Thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp, giải ngân sau vài giờ là những lời quảng cáo mà những đối tượng cho vay nặng lãi (tín dụng đen) chào mời những người có nhu cầu vay tiền. Nhiều người lao động phải “ngậm đắng nuốt cay” và trở thành “con nợ” khi vay tiền từ app hoặc các tụ điểm cho vay nặng lãi.
Do cần tiền xoay xở việc gấp, anh Hoàng Văn Triển 35 tuổi, xã Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) đăng ký vay 10 triệu đồng qua app trực tuyến. Để làm thủ tục vay, anh phải chụp hình chứng minh nhân dân và cung cấp số tài khoản ngân hàng gửi lên app vay. Sau đó, tài khoản ngân hàng của anh tự động nhận được tiền khi giải ngân.
“Số tiền thực nhận được chỉ bằng 80% số tiền tôi đã vay và thời hạn vay chỉ có 1 tuần, kể từ ngày được “giải ngân”. Quá bất ngờ, tôi gọi vào các số điện thoại liên lạc trên app cho vay thì không ai nghe máy. Đến hạn thanh toán, tôi mới tá hỏa khi liên tục nhận được điện thoại nhắc nợ”, anh Triển cho hay.
Anh Triển cho biết thêm, do thời hạn vay ngắn, đến hạn lại không có khả năng thanh toán nên thường bị các đối tượng cho vay bêu xấu bằng cách ghép hình ảnh, thông tin và lệnh truy nã tung lên các website có nội dung đồi trụy, làm ảnh hưởng danh dự của bản thân và gia đình. Quá hoảng sợ, anh Triển đành vay app này để trả nợ app kia. "Lãi mẹ đẻ lãi con", từ số tiền vay 10 triệu đồng ban đầu, nay anh phải trả nợ số tiền gần 200 triệu đồng, cả gốc lẫn lãi.
Anh Tú kể, một lần lướt Facebook thì thấy hiện lên ứng dụng cho vay tiền không lãi suất. Anh Tú tò mò tải app về điện thoại tìm hiểu và thử vay lần đầu là 500.000 đồng trong vòng 1 tuần không tính lãi. Lần vay đầu, anh Tú trả đúng hẹn nên không có vấn đề gì xảy ra. Sau đó, anh được mời chào vay tiếp hạn mức 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.
“Tin vào lời dẫn dụ từ "nhân viên tư vấn" của app, tôi tiếp tục vay. Do không có tiền trả đúng hạn, tôi được tư vấn vay app khác để đáo nợ. Cứ như thế, từ 50 triệu đồng ban đầu tôi đã sập bẫy app "tín dụng đen" với khoản nợ lên tới gần 150 triệu đồng”, anh Tú nói.
Do số nợ càng ngày càng lớn, trả mãi không hết nên lúc nào Tú cũng phải sống trong tình trạng khủng hoảng tinh thần, còn người thân, bạn bè thì liên tục bị "khủng bố" đòi nợ.
“Chỉ vì sự thiếu hiểu biết của tôi đã gây ảnh hưởng quá lớn đến gia đình và người thân. Khoản nợ liên tục tăng, tôi trả 3 năm rồi mà vẫn chưa dứt nợ nên cứ bị gọi điện khủng bố, hăm dọa”, anh Tú chia sẻ.
Kết quả khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, nạn tín dụng đen đã và đang hoành hành tại các KCN trên khắp cả nước, phổ biến ở các tỉnh có nhiều KCN như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang… Nhiều công nhân là nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất cao. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, công nhân thành con nợ không có khả năng thanh toán và phải bỏ việc do bị đòi nợ, khủng bố.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban truyên truyền lý luận Báo Nhân dân, hoạt động cho vay “tín dụng đen” ngày càng có nhiều biến tướng khó lường, với đặc trưng cơ bản là có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản và thường sử dụng bạo lực để đòi nợ. Bên cạnh đó, các chủ nợ và con nợ của các hoạt động “tín dụng đen” cũng ngày càng đa dạng và mở rộng, thậm chí có cả người đang làm việc trong hệ thống tín dụng ngân hàng.
