Ông Lý gọi những biện pháp này là “Circuit Breaker” (cầu dao điện), một hình ảnh có tính ẩn dụ nhưng nội hàm của nó cũng tương tự khái niệm “cách ly toàn xã hội” ở Việt Nam ta.
Ngay sau phát biểu của ông Lý, các bộ trưởng trong ban đặc nhiệm liên bộ đã lần lượt cho người dân biết những quy định cụ thể liên quan đến các biện pháp nói trên. Một số hãng truyền thông và báo chí nước ngoài vội vã cho rằng người Singapore đang hốt hoảng, nhưng thật ra đại bộ phận dân đảo Sư tử đều đã chuẩn bị tinh thần vì khái niệm “cầu dao điện” đã được các quan chức giải thích trước đó cả tháng và việc áp dụng những biện pháp hà khắc hơn là điều tất yếu.
Điều đáng tham khảo là cái “cầu dao điện” này không chỉ đơn thuần là ý chí của Nội các Thủ tướng Lý Hiển Long, mà được đưa ra Quốc hội thảo luận để trở thành luật định. Ngày 7-4, tức chỉ trong 2 ngày nhóm họp, Quốc hội Singapore đã thông qua Đạo luật Covid-19 (Các biện pháp tạm thời), trình cho Tổng thống chuẩn y và có hiệu lực ngay sau khi ký.
Poster của hãng truyền thông CAN đưa các thông tin minh họa một số các quy định về cách ly toàn xã hội và các mức chế tài khác nhau.
Văn bản dưới luật như “chỉ thị” hay “thông tư hướng dẫn” dường như là khái niệm xa lạ với các cơ quan thi hành pháp luật ở Singapore. Lý do dễ hiểu là các đạo luật ở Singapore thường được soạn thảo rất chi tiết và đạo luật Covid-19 này ghi rõ các quy định cụ thể về “cách ly an toàn” (safe distancing) cũng như trao cho Bộ trưởng Y tế đương nhiệm quyền cấm hay áp đặt điều kiện liên quan đến tổ chức các sự kiện hay tụ tập xã hội.
Nhưng cũng như ở nhiều quốc gia khác, việc đưa bất cứ đạo luật nào vào cuộc sống cũng không đơn giản, nhất là bởi nó ảnh hưởng sâu sắc đến thói quen và lối sống của người dân. Một trong những khái niệm người Singapore phải lưu ý là “essential service” (dịch vụ thiết yếu) được chính phủ quy định rõ trên trang web. Hớt tóc được xem là thiết yếu, nhưng bạn chỉ được cắt tỉa mà không được gội, nhuộm, uốn hay duỗi thẳng.
Quầy bán hoa và trái cây trong chợ dưới nhà tôi nay chỉ được phép bán trái cây, bởi hoa được xem là “non-essential” (không thiết yếu). Còn rất nhiều điều được và không được làm như không được đến thăm người thân, bạn bè hay các giao tế xã hội khác ngoại trừ phải chăm sóc người già trên 60 tuổi hay người khuyết tật.
Mặc dù đã được thông tin đầy đủ, nhưng một bộ phận không nhỏ người Singapore vẫn “quên” hay xem nhẹ các quy định của đạo luật mới ban hành. Cụ thể nhất là việc giữ khoảng cách an toàn vẫn không được tuân thủ. Trong buổi họp báo ngày 9-4, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong cho biết nhiều người vẫn tụ tập với nhau khi tập thể dục, chạy bộ hay đạp xe trong công viên hay sân vận động ngoài trời.
Do đó, chính phủ đành quyết định đóng cửa sân vận động, còn công viên không thể đóng hoàn toàn nhưng sẽ hạn chế người vào. Như vậy, những người yêu thích vận động và thể dục thể thao như tôi từ nay chỉ còn có thể chay bộ hay đạp xe loanh quanh trong khu dân cư. Chán hơn nữa là bà xã và con gái tôi cũng phản đối chuyện tôi ra ngoài tập luyện, bởi giờ đây số ca nhiễm virus đã hơn 4.400 và nguy cơ lây lan trong cộng đồng ngày càng lớn.
Cơ hội được ra ngoài của tôi giờ đây chính là những lúc thỉnh thoảng chạy xuống khu chợ ướt trong khu dân cư hay đi tàu điện/xe buýt đến siêu thị gần nhà để mua các vật phẩm “thiết yếu”. Trong chuyến “dã ngoại” mới nhất cùng bà xã vào sáng 11-4, tôi mới cảm thấy trân trọng những giây phút được ra ngoài hít thở khí trời và thông cảm với một số người lớn tuổi vẫn kiếm cớ ra đường bằng cách vào chợ hay siêu thị mua một vài món gì đó bất chấp khuyến cáo “Stay at home!” (Hãy ở nhà) của chính phủ.