Các chuyên gia cảnh báo, nếu các dịch bệnh truyền nhiễm này không được kiểm soát sẽ có nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch”.
Nhiều ca tay chân miệng nguy kịch
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 8.995 ca bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó trẻ em nam (từ 1-10 tuổi) chiếm nhiều nhất với 60%. So với trung bình 5 năm gần đây, số ca mắc chưa có dấu hiệu tăng đột biến nhưng có xu hướng tăng cao trong các tuần gần đây và đã có 4 ca tử vong cư ngụ ở các tỉnh Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An và TPHCM.
Đáng báo động, tính hết tuần 23, TPHCM ghi nhận 2.407 ca mắc TCM. Riêng tuần qua ghi nhận 423 ca mắc mới (tăng gần 150% so với tuần trước), trong đó có 14 ca nguy kịch, 1 ca thở máy. Ghi nhận trong 2 ngày cuối tuần qua tại một số bệnh viện (BV) nhi trên địa bàn TPHCM, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm nổi các nốt nước đỏ ở TCM.
BS-CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV Nhi đồng TPHCM, cho biết, bình quân mỗi ngày đơn vị tiếp nhận thăm khám, điều trị ngoại trú dao động 50 - 100 trẻ mắc TCM, đa số là trẻ em của các tỉnh miền Tây chuyển lên. Hiện khoa Nhiễm (BV Nhi đồng TPHCM) đang điều trị nội trú 32 bệnh nhi, trong đó có 2 ca phải lọc máu và 2 ca thở máy…
Tương tự, tại khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1 TPHCM), những ngày qua tiếp nhận 20-30 bệnh nhi đến khám vì TCM, trong đó 5-7 ca phải nhập viện điều trị. Trong 36 bệnh nhi điều trị nội trú mắc TCM tại khoa, đã có 11 ca phải nằm ở phòng bệnh nặng và 4 ca chuyển xuống khoa Hồi sức - Chống độc.
“Cả 4 bệnh nhi này đều phải thở máy, 1 ca lọc máu. Trước đó, BV có 1 ca tử vong (bé 5 tuổi) do TCM”, BS-CKII Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TPHCM, thông tin. Trong khi đó, BV Nhi đồng 2 (TPHCM) cũng đang điều trị cho gần 30 trẻ bị TCM, trong đó có 9 ca nặng.
Theo ThS-BS Nguyễn Đình Qui, quyền Trưởng khoa Nhiễm, trong tháng 5, số ca bệnh TCM nội trú chỉ 4-5 ca/ngày, nhưng trong 2 tuần trở lại đây gia tăng 25-27 ca/ngày; số ca nặng chiếm tới 40% (cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 25%).
ThS-BS Nguyễn Đình Qui cảnh báo: “Bệnh TCM là bệnh xảy ra quanh năm nhưng với sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus (EV71 - chủng virus có độc lực cao, lây lan nhanh, gây nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ em) mà cụ thể là gen B5, khiến các ca TCM năm nay nặng hơn, nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời”.
Tập trung diệt muỗi
Đối với dịch sốt xuất huyết (SXH), ghi nhận của Bộ Y tế đến thời điểm này, cả nước có gần 33.000 ca, trong đó 9 trường hợp tử vong. “Điểm nóng” về SXH là khu vực Đông Nam bộ, trong đó tỉnh Đồng Nai và TPHCM đang có số ca tăng cao.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm, Đồng Nai ghi nhận gần 1.000 ca, nay đã tăng trên 1.600 ca với 3 ca tử vong. Riêng TPHCM có 7.918 ca mắc SXH, chưa ghi nhận ca tử vong. Qua công tác thực hiện giám sát hoạt động phòng chống SXH ở 25 phường xã, thị trấn trên địa bàn thành phố phát hiện 47 điểm có lăng quăng trong tổng số 85 điểm được giám sát (chiếm tỷ lệ 55,2%). Trong số 9 điểm nguy cơ bùng phát dịch là hộ gia đình thì có đến 7 điểm có lăng quăng (chiếm tỷ lệ 78%).
Cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM |
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, UBND TPHCM đã ban hành văn bản tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch 2095/KH-UBND về tập trung triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH; trong đó lưu ý tập trung vào việc xử lý các vật chứa nước nhằm loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; vận động người dân đồng hành với chính quyền tích cực tham gia tìm kiếm và loại bỏ vật chứa nước ngay tại chính nơi ở của mình. .
Phó chủ tịch thường trực UBND quận 8 Nguyễn Thanh Sang cho biết, quận đang huy động mọi nguồn lực tham gia kiểm soát và xử lý hiệu quả các điểm nguy cơ phát sinh muỗi và lăng quăng. Đồng thời kiên quyết xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình không xử lý các điểm nguy cơ trong khu vực mình quản lý, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.