Cái giá của sự tiện lợi

(ĐTTCO) - Trong thời đại kỹ thuật số, các ứng dụng (apps) đã làm cuộc sống của chúng ta thoải mái hơn trước rất nhiều. Chẳng hạn, ở hầu hết thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới, thị dân và cả du khách xa gần có thể đi lại dễ dàng bằng cách đón taxi, hay thuê xe tư nhân với những ứng dụng như Uber, Grab hay Gojek.
Xe buýt công cộng ở TPHCM vẫn cần phải cải tiến nhiều hơn nữa về hình thức và điều kiện vật chất kỹ thuật. (Ảnh: Tác giả trên xe buýt từ Bến xe miền Tây sang Bến xe miền Đông).
Xe buýt công cộng ở TPHCM vẫn cần phải cải tiến nhiều hơn nữa về hình thức và điều kiện vật chất kỹ thuật. (Ảnh: Tác giả trên xe buýt từ Bến xe miền Tây sang Bến xe miền Đông).

Còn tại đảo quốc nóng quanh năm như Singapore, một số người dân còn lười biếng đến mức không thèm ra khỏi nhà để mua sắm. Họ chỉ cần vài thao tác trên điện thoại di động, hàng hóa hay thức ăn xuất hiện ngay trước cửa nhà mình. Rồi đại dịch Covid-19 bùng phát càng làm con người “gắn bó” hơn với các ứng dụng công nghệ để phục vụ không chỉ cho nhu cầu thiết yếu và cả những thứ xa xỉ.

Những tiện ích trên có được là nhờ trong suốt thập niên qua các công ty khởi nghiệp (startup) đã tạo cho người tiêu dùng thói quen sử dụng dịch vụ với chi phí rất rẻ. Nhiều người tiêu dùng nghĩ sự tiện lợi này sẽ tồn tại mãi mãi, mà không biết rằng chúng được các quỹ đầu tư mạo hiểm tài trợ. Các startup lúc đầu chấp nhận lỗ để giành thị phần và mong đợi mô hình này cuối cùng sẽ có lãi.

Trong môi trường kinh doanh lãi suất thấp, các nhà đầu tư háo hức đặt cược vào các “kỳ lân” tiếp theo sẽ có lợi nhuận vượt trội, để có thể bù đắp cho mọi hoạt động kinh doanh thua lỗ khác. Chính các nhà đầu tư đã khuyến khích các startup tung hoành với giá phí rẻ để phát triển cơ sở hay mạng lưới kinh doanh.

Nhưng cái gì bơm quá cũng phải đến lúc xì hơi. Các hoạt động huy động vốn trong khu vực đã chậm lại đáng kể từ cuối năm ngoái, và rất ít startup có khả năng “thoát ra” để được niêm yết hoặc bán cho các nhà đầu tư khác. Ở nhiều nước châu Á, khi nền kinh tế phục hồi và các quốc gia nới lỏng các hạn chế sau đại dịch, chi phí dịch vụ qua các ứng dụng tăng cao do nguồn cung hạn chế.

Tại Singapore, một số tài xế không hoạt động do thiếu hành khách trong đại dịch, nhưng khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn họ khởi động lại thì giá nhiên liệu cao hơn, ảnh hưởng đến thu nhập. Các nền tảng công nghệ như Grab hay Gojek đã áp dụng các loại phí mới để hỗ trợ tài xế. Song dịch vụ gọi xe là ngành kinh doanh nhạy cảm về giá cả và người tiêu dùng có các lựa chọn thay thế, như đi xe đạp, phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện cá nhân.

Thật vậy, phí dịch vụ cao và thời gian chờ đợi đã làm các ứng dụng trên nền tảng công nghệ không còn hấp dẫn và mất nhiều khách hàng. Cuốc taxi từ nhà tôi ra khu trung tâm trước đây chỉ khoảng 8-10 SGD nay lên gấp rưỡi thậm chí gấp đôi.

