Chỉ rõ trách nhiệm
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ: NN-PTNT, Tài chính, Công thương và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 2-2-2020 của Văn phòng Chính phủ về bảo đảm cân đối cung cầu và kiểm soát giá thịt heo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện trước ngày 10-3 một cách cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của việc tăng giá.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt heo đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Người dân mua thịt heo tại chợ Bến Thành, TPHCM
Ảnh: CAO THĂNG
Ảnh: CAO THĂNG
Chiều 6-3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với một tập đoàn chăn nuôi của Nga về hợp tác thúc đẩy xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Tại cuộc tiếp đón, doanh nghiệp của Nga cho biết, trong năm nay, tập đoàn này dự kiến sản xuất khoảng 500.000 tấn thịt heo, sản lượng của tập đoàn này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu thịt heo mà Việt Nam đang cần với chất lượng và giá cả cạnh tranh. Dự kiến, tuần sau, lô thịt heo đầu tiên của tập đoàn này sẽ tới Việt Nam.
Đây là tin vui cho người tiêu dùng Việt Nam trước thực trạng giá heo đang tăng cao trở lại trong khoảng vài tuần gần đây. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ phải giao nhiệm vụ cho Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các bộ liên quan kiểm soát thịt heo, đưa giá thịt heo xuống dưới 75.000 đồng/kg. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước mắt Việt Nam đang có nhu cầu cao về thịt heo, thịt bò. Nếu doanh nghiệp của Nga có khả năng cung ứng thì cần đẩy nhanh xuất khẩu sang Việt Nam, bởi đây là cơ hội tốt để mở rộng hợp tác giữa hai bên.
Trước đó, ngày 5-3, Bộ NN-PTNT đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và xuất nhập khẩu thịt heo vào Việt Nam. Theo đó, tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu từ các nước trong năm 2019 là 280.474 tấn (tăng khoảng 17% so với năm 2018); còn đầu năm 2020 (tính đến ngày 29-2) đã nhập về 65.865 tấn.
Kích cầu các mặt hàng thay thế thịt heo
Theo khảo sát của PV Báo SGGP về giá heo, từ đầu tháng 3 đến nay, giá heo tại nhiều tỉnh phía Bắc đã tăng lên tới 83.000-85.000 đồng/kg heo hơi và dự báo có thể còn tiếp tục tăng thêm nữa nếu các cơ quan chức năng không kịp thời có các động thái can thiệp. Tại chợ gia súc Bối Cầu (Bình Lục - Hà Nam), heo lớn được thương lái thu mua với giá tới 86.000-87.000 đồng/kg nhưng nhiều lái heo cho biết vẫn không có heo để mua. Đây là chợ đầu mối thu gom heo để chở đi các lò mổ. Bình thường mỗi ngày có khoảng 2.000-2.500 con được chở tới bán nhưng hiện nay chỉ có chừng 400-500 con mỗi ngày. Nguyên nhân giá tăng là do tại các trại nuôi rất hiếm heo, không còn nhiều heo to. Nhiều nơi hiện tại mới đang tái đàn nhưng rất dè dặt. Phần lớn trại heo chuyển qua nuôi gia cầm.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nếu doanh nghiệp cứ tăng giá heo thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại. “Hiện nay không thiếu gì các loại gà ngon, thủy sản ngon, trứng ngon... người dân ăn mãi rồi sẽ quen, đến lúc không cần ăn thịt heo nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo. Hiện nay, một số doanh nghiệp cam kết chỉ bán giá heo hơi tại chuồng là 75.000 đồng, nhưng trên thị trường, thực tế giá heo vẫn là trên 75.000 đồng.
Ngày 6-3, Sở Công thương TPHCM đã báo cáo nhanh UBND TP về tình hình mặt hàng thịt heo. Theo đó, giá heo hơi khu vực TPHCM và các tỉnh, thành lân cận ngày 5-3 dao động ở mức 72.000 - 76.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với ngày 1-3, thấp hơn khu vực miền Bắc 4.000 - 8.000 đồng/kg. Có 2 nguyên nhân khiến giá heo hơi tăng: tình hình dịch tả heo châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi, tái đàn, chi phí chống dịch; hoạt động xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc trở lại bình thường, làm nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng.
Tại chợ đầu mối, lượng hàng về chợ ổn định, duy trì ở mức 6.700 - 6.800 con/đêm, trong đó chợ đầu mối Hóc Môn từ 3.900 - 4.100 con/đêm; chợ đầu mối Bình Điền từ 2.600 - 2.700 con/đêm. Giá thịt heo mảnh ổn định kể từ Tết Nguyên đán đến nay, duy trì ở mức 92.000 - 105.000 đồng/kg tùy loại.
Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường tiếp tục cung ứng theo giá bán do Sở Tài chính công bố, đảm bảo sản lượng theo kế hoạch TP giao và tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá (tùy ngày, tùy mặt hàng). Tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường phục hồi do tâm lý người dân đã bớt lo ngại đối với dịch tả heo châu Phi. Trong đó, kênh phân phối hiện đại sức mua tăng nhanh hơn kênh chợ truyền thống. Tại hệ thống điểm bán hàng bình ổn thị trường như Saigon Co.op, Satra, Vissan… tăng tốt do giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.
Mặt khác, Sở Công thương khuyến khích các DN kích cầu các mặt hàng thay thế thịt heo như thịt gia cầm, rau củ quả. Cùng đó là khuyến khích DN tăng cường nhập khẩu thịt heo từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ có đủ điều kiện xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt vào Việt Nam...
Về tình hình tái đàn heo sau dịch, Bộ NN-PTNT cho biết, đến ngày 2-3, tổng đàn heo của cả nước đạt 24 triệu con, bằng khoảng 77% so với tổng đàn heo trước khi có dịch (31 triệu con vào tháng 12-2018). Trong đó, đàn heo nái hiện còn 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư giữ đàn heo cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109.000 con chưa bị dịch bệnh; cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn. Hiện có 11 tỉnh, thành phố có tổng đàn heo bằng hoặc cao hơn trước khi có dịch; 21 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt hơn 80% so với trước khi có dịch; 21 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt hơn 50%... |