Cơ chế “hoạt động đa cấp” trong tín dụng “đen” càng khiến cho mức độ và biên độ chênh lệch lãi suất ngày càng lớn, thậm chí cao thêm tới 2-3 lần lãi suất gốc… “Tín dụng đen” phổ biến và đa dạng về hình thức, không khó nhận diện, nhưng không dễ bắt quả tang do có nhiều chiêu thức qua mặt cơ quan chức năng. Các chủ “tín dụng đen” thường không thể hiện hoặc che giấu mức lãi suất thực trong “hợp đồng dân sự”, mà thường khấu trừ luôn tiền lãi vào số tiền gốc ngay khi giao tiền hoặc lấy lãi theo ngày. Hơn nữa, các chủ này thường chia nhỏ số tiền cho vay để lách luật, hoặc thậm chí giấu mặt…
Ông Phong cho rằng, nhận diện và ngăn chặn “tín dụng đen” là cần thiết và cần sự đồng bộ các giải pháp, sự phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan: Sự minh bạch và đầy đủ, chặt chẽ hơn trong hệ thống luật pháp; Sự tích cực vào cuộc của các cơ quan chức năng trong nhận diện và cảnh báo, thông tin, tuyên truyền, ngăn chặn sớm và giám sát, truy xét và xử lý các tội phạm “tín dụng đen”; Sự mở rộng nguồn vốn tín dụng ưu đãi Nhà nước và các nguồn tín dụng ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất và thời hạn hợp lý. Đặc biệt, rất cần sự cảnh giác của người vay để không tự biến thành nạn nhân của chính mình trước “quả bom nợ nần” mà những chiến bẫy nợ “tín dụng đen” đã, đang và sẽ tiếp tục giăng ra.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, việc công nhân tìm đến tín dụng đen hay cho vay tiêu dùng nhằm giải quyết công việc hay ổn định cuộc sống sau mùa dịch này là điều không hiếm. Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, việc vay tín dụng đen đã được nhiều người lựa chọn và xem đó là “cứu cánh” trong thời điểm khó khăn. Thế nhưng, khi làm thủ tục xong rồi mới phát sinh nhiều chi phí khác, lãi mẹ đẻ lãi con, từ đây nhiều hệ lụy xảy ra, thậm chí nhiều người phải bỏ việc để gia đình được an toàn.
“Trong bộ luật hình sự đã có những quy định về việc xét xử hình sự đối với người cho vay nặng lãi, đây là chế tài tương đối nặng. Tuy nhiên, việc thực thi còn gặp khó vì bản chất của việc vay hoặc cho vay liên quan đến cá nhân nhiều hơn, chỉ khi người vay sợ bị xã hội đen đòi nợ hoặc không thể trả được nợ thì mới báo cho cơ quan chức năng. Để hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng cần có nhiều gói vay linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân, người có thu nhập thấp. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa những loại hình tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện”, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho hay.
Cần sớm có hệ thống tín dụng ưu đãi dành cho công nhân
Theo ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng tín dụng đen diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đời sống của phần lớn công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận chính sách tín dụng của người lao động còn rất hạn chế, do vậy, công nhân đã phải lựa chọn vay qua tín dụng đen. Hệ lụy của việc vay qua tín dụng đen rất lớn, rất nhiều người lao động rơi vào đường cùng, bán xe cầm cố tài sản để trả nợ, giữ an toàn cho người thân và con cái.
Trước thực trạng này, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi các cấp công đoàn về việc tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” trong công nhân lao động. … Theo đó, Tổng liên đoàn đề nghị các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, nhất là ở những nơi có đông công nhân lao động. Cụ thể, tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác; triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động.
Đồng thời, phổ biến rộng rãi về gói vay 20.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân lao động, kết nối đầu mối cho vay. Ở những nơi có “tín dụng đen” hoạt động, công đoàn cơ sở cần phối hợp đơn vị chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ công nhân lao động và báo cáo lên công đoàn cấp trên để được hỗ trợ...
Để tín dụng đen không còn bủa vây người lao động, giải pháp hữu hiệu vẫn là triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình an sinh xã hội của Chính phủ, đưa tiền hỗ trợ đến tay các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội trở lại sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, giúp họ có thu nhập để trang trải và ổn định cuộc sống.