Những thay đổi đột ngột này đã ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, buộc mọi người, nhất là những người hiểu biết về kỹ thuật số - vào các ứng dụng để giúp cuộc sống tốt hơn, phải xem xét lại chi phí của sự tiện lợi. Hệ quả, nhiều cư dân Singapore trong đó có tôi sẵn sàng mất chút thời gian đi bộ ra ga tàu điện ngầm để sử dụng hệ thống giao thông cộng thay vì đi taxi công nghệ.

Trong thời gian về Việt Nam công tác mấy tháng qua, tôi phát hiện đặt xe taxi công nghệ không hoàn toàn thoải mái như trước và thời gian chờ đợi cũng khá lâu. Nếu tôi chấp nhận đi xe ôm sẽ nhanh hơn nhưng chi phí cũng không rẻ như trước. Một cuốc xe ôm công nghệ từ căn hộ tôi đang thuê ở quận 4 sang quận 1 hay quận 3 dao động 30.000-60.000 đồng tùy thời điểm. Nếu đi xe hơi chi phí sẽ gấp đôi và cũng bất tiện trong giờ cao điểm vì kẹt xe. M

ột phát hiện thú vị khác là giá cước taxi truyền thống rẻ hơn taxi công nghệ đến bất ngờ. Nhưng dù như thế nào đi chăng nữa, ngoại trừ những cư dân có phương tiện cá nhân, chi phí đi lại cho du khách trong nước tại TPHCM nói chung khá đắt nếu so với nhiều TP lớn khác trong khu vực, thậm chí cả Singapore.

Nhưng mọi vấn đề sẽ có giải pháp nếu con người nhìn thẳng vào thực tế và quyết tâm vượt qua. Một bữa nọ thời gian rộng rãi, thay vì đi xe ôm công nghệ, tôi theo chân vài du khách người Pháp bước lên chiếc xe buýt số 20 từ đường Hoàng Diệu, quận 4 sang quận 1. Điều khiến tôi ngạc nhiên là cước phí xe buýt quá rẻ, đi xa hay gần cũng đồng giá 6.000 đồng/lượt.

Tuy nhiên, vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận là xe buýt công cộng ở TPHCM vẫn cần phải cải tiến nhiều hơn nữa về hình thức và điều kiện vật chất kỹ thuật trong xe, như hệ thống máy lạnh, khử mùi và tuân thủ thông lệ quốc tế là lên xe bằng cửa trước và xuống bằng cửa sau.

Trở lại câu chuyện về những tiện ích con người có được từ công nghệ, có lẽ mọi người trong chúng ta đều phải chấp nhận một thực tế phũ phàng, là kỷ nguyên tiêu dùng được sự tài trợ của các nhà đầu tư qua các startup đang đến hồi kết. Cho dù ở Singapore hay Việt Nam, người tiêu dùng đang phải phải đối mặt với chi phí thực và đang gia tăng của mọi thứ, phải biết tìm cách tối ưu hóa các nguồn lực hiện có của mình với chi phí thấp nhất.

Thế giới mà con người tồn tại ngày nay là kết quả của một số thay đổi về văn hóa và kinh tế đã diễn ra theo thời gian. Loài người đã chuyển từ nền kinh tế dựa trên sản xuất sang nền kinh tế được thúc đẩy bởi tiêu dùng, và cuộc sống của chúng ta được cấu trúc xung quanh sự thay đổi này. Vấn đề là, với cách sống mới này con người đã phải trả giá - cho chính chúng ta, những người khác và môi trường.

Để khắc phục những vấn đề này, con người cần chậm lại và xem xét điều gì thực sự làm tăng giá trị cho cuộc sống, hơn là điều gì giúp chúng ta dễ dàng hoặc thuận tiện hơn. Với tinh thần đó, có lẽ các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp nên nghĩ đến việc tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị thực sự, cộng thêm thực sự về nhân văn, môi trường. Và như vậy người tiêu dùng sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra mua để cho công việc mình hiệu quả hơn, cũng như làm đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của mình lành mạnh và có ý nghĩa hơn.

Các tin khác