Theo TS. Trí, đứng ở góc độ ngân sách nhà nước, thuế TNCN là một nguồn thu quan trọng của nhiều quốc gia. Song theo sự thay đổi của môi trường kinh tế xã hội, chính sách thuế này cũng thay đổi để hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và cân đối ngân sách của chính phủ.
Cũng như nhiều nền kinh tế đang phát triển hay có thu nhập thấp khác, Việt Nam cũng đang đối mặt với yêu cầu khách quan là phải cải cách sớm và nhanh chính sách thuế TNCN.
Chính sách thuế phải đơn giản, hài hòa
Chính sách thuế phải đơn giản, hài hòa
Có một thực tế là chi ngân sách của tất cả các nước năm sau đều cao hơn năm trước, và phần gia tăng này phải được bù đắp chủ yếu qua thuế. Các nguồn thuế chính ở đây là thuế tiêu dùng, thuế gắn với tiền lương (bảo hiểm xã hội), thuế TNCN và thuế doanh nghiệp. Căn cứ vào dự trù chi ngân sách mà nguồn thu từ cá nhân hay doanh nghiệp, sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với mục tiêu điều hành của chính phủ trong một giai đoạn.
Chẳng hạn nếu tăng thuế từ cá nhân sẽ giảm thuế cho doanh nghiệp và ngược lại. Tuy nhiên, để hài hòa các chính phủ còn quan tâm đến tính hiệu quả khi đánh thuế cũng như tính cạnh tranh trong môi trường quốc tế.
Tính hiệu quả thể hiện qua sự đơn giản của chính sách thuế (simplification) thì người đóng thuế mới tuân thủ chính sách thuế (compliance), cũng như quản lý việc thu thuế (administration). Lấy thí dụ như một trong những bức xúc hiện nay trong chính sách thuế TNCN của Việt Nam là khấu trừ thuế 10% đối với thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên.
Hệ lụy của vấn đề này là số hồ sơ giải quyết hoàn thuế nhiều đến mức gây quá tải cho cơ quan thuế. Minh chứng là như trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục thuế TPHCM đã phải nhận 722.553 hồ sơ quyết toán thuế với số tiền đề nghị hoàn thuế chỉ có 201 tỷ đồng.
Còn trong việc tuân thủ chính sách thuế, rất nhiều nước đã chuyển sang quản lý thuế trực tuyến, tức quản lý thuế tại nguồn để giảm việc thất thu thuế. Chẳng hạn như ở Pháp, các nguồn phát sinh thu nhập của người dân như việc làm, thu nhập từ đầu tư, tiết kiệm đều được kết nối vào trao đổi thông tin tự động với cơ quan thuế. Vào thời điểm kê khai thuế, người dân chỉ việc kiểm tra lại các thông tin có chính xác không, có cần bổ sung sửa đổi gì thêm hay không.
Tóm lại, chính sách thuế TNCN được một số quốc gia dùng như “vũ khí” để thu hút hay giữ người có thu nhập cao ở lại. Trong đó nhiều quốc gia thu hút những người có thu nhập cao với mức thuế rất thấp hay miễn thuế hoàn toàn. Ngược lại cũng có những nước có mức thuế cao khiến cho nhiều người có thu nhập cao tìm cách né thuế thông qua việc thay đổi địa chỉ thường trú, hay thậm chí quốc tịch, như câu chuyện của diễn viên Pháp Gérard Depardieu.
Một chính sách thuế tốt phải đáp ứng được các tiêu chí như đơn giản, công bằng, hiệu quả, có tính tuân thủ cao, cũng như tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khi thiết kế một chính sách thuế TNCN, cơ quan quản lý đều cân nhắc đến các yếu tố quan trọng như: đối tượng nộp thuế (tax unit), khung thuế suất, mức giảm trừ, quy trình quản lý và tuân thủ thuế.
Những cân nhắc trong việc cải cách thuế TNCN ở Việt Nam
Người dân và doanh nghiệp là 2 nguồn đóng thuế chính, nên tỷ trọng của từng loại thuế trong tổng thu ngân sách, hay tỷ trọng của từng loại thuế trong GDP là một chỉ số mà nhiều người quan tâm. Theo một tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng của thuế TNCN ở các nền kinh tế phát triển trong GDP có xu hướng giảm trong giai đoạn 1990-2010 và đang có xu hướng tăng nhẹ trở lại.
Trong khi đó ở các nền kinh tế đang phát triển thì chỉ số này chỉ có xu hướng tăng, và tốc độ tăng nhanh hơn ở các nước có thu nhập thấp. Nếu nhìn vào tỷ trọng của thuế TNCN so với GDP, thì rõ ràng ở các nước đang phát triển như Việt Nam có chỉ số này tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, phần lớn người dân hiện nay quan tâm đến thuế TNCN là thuế suất, thu nhập chịu thuế và sự công bằng trong việc đánh thuế. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang áp dụng chính sách thuế lũy tiến, với nhiều khung (bậc) thuế suất khác nhau.
Ở Việt Nam hiện nay có 7 bậc và điều mà nhiều người đang mong muốn là giảm xuống 5 bậc như ở nhiều nước khác, vì nếu giữ như cũ nhóm có thu nhập phía dưới sẽ phải đóng nhiều hơn.
Thu nhập chịu thuế còn bị ảnh hưởng bởi các khoản giảm trừ và lạm phát. Mức giảm trừ có thể là một con số cố định, nhưng dưới áp lực của lạm phát nhiều người dân thấy thu nhập thực tế của mình bị giảm, trong khi cơ cở chịu thuế vẫn chưa điều chỉnh theo kịp. Không những thế, lạm phát làm thu nhập danh nghĩa của người nộp thuế tăng, khiến cho những người này nằm trong khung chịu thuế cao hơn.
Thực tế quá trình cải cách chính sách thuế TNCN thường là một chủ đề thu hút và gây nhiều tranh luận cả về chính trị lẫn kinh tế. Trong một báo cáo của OECD về chủ đề này, kết luận cho thấy xu hướng thuế của các nước trong nhóm này là giảm thuế suất nhưng mở rộng cơ sở chịu thuế, và chính sách cụ thể của từng quốc gia thì có nhiều khác biệt.
Với những bất cập hiện nay trong chính sách thuế TNCN của Việt Nam, hướng cải cách nên tập trung vào khung thuế suất, cơ sở chịu thuế và sự linh động trong việc lựa chọn của người nộp thuế.
Việc tăng nguồn thu từ thuế TNCN là điều hợp lý và dễ hiểu trong bối cảnh chi ngân sách của Chính phủ các nước nói chung và Việt Nam nói riêng tăng qua từng năm. Tuy nhiên, việc tăng nguồn thu không chỉ đến từ việc cải cách chính sách thuế mà còn đến từ tăng trưởng của nền kinh tế và thu nhập. Khi kinh tế tăng trưởng và thu nhập của người dân tăng cao thì nguồn thu từ thuế TNCN tăng cao, đặc biệt là ở nhóm các nước đang phát triển.
Việc cải cách chính sách thuế TNCN cần nhìn trong bức tranh tổng thể với các nguồn thu khác từ thuế tiêu dùng, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Và quan trọng không kém là gia tăng GDP bình quân đầu người thực tế của người dân. |