Trước các quyết định thanh tra những sai phạm về đất đai và những quyết định về việc tạm dừng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho đến khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có hiệu lực và quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chính thức, thị trường bất động sản vốn từng "sốt" một thời gian dài tại huyện đảo này đã "mát" trở lại. Thậm chí, vì giao dịch ế ẩm, rất nhiều văn phòng môi giới bất động sản đã bắt đầu "tháo chạy" khỏi "đảo ngọc" Phú Quốc.
Anh Nguyễn Văn T., một nhân viên tư vấn bất động sản, cho biết lúc trước thị trường bất động sản tại Phú Quốc "sốt" bởi nhiều nguyên nhân, nhưng đa phần là do nhiều nhà đầu tư bỏ ra hàng chục tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ đồng để mua đất nông nghiệp với mục đích phân lô bán nền để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi có quyết định thanh tra và việc tạm dừng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã làm cho thị trường bất động sản ở đây "mát" đi một cách đáng kinh ngạc.
Cũng theo anh K., do giá thuê mặt bằng ở Phú Quốc quá đắt, chi phí điện nước, ăn ở, đi lại và tiền lương của nhân viên quá cao, không rút lui trước tình hình giao dịch ế ẩm thế này chắc chắn công ty sẽ phá sản sớm.
Hiện tại, theo quan sát của chúng tôi, tại các văn phòng môi giới bất động sản còn trụ lại rất vắng khách, có nơi còn đóng cửa do không có khách đến giao dịch. Tại các dự án phân lô bán nền, không còn hình ảnh các nhân viên tư vấn ùa ra đường chào mời khách hàng đến hỏi mua một cách rôm rả. Có nơi còn tháo cả bảng dự án khu dân cư.
Sáng 6-6, tại Phòng Công chứng số 2 (đường Nguyễn Trung Trực) và Phòng Công chứng Phú Quốc (đường 30/4), rất ít khách đến giao dịch. Nhân viên của một phòng công chứng cho biết sau khi có quyết định tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phân lô, tách thửa thì lượng khách đến đây giao dịch giảm đi rất nhiều. Lúc trước, phòng công chứng làm cả ngày thứ 7 nhưng vẫn không hết khách, nay cả ngày có khi chỉ… ngồi chơi.