Vì sao có cái tên Việt Nam?
Việc Việt Nam kiểm soát thành công đại dịch là một trong những lý do chính để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, những người đang muốn rời khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tăng cao và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Thực ra, Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều nhà sản xuất đa quốc gia đến từ Trung Quốc và cả nhiều nhà sản xuất Trung Quốc. Vào năm 2018, gã khổng lồ Samsung của Hàn Quốc và Olympus của Nhật Bản đã đóng cửa nhà máy của họ ở Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam.
Tại Khu Công nghệ cao ở TPHCM, những khoản đầu tư lớn từ những gã khổng lồ công nghệ nổi tiếng khác như Intel, Schneider và Jabil cũng đã có mặt. Trước đó vào năm 2015, Microsoft đã chuyển cơ sở sản xuất Nokia của mình từ Bắc Kinh về Hà Nội.
Vì sao có cái tên Việt Nam? Các công ty toàn cầu đã thử nghiệm khả năng của Việt Nam trong vài năm - ngay cả trước khi có thêm động lực từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Điều này do sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới, đã tạo ra tình trạng thiếu lao động và đẩy chi phí lên cao.
Trong khi đó, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ hơn và nguồn cung dồi dào, nhưng chi phí thấp hơn khoảng 40% so với Trung Quốc. Việt Nam cũng cung cấp các lợi ích về thuế và một tuần làm việc 6 ngày, có thể nâng cao năng suất. Nhiều thương hiệu quần áo và đồ thể thao nổi tiếng như Nike và Adidas cũng đã có những nhà máy sản xuất lớn tại Việt Nam.
Ngày nay, hầu hết việc gia công thương hiệu toàn cầu cho các doanh nghiệp có đại bản doanh ở Việt Nam đều do các nhà sản xuất châu Á. Như dệt may và giày dép chiếm 18% tổng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018, trong khi điện tử và thiết bị điện chiếm 40%. Luxshare Precision Industry, công ty điện tử hàng đầu của Trung Quốc, chuyên sản xuất linh kiện cho Apple, là một trong những công ty tiên phong về công nghệ của Trung Quốc cũng đã có mặt tại Việt Nam với một nhà máy đang hoạt động và đang trong quá trình thiết lập thêm 3 nhà máy nữa. Công ty có kế hoạch sử dụng ít nhất 60.000 công nhân tại Việt Nam khi Apple tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc.
Thách thức nhân lực và hạ tầng
Thách thức nhân lực và hạ tầng
Liệu Việt Nam có đủ sức "lót ổ" cho những đại bàng công nghệ bay đến hay không? Theo hãng tin Nhật Bản Nikkei, một hạn chế lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thiếu hụt trầm trọng nguồn cung lao động công nghệ chất lượng cao. Navigos Group, công ty quản lý trang web việc làm lớn nhất Việt Nam, cho biết 71% các công ty công nghệ phàn nàn rằng tình trạng thiếu nhân lực công nghệ thông tin (IT) là thách thức lớn nhất của họ. Tỷ lệ này vượt xa những doanh nghiệp xem thách thức lớn nhất nằm ở những vấn đề như tiền lương, pháp lý… Tương tự, các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề cũng cho biết họ gặp khó khăn về tìm nhân sự cho các vị trí quản lý cấp trung.
Theo một nghiên cứu về nội địa hóa chuỗi cung ứng được Đại học Harvard công bố hồi tháng 3, tính bình quân, Việt Nam đóng góp 55% giá trị của một sản phẩm trước khi sản phẩm đó được xuất khẩu - mức thấp nhất trong số 8 nước châu Á được khảo sát. Để đáp ứng nhu cầu nội địa hóa, các nhà cung cấp Việt Nam đang tăng cường hợp tác với đối tác nước ngoài, đẩy mạnh các chương trình đào tạo và mở nhà máy mới.
Song những nỗ lực này đã đẩy giá đất tăng nhanh hơn, dẫn đến một thách thức mới.
Nikkei cho rằng, làn sóng đầu tư ồ ạt của các công ty nước ngoài gần đây khiến Việt Nam gặp căng thẳng trong nguồn cung mặt bằng để xây dựng nhà máy, công xưởng, kho bãi. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Kokalari của VinaCapital nói, Việt Nam vẫn còn dồi dào công suất nhà máy và nhà kho.
Nikkei cho rằng, làn sóng đầu tư ồ ạt của các công ty nước ngoài gần đây khiến Việt Nam gặp căng thẳng trong nguồn cung mặt bằng để xây dựng nhà máy, công xưởng, kho bãi. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Kokalari của VinaCapital nói, Việt Nam vẫn còn dồi dào công suất nhà máy và nhà kho.
"Có thể đã hết công suất nếu bạn chỉ chú ý tới vấn đề chi phí. Còn nếu bạn sản xuất hàng điện tử và các sản phẩm giá trị cao khác, thì công suất vẫn còn" - ông Kokalari nói.
Trong một báo cáo vào năm 2019, VinaCapital ước tính Việt Nam có đủ đất công nghiệp cho các công ty nước ngoài tăng gấp đôi vốn đầu tư vào thời điểm đó. Tỷ trọng 20% của ngành sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức 30% tại các nền kinh tế "con hổ" khác của châu Á, nên dư địa để phát triển vẫn còn nhiều. Ngoài ra, Việt Nam đang xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp, với ít nhất 17 khu sẽ mở cửa trong vài năm tới - theo số liệu của Savills.
Hậu làn sóng chuyển hướng đầu tư?
Hậu làn sóng chuyển hướng đầu tư?
Một vấn đề nổi lên khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ tiếp theo, liệu cuộc thương chiến Mỹ-Trung có được giảm lửa, và các nhà đầu tư có giảm động lực để chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc?
Theo tờ New York Times ngày 5-12, ông Biden sẽ không dỡ bỏ ngay lập tức thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp đặt lên Trung Quốc. Trước tiên ông muốn tiến hành xem xét đầy đủ thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" mà chính quyền Trump đã đạt được với Trung Quốc. Ông cũng muốn tham khảo ý kiến với các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á và châu Âu "để chúng tôi có thể phát triển một chiến lược chặt chẽ" trước khi thực hiện động thái về thuế quan.
Tuy nhiên về lâu dài, theo giới quan sát có thể ông Biden sẽ dịu hơn với Trung Quốc so với chính quyền Trump. Và khi đó làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể yếu đi. Dù vậy, như đã nói ở trên, xu hướng chuyển dịch khỏi Trung Quốc đã có từ trước thương chiến, vì các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa sản xuất và muốn tìm kiếm một điểm đặt nhà máy có chi phí rẻ hơn. Cuộc khủng hoảng Covid-19 và thương chiến chỉ góp phần đẩy nhanh xu hướng này.