Cần có ngay giải pháp giảm giá xăng dầu

(ĐTTCO) - Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực đến những quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam. Đây là nỗi lo bao trùm các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15. Nhiều ĐB đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách để kiềm chế giá cả, nhất là giá xăng dầu, giảm áp lực lạm phát.

Nhiều ĐB đã kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến 2 biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực. Trước mắt, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. 
Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, đặc biệt là xăng dầu. Hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN), giúp DN giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX)
Bởi lẽ trước diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới, sức ép của lạm phát, cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên liệu xây dựng. Có như vậy mới kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn, kiểm soát nợ xấu. Có chính sách quan tâm đặc biệt đến các đối tượng dễ bị tác động bởi tăng giá là nông dân và công nhân lao động tại các KCN. Hỗ trợ tối đa để người lao động không rút bảo hiểm xã hội 1 lần, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.
Nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ ngay tại kỳ họp trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giảm thêm các loại thuế với xăng, dầu. Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, nhưng có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá thế giới tăng. Hiện giá dầu thế giới tăng cao, nên tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, còn tạo nguồn cung trong nước ổn định.
Các ĐBQH cũng nhấn mạnh cần hy sinh ngân sách trước mắt để được lâu dài. Sợ thất thu mà không giảm thuế có thể thất thu nặng hơn, bởi lạm phát bùng nổ các khoản chi ngân sách sẽ tăng rất nhanh, như chi đầu tư công sẽ phải tăng theo giá cả.
Các ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương quản lý, điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá phù hợp; dự báo được các mặt hàng nguyên liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn, để có chính sách ứng phó phù hợp. Riêng mặt hàng xăng dầu cần bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu với mức phù hợp để điều hành giá trong nước linh hoạt, góp phần ổn định thị trường, đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong nước. 
Chia sẻ với các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, hiện nay nhiệm vụ cấp bách là phải chống được lạm phát. “Giải pháp chống lạm phát hiện nay ngoài tập trung về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá thật tốt, vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho DN, tái cơ cấu và tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước. Như vậy, sẽ tạo ra được những sản phẩm và nâng cao mức thu nhập của người dân và DN, có sức mạnh để chống lạm phát” - Bộ trưởng nhấn mạnh. 
Thừa nhận khi giảm thuế với xăng dầu sẽ phải cắt giảm các khoản chi, chính sách tài khóa đã được duyệt, song Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh giảm thuế là một biện pháp, Bộ sẽ cân nhắc, đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về giảm thuế trong giá xăng, dầu. 
ĐBQH TPHCM TRẦN HOÀNG NGÂN:

Sớm giảm các loại thuế phí liên quan đến xăng dầu

Lạm phát các nước hiện đã tăng cao, như Mỹ đã đạt mức lạm phát trên 8,5%, cao nhất trong hơn 40 năm qua; châu Âu 8,1%, cao nhất hơn 30 năm; Anh đạt đỉnh 9%, cao nhất trong 30 năm qua. Lạm phát ở các nước này bị tác động bởi 2 nhân tố chính là cầu kéo và chi phí đẩy, tức do triển khai gói kích cầu kinh tế rất lớn sau đại dịch Covid-19, rồi gặp xung đột Nga - Ukraine làm giá xăng dầu, khí đốt, lương thực tăng cao, khiến lạm phát tăng cao.
Việt Nam mới chỉ bị tác động bởi một nhân tố là lạm phát chi phí đẩy (giá xăng dầu), còn các yếu tố cầu kéo chưa tác động nhiều do thu nhập người dân bị giảm mạnh sau 2 năm bị dịch; đầu tư công giải ngân chậm; gói tài khóa tiền tệ phục hồi kinh tế vẫn đang trong quá trình triển khai...
Nhưng thời gian tới, tác động của yếu tố cầu kéo sẽ tăng (giải ngân đầu tư công của các dự án cao tốc, đường Vành đai 3, gói phục hồi kinh tế…). Do đó, Chính phủ cần kiểm soát giá, ghìm chi phí đẩy, tức giảm các loại thuế phí xăng dầu để giảm các chi phí của DN, từ đó mới tạo được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm kiềm chế lạm phát theo mục tiêu, tăng được tổng mức đầu tư, bảo đảm được mức tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng.
Hiện giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng, Chính phủ cần sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm Thuế Bảo vệ môi trường và Thuế Tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Việt Nam có điều kiện để hành động việc này, vì chúng ta khai thác được sản lượng dầu khí, nên cần sử dụng lợi thế này để hỗ trợ lại nền kinh tế, đây là điều các nước đều làm. Hiện giá xăng dầu của Việt Nam đang cao hơn nhiều nước như Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Mỹ...
Do đó, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ ngay để bảo đảm kinh tế vĩ mô. Dĩ nhiên chúng ta có những chương trình hỗ trợ an sinh xã hội, nhưng giảm giá xăng dầu là cách hỗ trợ chung nhất, sẽ hỗ trợ được cho cả DN.
Khi giá xăng dầu tăng sẽ kéo các loại giá cả khác tăng theo. Và khi đó dù chúng ta sau đó kéo giá xăng dầu xuống, giá hàng hóa khác sẽ neo ở mặt bằng giá mới, không giảm. Có nghĩa chúng ta phải tốn thêm các chi phí để giải quyết như hỗ trợ tiền lương, thu nhập cho cán bộ công chức, người lao động; các dự án đầu tư cũng tăng chi phí…
Thay vì để hàng hóa lên mặt bằng giá mới, nên kìm cương mặt bằng giá hàng hóa, đó là điều Chính phủ phải hết sức tính toán.

Các tin khác