Cái giá của miễn phí

(ĐTTCO) - Hiện nay phí giao dịch chứng khoán được quy định tối thiểu 0,15%, nhưng kể từ giữa tháng 2 mức sàn này sẽ được dỡ bỏ. Viễn cảnh miễn phí chứng khoán trên diện rộng đang được vẽ ra. Liệu thực tế có như vậy hay không?

Cái giá của miễn phí
Chuyện không mới
Thật ra miễn phí giao dịch không phải là điều mới mẻ trên thị trường, vì đã có một số CTCK xé rào thực hiện bằng những thủ thuật khác nhau, thông qua các hình thức khuyến mại, hỗ trợ khách hàng…
Rõ nét nhất là thị trường phái sinh, khi một số CTCK công khai tiến hành miễn phí giao dịch cho khách hàng. Không chỉ miễn phí giao dịch, CTCK thậm chí còn miễn lãi margin cho NĐT trong một số ngày. Chẳng hạn, khi khách hàng bán vào ngày T và sử dụng margin để mua tiếp sẽ được miễn lãi cho đến ngày T+3… Có thể nói, miễn giảm phí là vũ khí cạnh tranh quan trọng, nhưng không phải CTCK nào cũng sẵn sàng sử dụng. 
Điển hình là mới đây, quản lý khối môi giới của một CTCK lớn đã tuyên bố thay vì giảm phí phải cải thiện chất lượng giao dịch. Hiện nay, phí giao dịch tại nhóm CTCK tốp đầu dao động quanh vùng 0,2-0,25% và được duy trì từ rất lâu, bất chấp việc các CTCK khác tìm mọi cách để giảm phí.
Điều này cũng tương tự như lãi suất marin được CTCK lớn ấn định quanh vùng 14%/năm, dù các CTCK khác có giảm xuống dưới mức 10%/năm cũng không thể giành được khách. Như vậy, thị phần đã được phân chia khá rõ, nhóm CTCK miễn giảm phí có một lượng khách nhất định, còn các CTCK không cần làm như vậy vẫn có khách của mình. Vì vậy, khi phí giao dịch sàn chỉ 0% cũng khó có chuyện sẽ có cuộc miễn, giảm phí trên diện rộng. 
Để được hưởng ưu đãi miễn phí hiện nay tại một số CTCK, NĐT cũng cần biết rõ đó chỉ là một phần, trước hoặc sau. Thí dụ, việc miễn phí giao dịch phái sinh, thường CTCK thòng thêm điều kiện cho vài tháng đầu tiên, rồi sau đó tính phí trở lại. Sau khoảng thời gian miễn phí, NĐT tiếp tục tìm CTCK khác miễn phí để giao dịch.
Tất nhiên lúc này CTCK là người bị hại, bởi vừa tốn chi phí nhưng cũng không giữ được khách hàng. Bên cạnh đó, hiện nay trong mỗi giao dịch, ngoài việc thu phí từ NĐT, CTCK phải trả phí lại cho cơ quan quản lý 0,03%, đồng thời phải trả cả phí hoa hồng cho môi giới, cộng tác viên. Như vậy, khi miễn phí giao dịch ngoài chuyện không thu được của khách, CTCK còn phải móc tiền túi để bù đắp cho các chi phí khác. 

Nhiều áp lực
Áp lực ở đây là NĐT giao dịch 1 tỷ đồng với phí giao dịch 0,2%, tức số tiền thu về 2 triệu đồng. Như vậy, nếu miễn phí xem như CTCK mất đi 2 triệu đồng. Tuy nhiên, CTCK vẫn phải trả một số khoản như 0,03% phí cho cơ quan quản lý, tương ứng 300.000 đồng; tiền hoa hồng khoảng 1 triệu đồng (tính trên mức hoa hồng bằng 1 nửa phí giao dịch), tức tổng chi phí mất thêm 1,3 triệu đồng nữa.
Ngược lại, một số khách hàng sau khi sử dụng miễn phí dịch vụ và nhận thấy CTCK có thể đáp ứng nhu cầu của mình tốt sẽ chấp nhận gắn bó lâu dài. Trong trường hợp sau, các CTCK công bố miễn phí kéo được khách hàng đến, nhưng khi ký hợp đồng giao dịch cũng đồng thời đề ra các tiêu chí, chẳng hạn giá trị giao dịch trong 1 hoặc vài tháng của NĐT phải được bao nhiêu để thời gian tiếp theo miễn phí. 
Lâu nay, các khoản phí được mặc định để trang trải các loại chi phí hoạt động, vận hành của CTCK, còn việc tạo ra lợi nhuận thuộc về lãi cho vay margin. Như vậy, khi đã không thu phí môi giới, tất nhiên lãi margin cũng gánh luôn cả chi phí của CTCK.
Lúc này, nếu CTCK tính đến phương án tăng lãi margin để bù lại, việc giảm phí (nói như một chuyên gia chứng khoán kỳ cựu) cũng chỉ là kỹ xảo để câu khách. Việc các CTCK tăng cường đầu tư cho công nghệ cũng có thể là giải pháp tiết kiệm chi phí hoạt động. Nghĩa là, nếu có công nghệ tốt có thể CTCK khi miễn phí giao dịch không có thu, nhưng sẽ giảm được chi. 
Thực tế trên cho thấy, việc miễn giảm phí không đơn thuần chỉ thực hiện ngắn hạn, bởi làm ngắn sẽ không có kết quả. Các CTCK nhỏ, giảm phí thời gian ngắn không có cơ hội kéo được nhiều khách hàng, sử dụng dịch vụ một cách bền lâu, đó là điều chắc chắn. Nhưng nếu giảm phí trong thời gian dài, liệu bao nhiêu CTCK có đủ chi phí để trang trải. Thí dụ, thị phần của một CTCK nhỏ dưới 1%, giả định nhờ miễn phí giao dịch nâng lên được 2-3%, rồi vào được top 10. Lúc này chi phí nhân sự, vận hành sẽ bị đẩy lên rất cao, chưa kể áp lực thị phần lớn, liệu CTCK có đủ sức để kham nổi?
Đó là còn chưa kể đến việc CTCK nhỏ giảm phí được, các CTCK dù chưa làm nhưng cũng có thể làm được. Chỉ cần lâu lâu một CTCK trong tốp đầu đưa ra các chương trình miễn phí giao dịch, giảm lãi margin, việc khách hàng đang từ CTCK nhỏ đổ về CTCK lớn xảy ra cũng không có gì lạ. Lúc này, CTCK nhỏ xem ra đã lãng phí nguồn lực, tiền của, công sức bao lâu. 
 Cuộc đua miễn phí trong thời gian tới có thể sẽ diễn ra, nhưng khó lòng triển khai một cách ồ ạt. Bởi cả CTCK lớn và nhỏ cũng đều phải tính đường lui và thế thủ trước cho mình.

Các tin khác