Cải thiện môi trường đầu tư: Cần những cú hích đột phá

(ĐTTCO) - Không chỉ gặp khó trong hoạt động đầu tư, kinh doanh mà doanh nghiệp (DN) trong nước còn gặp nhiều chông gai với việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư. Vậy cơ hội nào để DN Việt xoay trở mình, vươn lên thành những “con sếu đầu đàn” có khả năng dẫn dắt chuỗi cung ứng DN Việt vươn xa? 

Cái khó bó cái khôn

Hiện có đến 90% DN trên cả nước có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Do đó, các DN muốn tiếp cận nguồn vốn vay thương mại hay ngân sách hỗ trợ không dễ. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM, cho biết, để có thể vay vốn, hầu hết DN phải có tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể đáp ứng điều kiện này. Chưa hết, hiện có nhiều DN đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng do các tỉnh, thành phố chưa định được giá cho thuê đất nên DN cũng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hệ quả là DN không thể thế chấp tài sản để có thêm nguồn vốn đầu tư. 

Cải thiện môi trường đầu tư: Cần những cú hích đột phá ảnh 1Hạ tầng sẵn có và nhà máy đang hoạt động trong KCN Lê Minh Xuân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Phân tích về những rào cản trong hoạt động cho vay vốn, nhất là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Công ty Đầu tư Tài chính TPHCM, cho biết, có những quy định về sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách đã không còn phù hợp với sự phát triển của DN. Đơn cử, tại TPHCM - nơi tập trung khoảng 300.000 DN trong nước đang hoạt động, nhiều năm qua giá đất thuê đầu tư sản xuất tăng cao đã buộc nhiều DN di chuyển hoặc mở rộng nhà máy sản xuất ra các tỉnh thành, chỉ để lại văn phòng trụ sở chính có chức năng giao dịch thương mại tại khu vực TPHCM.

Các DN này rất cần vốn hỗ trợ để chuyển đổi công nghệ sản xuất nhưng không thể tiếp cận nguồn vốn cho vay hỗ trợ của thành phố. Nguyên nhân là nhà máy đầu tư nằm ngoài địa phận hành chính của thành phố (dù trụ sở chính vẫn đặt tại thành phố). Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều quỹ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của các tỉnh thành. Chưa kể, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động vay vốn, nhất là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách rất khó. 


Trên thực tế, thời gian gần đây, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã tham gia vào thị trường cung ứng vốn cho Việt Nam. Theo đó, các tổ chức cho vay có thể giải quyết nguồn vốn vay lưu động cho các DN thông qua hợp đồng, hóa đơn đơn hàng. Chỉ có điều, lãi suất vay khá cao, trong khi DN nội đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với DN ngoại nên cũng không thể tiếp cận nguồn vốn này. 

Ở góc độ khác, các DN trong nước còn gặp phải rào cản tâm lý “ngại lớn”. Tình trạng nhũng nhiễu, quấy rối DN thông qua hoạt động thanh kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành, cơ quan chức năng còn rất phổ biến. DN “nổi lên” cũng đồng nghĩa sẽ bị “làm phiền” nhiều hơn. Do đó, nhiều DN chọn giải pháp “lặn sâu” để được “bình yên”. Khó chồng khó nên nhiều DN đã chọn giải pháp “thuyền nhỏ đi sóng nhỏ”. Thế nhưng, chính vì quy mô hoạt động quá nhỏ, không có cơ hội tích lũy nội lực nên DN trong nước rất dễ bị “tổn thương” khi gặp cú sốc trên thị trường.

Không chỉ vậy, dù là một nước xuất khẩu thuộc tốp 10 trên thế giới ở nhiều lĩnh vực nhưng DN trong nước lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này đã làm cho DN nội phát triển thiếu ổn định, giảm khả năng cạnh tranh bền vững trên thị trường thế giới. Đơn cử, việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu từ năm 2020 đến nay đã khiến nhiều DN trong nước lao đao.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết, năm 2020 các DN phải vất vả chạy vạy khắp nơi để tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Còn từ đầu năm nay, nguồn cung trên thế giới giảm mạnh khiến giá nguyên liệu bị đẩy lên rất cao. Giá sắt thép nguyên liệu đã tăng 40% so với cuối năm 2020. Trước đó, nhiều DN sản xuất nhựa cũng đã phải thông báo tăng giá bán sản phẩm với khách hàng bởi giá nguyên liệu đã tăng 30%... Tình trạng này kéo dài sẽ khiến DN rất khó để duy trì thị phần xuất khẩu cũng như trong nước. 

Đẩy mạnh số hóa

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, từ khi xảy ra dịch Covid-19, đến nay đã có hơn 140.000 DN phải rời thị trường. Một khảo sát khác đánh giá tác động tiêu cực của dịch đến hoạt động của các DN cũng chỉ ra, có tới 57,7% DN bị giảm mạnh thị trường tiêu thụ. Đáng chú ý, trong các DN có hoạt động xuất khẩu, có đến 47,2% DN khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhấn mạnh, Chính phủ đã nhìn nhận vai trò đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của kinh tế tư nhân. Thế nhưng, cùng với đó, cần phải nhìn thấy những điểm khuyết trong hệ sinh thái phát triển kinh tế tư nhân.

Để kinh tế tư nhân trong nước đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần quyết liệt tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính cho hoạt động vay vốn đầu tư. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm những bộ ngành vẫn duy trì hoặc ban hành mới các rào cản chuyên ngành bất hợp lý, gây thiệt hại kinh tế cho DN. Đồng thời, việc các cơ quan chức năng, địa phương lợi dụng hoạt động thanh kiểm tra để nhũng nhiễu DN cần phải được mạnh tay xử lý. 

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy nhanh việc số hóa nền kinh tế. Bên cạnh đó, với những dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào Việt Nam thì cần có chính sách “gạn đục khơi trong”. Theo đó, chỉ thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ cao, không thâm dụng lao động, phải đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

Đặc biệt, ưu tiên lựa chọn những DN đầu tư sản xuất nguyên liệu phục vụ cho những ngành xuất khẩu chủ lực trong nước, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu bền vững. Cuối cùng, cần thiết lập những quỹ đầu tư tài chính mạo hiểm để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh, tạo những cú huých đột phá trong phát triển kinh tế. 

Ngoài ra, về công tác thị trường cần có đầu tư trọng tâm và đúng mức. Trong đó, với thị trường trong nước, cần tập trung hỗ trợ cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu và gia tăng hoạt động kích cầu tiêu thụ trong nước… Riêng với thị trường nước ngoài, triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu kết hợp xuất khẩu hàng hóa gắn với thương hiệu, tạo nền tảng cho hàng Việt đi sâu và chắc chân trên thị trường ngoại.

Các tin khác