80.000 lượt khách (gấp đôi so ngày thường).
Xe máy len lỏi trong làn ôtô trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hà Nội: Nườm nượp người đổ về quê nghỉ lễ, xe cộ trên phố "đứng hình" từ 3 giờ chiều
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong chiều cùng ngày, các tuyến đường "cửa ngõ" thủ đô đều rơi vào tình trạng ùn tắc hàng dài, các xe phải "chôn chân", di chuyển chậm. Tại tuyến đường Láng, Trường Chinh hướng về trục đường Giải Phóng, ngay từ đầu giờ chiều tình trạng ùn tắc cục bộ đã xảy ra.
Tại dọc tuyến đường Láng, Trường Chinh hướng về trục đường Giải Phóng, ngay từ đầu giờ chiều tình trạng ùn tắc cục bộ đã xảy ra - Ảnh: PHẠM TUẤN
Đường Giải Phóng, nơi có 2 bến xe lớn là Nước Ngầm và Giáp Bát, lượng phương tiện đổ về 2 bến xe trong chiều 29-4 đông đột biến, khiến giao thông ở đây xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Nhiều phương tiện phải nhích từng chút một để di chuyển, thậm chí có thời điểm chôn chân hàng chục phút trên tuyến phố này.
Đường Giải Phóng, nơi có 2 bến xe lớn là Nước Ngầm và Giáp Bát, lượng phương tiện đông như nêm trong chiều 29-4 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tá Nguyễn Anh Tuấn - phó đội trưởng đội cảnh sát giao thông số 14 Công an TP Hà Nội - cho hay vì ngày làm việc cuối cùng trước thời điểm nghỉ lễ nên lượng phương tiện giao thông tăng đột biến, đơn vị đã bố trí 100% lực lượng ra các điểm giao cắt để phân luồng, đảm bảo trật tự giao thông.
"Dự báo của chúng tôi là từ chiều nay tới trưa ngày mai lưu lượng phương tiện sẽ rất đông, đặc biệt là các phương tiện cá nhân sẽ đi về cửa ngõ phía nam của thủ đô để về quê. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì và bố trí tất cả cán bộ ở điểm giao cắt để phục vụ người dân di chuyển thuận lợi và thông suốt", trung tá Tuấn nói.
Tại khu vực bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm, ngay từ chiều 29-4, lượng hành khách đổ về đây tương đối lớn, các quầy bán vé lượng người xếp hàng dài để mua vé. Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc đảm bảo giãn cách cũng như đeo khẩu trang phòng dịch ở đây chưa được thực hiện nghiêm.
Theo ông Nguyễn Tất Thành - giám đốc bến xe Giáp Bát - kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 4 ngày, lại đúng vào dịp cuối tuần nên nhu cầu đi lại người dân tăng cao, đặc biệt trên một số tuyến như Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định…
Với dự báo trên, bến xe Giáp Bát đã có kế hoạch cụ thể trong việc đảm bảo đầu xe, số chuyến đăng ký hoạt động và có thể tăng tần suất khoảng 200 lượt xe trong hai ngày tới để phục vụ người dân.
Tại tuyến đường gom tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, ngay từ chiều đã ken kín phương tiện, nhiều phương tiện gần như không thể di chuyển vì tình trạng tắc đường nghiêm trọng.
"Hôm nay tắc đường rất khủng khiếp, ngay từ đầu giờ chiều ở khu vực này đã bắt đầu tắc đường. Nay tôi đi từ bến xe Giáp Bát lên bến xe Mỹ Đình mất gần 2 tiếng mới tới nơi, quá kinh khủng", một bác xe ôm cho hay.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online lúc 16h tại bến xe Mỹ Đình, người dân tập trung về bến có tăng so với ngày thường nhưng không quá đột biến.
Còn tuyến đường Phạm Hùng, vành đai 3 đoạn trước cửa khu vực bến xe Mỹ Đình ùn tắc kéo dài cả hướng đi cầu Thăng Long và đi cầu Thanh Trì. Càng đến giờ tan tầm, ùn tắc còn kéo dài hơn.
Mặc dù bến xe không quá tải nhưng rất nhiều người dân đứng dọc đường ở từ trước cửa bến xe Mỹ Đình đến cổng Trường đại học Ngoại ngữ để bắt xe. Nhiều xe khách cũng ngang nhiên dừng đỗ tại đây đến đón khách khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng hơn.
Tại các nút giao, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông được bố trí, tuy nhiên lượng phương tiện tăng đột biến khiến giao thông ở khu vực trước cửa bến xe Mỹ Đình, cầu vượt Mai Dịch ùn tắc nghiêm trọng.
Tại bến xe Nước Ngầm, lượng hành khách đổ về đây tăng cao, tại các quầy vé không đảm bảo đúng giãn cách theo khuyến cáo - Ảnh: PHẠM TUẤN