Các ngành XK (B5): Niềm tin dệt may

Liên tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm qua, năm 2013 dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 19 tỷ USD tăng 12% so với năm 2012.

Liên tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm qua, năm 2013 dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 19 tỷ USD tăng 12% so với năm 2012.

Cơ sở của niềm tin

Nhìn lại năm 2012, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhắc nhiều đến những khó khăn DN phải đối mặt như việc phải cạnh tranh về giá, đơn hàng nhỏ lẻ, làm nhiều nhưng lời chẳng bao nhiêu do chi phí đầu vào tăng, trong khi đầu ra không thể mở rộng...

Song, toàn ngành dệt may lại đạt được những kết quả đáng khích lệ với tổng kim ngạch đạt 17,2 tỷ USD. “Tại một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng dù nhu cầu chung bị giảm” - ông Hồng cho hay.

Cụ thể, thị trường Hoa Kỳ năm 2012 nhập khẩu dệt may giảm 0,5%, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9,2%. Nhật Bản nhập khẩu từ Việt Nam tăng 19,3% và tại Hàn Quốc nhập khẩu giảm 7% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9%.

Đây chính là những khích lệ để các DN tự tin bước vào năm 2013 được dự báo còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, theo dự báo của Vitas, năm 2013 Nhật Bản có thể sẽ vượt qua EU để trở thành nước nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ với kim ngạch khoảng 2,37 tỷ USD, cao hơn 18% so với năm 2012.

Tính đến thời điểm này, hầu hết DN trong ngành dệt may đã nhận được đơn hàng đến hết quý I-2013. Thậm chí, một số DN lớn đã nhận được đơn hàng đến quý II, quý III năm nay.

Giống như da giày, ngành dệt may rất mong chờ vào Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký kết vào năm 2013 này.

Vì khi đó, nhiều dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm hoặc miễn về 0%. Hiện nay, khi xuất hàng vào Hoa Kỳ (thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam) chúng ta phải chịu mức thuế rất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại đây.

Tất nhiên, để có thể hưởng lợi từ TPP, dệt may Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu khá khắt khe từ quy định “chỉ sợi tiếp nối”. Theo đó, việc sản xuất chỉ, sợi, vải, cắt và may các thành phẩm đều phải diễn ra trong khuôn khổ các nước tham gia TPP.

Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất dệt may của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc và một số nước ASEAN. Nhưng với kinh nghiệm từ các hiệp định song phương và đa phương Việt Nam đã đạt được trước đó, các DN vẫn kỳ vọng vào TPP.

Nỗ lực vượt khó

Cũng giống như tất cả các ngành hàng xuất khẩu khác của Việt Nam, trong cơ hội luôn tồn tại những khó khăn, thách thức mà các DN phải tìm cách vượt qua. Năm 2013 ngành dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn cần sự nỗ lực của toàn ngành và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

“Giá bán theo các hợp đồng được ký kết chỉ tương đương năm 2012, nhưng giá các yếu tố đầu vào hiện đang tăng lên đáng kể, nên nhận đơn hàng mà chúng tôi cũng không vui vẻ gì. Làm nhiều có khi lại lỗ lớn” - đại diện một DN chia sẻ trong buổi hội thảo triển khai kế hoạch năm 2013 của ngành dệt may.

Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 19 tỷ USD trong năm 2013. Ảnh: CAO THĂNG

Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 19 tỷ USD trong năm 2013.
Ảnh: CAO THĂNG

Trước tình hình ấy, Vitas cho hay cũng có nhiều DN nỗ lực đàm phán với đối tác nhằm tăng giá đơn hàng, nhưng kết quả chỉ rất khiêm tốn. Câu chuyện giá thành cũng đang khiến DN Việt Nam mất đi khách hàng quen thuộc, mà EU đang là một thí dụ điển hình.

Sự sụt giảm đơn hàng từ thị trường EU không chỉ bởi kinh tế khu vực này gặp nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, mà còn bởi các nhà nhập khẩu của EU đang chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang Lào, Campuchia và Bangladesh nhằm tránh mức thuế nhập khẩu 10% để tiết kiệm chi phí, do những quốc gia này còn được hưởng tiêu chuẩn Tối huệ quốc (MFN) với mức thuế suất nhập khẩu 0%.

Để đối phó với tình hình này, Vitas khuyến cáo các DN nên chịu khó đi tìm đối tác mới thay vì chờ đợi đơn hàng từ khách hàng truyền thống.

Tuy nhiên, có một điều cần phải nói rõ, đó chính là việc đi tìm đối tác mới có thể ở ngay trên những thị trường cũ chứ không có nghĩa là đối tác mới nằm trong thị trường mới. Vì sao như vậy?

Trong năm 2012, dù DN có xuất hàng đến các thị trường mới ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc và mức tăng trưởng khá, nhưng chưa thể chiếm tỷ trọng cao. Trong khi những thị trường như Hoa Kỳ hay Nhật Bản dù nhu cầu nhập khẩu lớn song chúng ta còn chiếm một tỷ trọng quá thấp.

Tìm bạn hàng mới ngay trên những thị trường cũ giúp DN không phải tốn thêm chi phí tìm hiểu thị trường, đồng thời tránh được hiện tượng lừa đảo trong giao dịch thương mại khi đến những vùng đất mới. Trên thực tế, trong năm 2012 đã có 1 số DN dệt may bị lừa đảo khi thực hiện hợp đồng với các đối tượng thuộc nước Cộng hòa Cameroon (châu Phi).

Để giúp DN có thể vượt qua khó khăn trong năm 2013 nhằm về đích đúng như kế hoạch, Vitas đã có những kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng nhằm tìm ra những giải pháp hỗ trợ hữu hiệu cho các DN trong ngành.

Theo đó, Chính phủ cần đầu tư hơn nữa vào chương trình xây dựng hình ảnh quốc gia và ngành dệt may, thúc đẩy mối hợp tác chặt chẽ giữa DN và đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài để thực hiện các hoạt động xúc tiến.

Cơ chế hợp tác và phối hợp giữa DN, hiệp hội và Chính phủ cần phải rõ ràng và khăng khít hơn. Ngoài ra, ngành dệt may cần có định hướng của Chính phủ về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành và sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc quản lý các DN dệt may trên cả nước…

Các tin khác