Vài năm trở lại đây, cụm từ “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” được nói đến khá nhiều và hầu như năm nào cũng có thêm vài mặt hàng mới được thêm vào danh sách. Tuy nhiên, làm thế nào để các mặt hàng này có chỗ đứng vững chắc vẫn còn là một thách thức.
Lính mới
Khép lại năm 2012, Việt Nam có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó có 2 thành viên mới lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là sắn và các sản phẩm từ sắn; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện.
Tuy nhiên, mặt hàng gây được sự chú ý nhiều nhất là sắn và các sản phẩm từ sắn. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ dừng lại ở con số 960 triệu USD. Nhưng đến tháng 9 năm 2012 đã tăng lên 1,01 tỷ USD.
Thu mua sắn xuất khẩu. |
Và kết thúc năm 2012, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt đạt 4,23 triệu tấn, trị giá 1,35 tỷ USD. Thực tế này đưa sắn và các sản phẩm từ sắn trở thành mặt hàng xuất khẩu giàu tiềm năng. Bước sang năm 2013, một mặt hàng đang nỗ lực để bước vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD là rau quả.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết: “Năm 2013 Vinafruit tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD để bước vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD”. Với vị trí top 5 nước xuất khẩu rau quả lớn nhất thế giới và tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm, kỳ vọng này của Vinafruit hoàn toàn có cơ sở.
Tính cho đến nay, gần như mỗi năm câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD đều đón thêm những thành viên mới. Điều này vừa thể hiện nỗ lực khai thác lợi thế của từng ngành hàng, vừa thúc đẩy thêm sức mạnh của câu lạc bộ. Bởi từ khi ra đời đến nay, câu lạc bộ luôn đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định: “Việc có thêm nhiều mặt hàng gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD đã đóng góp tích cực vào kết quả xuất khẩu của cả nước trong năm 2012”.
Tuy nhiên, điều không ít chuyên gia lo ngại đó chính là tính bền vững của những “lính mới” này, bởi chưa ai dám đưa ra nhận định trong vài năm tới những thành viên này còn đứng trong câu lạc bộ tỷ USD được hay không. Và cái thực tế mừng đấy nhưng lo ngay đang khiến cả những người trong cuộc cũng không phấn khởi gì.
Nỗi lo cũ
Quay trở lại câu chuyện xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn. Hiện nay thị trường xuất khẩu chính của ngành hàng này là Trung Quốc, với hơn 85% tổng kim ngạch, còn lại phân chia cho các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia…
Chúng ta đã có những bài học nhãn tiền về việc tập trung vào một thị trường chính của một số ngành chủ lực như dệt may, da giày, gỗ… khi chỉ tập trung xuất khẩu vào thị trường EU. Nhưng quan trọng hơn, thị trường chính của sắn lại là Trung Quốc còn đáng lưu ý hơn nhiều.
Vì cho đến nay, ngành nông sản của chúng ta đã chứng kiến không ít vụ việc ép giá của các thương lái Trung Quốc. Giả sử, sắn và các sản phẩm từ sắn gặp khó khăn khi xuất vào Trung Quốc hậu quả sẽ ra sao?
Chắc chắn sẽ không thể chuyển ngay hơn 85% thị phần này sang các nước khác. Ngoài việc mặt hàng này có thể bị rớt khỏi câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD thì một hậu quả khác còn nghiêm trọng và đáng nói hơn, đó chính là nguồn nguyên liệu đất đai.
Việc trồng sắn làm đất nhanh bạc màu là điều bất kỳ người trồng nào cũng biết. Song tính cho đến nay, diện tích trồng sắn hiện chỉ đứng sau 2 cây lương thực là lúa và ngô. Chính vì thế, việc quy hoạch diện tích trồng cũng như định hướng xuất khẩu mặt hàng này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Tương tự, nếu đem rau quả ra phân tích cũng còn nhiều điều đáng quan tâm. Năm 2012 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 30%, giảm 5% so với năm 2011 do vướng những quy định khắt khe của các nước nhập khẩu.
Hiện Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các DN rau quả Việt Nam. Song, khác với sắn và các sản phẩm từ sắn, thị phần Trung Quốc với ngành rau quả chỉ khoảng hơn 37%, còn lại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga…
Tuy nhiên, trong năm 2012 rau quả Việt Nam không ít lần bị cảnh báo về chất lượng và đáng chú ý nhất là cảnh báo của EU hồi giữa năm 2012. “Chúng tôi đang khuyến cáo DN cũng như người nông dân phải ổn định vùng nguyên liệu, thực hiện tốt tiêu chuẩn GAP để có thể đưa sản phẩm rau quả vào các thị trường khó tính” - ông Kỳ cho biết.
Nói thì dễ nhưng thực hiện có vẻ không dễ chút nào, bằng chứng là câu chuyện thực hành GAP cho đến nay không biết đã nói đi nói lại bao nhiêu lần. Không chỉ riêng những nhóm hàng mới này mà ngay cả những ngành xuất khẩu chủ lực của chúng ta như dệt may, da giày, đồ gỗ… câu chuyện về tính bền vững cũng được nhắc tới nhiều.
Đó thoạt nhìn là một nỗi lo cũ, nhưng trên thực tế nó lại luôn mới trong từng ngành hàng, qua từng năm khi những thách thức ở thị trường xuất khẩu ngày một nhiều lên. Nhất là trong năm 2013, những dự báo cho tình hình kinh tế thế giới nói chung không nhiều gam màu sáng.