Đây là một mức có thể tác động tiêu cực tới các quốc gia này, trong khi các lộ trình tăng trưởng khác nhau trên toàn cầu và việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể giảm bớt phần nào tác động tiêu cực.
Kỳ vọng về mức lãi suất cuối cùng của Fed đã tăng với tốc độ chóng mặt sau phát biểu diều hâu mới đây của Chủ tịch Fed. Thị trường đang định giá lãi suất cuối cùng sẽ nằm trong khoảng 5,5% - 5,75% vào tháng 9, trong khi công cụ CME FedWatch cho thấy gần 50% khả năng lãi suất sẽ lên tới 6% trong tháng 9.
Quy mô và tốc độ tăng lãi suất đang khiến các nhà đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ không thoải mái vì sẽ một lần nữa đối mặt với cuộc đua gia tăng lãi suất trên toàn cầu.
"Rủi ro định giá lại hiện tại đối với lãi suất cuối cùng của Fed có lẽ lên tới 6% trong một khoảng thời gian ngắn trong bối cảnh phản ứng với lạm phát đang vượt quá mục tiêu và tăng trưởng GDP toàn cầu đang suy yếu. Sự kết hợp này nói chung là yếu tố tiêu cực đối với các thị trường mới nổi", Satyam Panday , nhà kinh tế trưởng thị trường mới nổi tại S&P Global Ratings cho biết.
Chiến lược gia Manik Narain của UBS cho biết: “Việc Fed thắt chặt lãi suất tới 6% sẽ kiểm tra chắc chắn ngưỡng chịu đựng trong lịch sử đối với các tài sản ở thị trường mới nổi”, đồng thời dự đoán đồng rupee của Ấn Độ, nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng peso của Philippines và Chile có thể suy yếu tới 5% nếu Fed tăng lãi suất lên 6%.
Một phân tích gần đây của Barclays cho thấy việc Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản sẽ làm tăng biến động lãi suất, điều này "ban đầu sẽ gây bất ổn hơn, vì nó thường đi kèm với hiệu suất kém của các đồng tiền nền kinh tế mới nổi, và điều này có thể khiến lãi suất ở các thị trường mới nổi tăng thêm”.
Các nhà phân tích tại JPMorgan kỳ vọng đồng đô la sẽ suy yếu khi lãi suất ổn định, nhưng việc Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản "sẽ là một sự thay đổi chế độ theo hướng có lợi cho sức mạnh của đồng đô la”.
Sahil Mahtani, chiến lược gia đa tài sản tại công ty đầu tư Ninety One cho biết: “Các thị trường cận biên có thể sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất khi lãi suất tăng mạnh”.
Dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi đã tăng vọt trong tháng 1 nhưng giảm dần trong tháng 2, đây là tín hiệu cảnh báo cho các nhà đầu tư. Dữ liệu của Citi cho thấy, dòng tiền đã tiếp tục chảy ra vào tuần trước, với dòng tiền đã rời khỏi các nền kinh tế mới nổi châu Âu, Trung Đông và châu Phi trong khi dòng tiền đầu cơ đã rời khỏi châu Á và châu Mỹ Latinh.
Mặt khác, các nhà đầu tư có thể thấy việc Trung Quốc mở cửa trở lại phần nào bù đắp cho sự suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ và tác động của một số mức lãi suất cao trong lịch sử của Fed đối với các thị trường mới nổi.
Các cổ phiếu thị trường mới nổi chỉ tăng 2% trong năm nay sau khi giảm tổng cộng 26% trong hai năm trước và nhìn chung có hiệu suất yếu hơn so với các chỉ số cổ phiếu các nền kinh tế phát triển. UBS cho biết, chứng khoán Trung Quốc có thể cung cấp nơi trú ẩn an toàn trong kịch bản lãi suất của Fed lên 6%.
Theo Nuno Fernandes, nhà quản lý danh mục đầu tư tại GW&K, vũ trụ thị trường mới nổi đang tập trung vào châu Á nhiều hơn so với các đợt tăng lãi suất toàn cầu mạnh mẽ trước đây có nghĩa là các nhà đầu tư không thể nhìn vào dữ liệu lịch sử như một chỉ dẫn.
“Các nhà đầu tư có thể nghĩ rằng rủi ro của thị trường mới nổi xuất hiện trong bối cảnh các chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ. Tôi nghĩ thật nguy hiểm khi nói lần này là khác, nhưng có vẻ như lần này không máy móc như vậy”, chiến lược gia Sahil Mahtani cho biết.