Sau hơn 15 năm Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khoá IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả tích cực đối với vấn đề xây dựng văn hóa gia đình của Việt Nam, góp phần ổn định đời sống xã hội.
Tuy nhiên, trước những tác động của công nghệ thông tin, môi trường số, mạng xã hội… là những tác động khách quan làm biến đổi những giá trị truyền thống của gia đình người Việt Nam, Ban Bí thư phải ban hành Chỉ thị 06-CT/TW để bổ sung những nguyên tắc và giải pháp để tiếp tục xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam.
Xung đột giá trị gia đình giữa cũ – mới, truyền thống – hiện đại
Gia đình là môi trường đầu tiên trong giáo dục, định hình nhân cách của con người. Một gia đình chuẩn mực sẽ ảnh hưởng đến chuẩn mực của con người sống trong gia đình đó. Suy rộng ra, nhiều gia đình chuẩn mực sẽ hình thành một xã hội chuẩn mực.
Theo TS Phạm Gia Cường, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, gia đình luôn vận động và phát triển cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Do vậy, các chuẩn mực, giá trị gia đình cùng biến đổi và phát triển để gia đình thích ứng, phát triển.
Trong quá trình phát triển của gia đình có thể nảy sinh mâu thuẫn giữa những chuẩn mực, giá trị của gia đình trước đây với những chuẩn mực, giá trị mới mà các cá nhân tiếp nhận trong đời sống xã hội và thực hành trong đời sống gia đình.
“Mâu thuẫn này không được các thành viên trong gia đình ý thức, giải quyết sẽ tạo nên những xung đột. Xung đột về chuẩn mực, giá trị trong mối quan hệ gia đình không xảy ra khi thế hệ sau ý thức được nguồn gốc, bản sắc của bản thân được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển bởi những chuẩn mực, giá trị mà họ cho là cũ”, TS Phạm Gia Cường nêu ý kiến.
“Đồng thời, thế hệ trước cần khẳng định sự đóng góp của thế hệ sau trong việc xây dựng chuẩn mực, giá trị mới và giúp họ biết cách sàng lọc, tiếp nhận và thể hiện chúng trong đời sống gia đình”, TS Phạm Gia Cường khẳng định.
Cần cơ chế kiểm soát mạng xã hội để giảm tác động tiêu cực đến gia đình
Trong bối cảnh chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay, sự xung đột giá trị giữa cũ - mới, truyền thống - hiện đại là một quá trình tất yếu. Tuy vậy, nếu không có đường hướng phù hợp để điều chỉnh, quản lý sự xung đột này sẽ dẫn đến những hệ lụy hết sức khó lường.
Một trong những giải pháp để quản lý sự xung đột theo nhiều chuyên gia đó là cần có cơ chế kiểm soát mạng xã hội, bởi mạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của mỗi cá nhân và trong gia đình người Việt Nam.
Gia đình trong xã hội Việt Nam ngày xưa mang tính cộng đồng. Gia đình Việt Nam ngày nay lại có xu hướng đề cao vai trò cá nhân. Mặt trái của việc đề cao vai trò của cá nhân là có thể làm rạn vỡ quan hệ mang tính cộng đồng và sự hy sinh, sự kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng bị suy yếu.
TS Phạm Gia Cường cho rằng mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này có thể hạn chế bằng các chính sách đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet; định hướng, giáo dục chuẩn mực, hệ giá trị xã hội; giúp con người có khả năng tiếp nhận, xử lý, điều chỉnh, điều khiển thông tin khi sử dụng internet, mạng xã hội.
“Đặc biệt, yếu tố quyết định trực tiếp cuộc sống của mỗi gia đình là tổ chức cuộc sống gia đình để các thành viên xây dựng chuẩn mực, giá trị trong mối quan hệ gia đình tạo nên bản sắc văn hóa gia đình và từng thành viên gia đình”, TS Phạm Gia Cường nhấn mạnh.
Chính những chuẩn mực, hệ giá trị gia đình tạo ra ranh giới giữa gia đình và xã hội, cho phép con người sàng lọc, tiếp thu và thực hiện những chuẩn mực, giá trị xã hội nào trong cuộc sống gia đình.