Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt: Nhìn từ thông lệ quốc tế

(ĐTTCO) - Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang được Chính phủ cân nhắc và các chuyên gia đề xuất phương thức đánh thuế hỗn hợp để hài hòa nhiều mục tiêu khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, phát biểu tại hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, phát biểu tại hội thảo.
Nên tăng thuế theo lộ trình và mức thuế điều tiết
Ngày 9-8, tại Hà Nội, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đã phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo chuyên đề: “Thuế tiêu thụ đặc biệt - Hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) và phát triển sản xuất kinh doanh”. 
Hội thảo nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 508/QĐ/2022/QĐ-TTg, về việc phê duyệt chiến lược cải cách thuế đến năm 2030, trong đó quy định về chính sách thuế TTĐB: “Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB”.
Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, cho rằng thuế TTĐB đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng; tăng nguồn thu cho NSNN. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, cộng đồng doanh nghiệp (DN) kỳ vọng thuế TTĐB cần đáp ứng yêu cầu cao hơn như cần đảm bảo được một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và DN. 
Theo ông Tuấn, một sắc thuế TTĐB tốt ngoài các mục tiêu như định hướng hành vi tiêu dùng, tăng thu ngân sách, thì cần tính tới các yếu tố như tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, cho rằng tăng thuế TTĐB nhằm hạn chế tiêu dùng như thuốc lá là việc làm cần thiết. Song bên cạnh một chính sách thuế hợp lý, các biện pháp khác cũng cần được thực hiện một cách đồng bộ như tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tác hại thuốc lá; kiểm soát và hạn chế thuốc lá nhập lậu; thực hiện nghiêm việc phạt trực tiếp vào hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Bà Cúc cũng nhấn mạnh, việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nên có lộ trình để các DN sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho NSNN, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lộ trình này cần cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết. 
Theo đó, 2 năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp (tương đối và tuyệt đối), bên cạnh thuế suất 75% có thể tăng thêm mức thuế tuyệt đối từ 1.000 đồng/bao. Tiếp đến sẽ nâng dần theo lộ trình 2 năm tiếp theo nâng từ 1.000 đồng/bao lên 1.500 đồng/bao. Từ năm thứ 5 sẽ điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bao.
Cải cách cơ cấu tính thuế theo thông lệ quốc tế
Bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng phương thức đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá trên thế giới khá đa dạng. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ áp dụng phương thức đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm (%). Phương thức này đang bộc lộ nhiều hạn chế như không theo kịp tốc độ lạm phát, khuyến khích sự gia tăng thuốc lá giá rẻ hiện đang sẵn có trên thị trường. 
Đặc biệt, cách đánh thuế này làm gia tăng khả năng tiếp cận và hút thuốc lá đối với thanh thiếu niên và tăng tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở trẻ em. Trong khi đó, phương thức đánh thuế theo mức tuyệt đối, và đặc biệt là phương thức đánh thuế hỗn hợp, hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia do lợi ích mang lại của phương pháp này. 
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán và Tư vấn PwC Việt Nam, cho biết thế giới hiện phổ biến 3 phương thức đánh thuế TTĐB. Đó là cơ cấu thuế tương đối theo tỷ lệ % trên giá bán, cơ cấu thuế tuyệt đối (mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa) và cơ cấu thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tính theo tỷ lệ % và thuế tuyệt đối).
Trích dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, bà Vân cho biết trong 3 phương thức trên số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối là đông nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỷ lệ % (47 quốc gia). So với gần 15 năm trước (2008) thì cách tính thuế hỗn hợp có sự gia tăng về số lượng quốc gia chọn lựa.   
Theo bà Vân, phương thức thuế tính theo tỷ lệ % được nhìn nhận là không thúc đẩy đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, vì khi đầu tư nâng cao chất lượng giá thành sẽ cao, giá bán phải tăng cao tương ứng, dẫn đến gánh nặng thuế lớn hơn theo hiệu ứng số nhân của cơ cấu thuế. 
Chính vì thế, bà Vân kiến nghị: “Cải cách cơ cấu thuế theo hướng khuyến khích nâng cao chất lượng để giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Chuyển sang hệ thống hỗn hợp và dùng yếu tố thuế tuyệt đối để điều tiết thị trường tiêu thụ một cách hợp lý”.
Giải bài toán tăng thuế và chống thuốc lá lậu
Cũng tại hội thảo, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng việc tăng thuế TTĐB nếu có cần cân nhắc hài hòa giữa điều tiết nguồn thu NSNN và phát triển sản xuất kinh doanh. Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu để đưa ra lộ trình tăng thuế, mức độ tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá một cách phù hợp, do điều kiện thị trường Việt Nam có nhiều phân khúc giá khác nhau, tránh tạo ra cơ hội cho thuốc lá lậu gia tăng sản lượng tiêu thụ dẫn đến thất thu thuế.
Ông Nghĩa đề nghị: “Hiệp hội đề nghị Nhà nước và các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn, và sử dụng một phần kinh phí từ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để đẩy mạnh công tác chống thuốc lá lậu, qua đó tăng nguồn thu ngân sách từ ngành thuốc lá hợp pháp, thay vì đẩy nhanh việc gia tăng thuế và áp đặt thêm các khoản thu mới trên sản phẩm thuốc lá hợp pháp”.

Ông Young Jae Song, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh BAT - Vinataba, cũng đề xuất chưa nên tăng thuế TTĐB trong vòng 1-2 năm tới, và kiến nghị Nhà nước cân nhắc một lộ trình hợp lý với mức tăng phù hợp, để tránh việc tăng sốc gây bất ổn thị trường, môi trường kinh doanh và gia tăng thuốc lá lậu cũng như những vấn đề về an sinh xã hội. 

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, tăng thuế TTĐB là một công cụ, nhưng tăng thuế có thể tăng buôn lậu. Tăng buôn lậu sẽ làm giảm sản xuất và tiêu dùng hợp pháp, từ đó giảm số thu thuế. Ngoài ra, vòng xoáy tăng thuế - tăng giá có thể sẽ thúc đẩy người hút chuyển sang các loại thuốc giá rẻ ảnh hưởng sức khỏe người dân. 
Cũng theo ông Cung, thống kê các năm qua cho thấy số lượng thuốc lá tiêu thụ về cơ bản không giảm, buôn lậu tăng, thu ngân sách về cơ bản không tăng nhưng lại tăng thất thu thuế. Tóm lại, tăng thuế những năm qua chưa đạt mục tiêu quản lý và có thể không nên là công cụ ưu tiên hàng đầu trong quản lý Nhà nước đối với tiêu thụ thuốc lá.
Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt: Nhìn từ thông lệ quốc tế ảnh 1
Tăng thuế TTĐB là một công cụ, nhưng tăng thuế có thể tăng buôn lậu. Tăng buôn lậu sẽ làm giảm sản xuất và tiêu dùng hợp pháp, từ đó giảm số thu thuế.

Các tin khác