Cần “liều thuốc” chữa căn bệnh “làm ít” để an toàn

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, PGS.TSKH VÕ ĐẠI LƯỢC, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng cần có chính sách cụ thể hơn nữa khuyến khích cán bộ lãnh đạo các địa phương “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới”, bởi điều này sẽ là động lực quan trọng cho phát triển.
Cần “liều thuốc” chữa căn bệnh “làm ít” để an toàn
Tư duy “vo tròn” sẽ triệt tiêu phát triển
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong nhiều năm qua, chúng ta nói đến cải cách thể chế, cụ thể hơn là cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh, tuy nhiên thực tế hiện nay lại đang cho thấy nhiều nơi không có tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, mà trái lại tìm một giải pháp an toàn nhất là “không làm gì” hoặc “làm càng ít càng tốt”, “làm chậm, kéo dài thời gian” thì tốt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TSKH VÕ ĐẠI LƯỢC: - Không dám làm vì sợ sai, sợ trách nhiệm ở cán bộ lãnh đạo không phải bây giờ mới có. Trong quá khứ, từng có thời tình trạng này phổ biến đến mức bị xem là “căn bệnh”. Đó là những lãnh đạo “vo tròn”, nghĩa là chỉ làm tròn vai, làm đủ với quy định, không cần tư duy đổi mới, không cần sáng tạo thêm. Nếu tất cả các lãnh đạo, các địa phương đều thế thì đây là điều nguy hiểm, bởi nó tạo ra sự trì trệ cả về tư duy lẫn hành động, hệ quả là kinh tế không thể phát triển được. Ở đây, làm đúng là chưa đủ, mà còn là câu chuyện dám nghĩ, dám làm. 
Về khách quan, đây là giai đoạn quan trọng của quá trình cải cách thể chế, khi những hạn chế  của cơ chế hiện tại bộc lộ những yếu tố chẳng những không thúc đẩy giải phóng nguồn lực phát triển, mà còn kìm hãm khả năng tư duy. 
 Có người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không? Nếu sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm.
Về chủ quan, đó là cơ chế, là con người. Có người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không? Nếu sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm. Có thể dẫn chứng ngay là một số vụ án liên quan ngành y tế vừa qua đã tác động tâm lý của không ít cán bộ, khiến việc tổ chức đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế đang bị đình trệ. Việc thực hiện hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực của xã hội cũng dừng lại. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân. 
Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm, cho nên trông chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, trong khi người có thẩm quyền quyết định lại không dám tin cấp dưới. Thế nhưng, ngoài nguyên nhân chủ quan, còn có nguyên nhân từ phía quy định của chính sách, của pháp luật đang có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa minh bạch, chưa cá nhân hóa trách nhiệm.
- Ông có nói đến quy định chính sách còn bất cập và cá nhân hóa trách nhiệm, vậy cụ thể là gì?
- Về bất cập của chính sách thì rất nhiều dẫn chứng. Ở lĩnh vực kinh tế, tôi lấy thí dụ như vấn đề về quy hoạch. Quy hoạch của chúng ta hiện có vấn đề là quy hoạch theo cấp tỉnh, nhưng quy hoạch hạ tầng thì theo vùng chứ không chỉ liên quan đến một tỉnh riêng lẻ. Hiện nay, có rất nhiều bản quy hoạch khác nhau. Tỉnh có quy hoạch của tỉnh, ngành đều có quy hoạch của ngành. Những quy hoạch này phối hợp được với nhau thì ít mà chồng chéo nhau thì nhiều. Điều này cũng gây sự lúng túng khi triển khai.
Còn cá nhân hóa trách nhiệm ở đây là yếu tố con người. Như tôi đã nói rất nhiều lần, “cái mũ tập thể” của ta quá rộng và người ta không dám vứt bỏ nó. Cái gì cũng quy trách nhiệm cho tập thể. Mà trong công việc, sự đột phá thường phải bắt đầu từ các cá nhân chứ không phải tập thể. Cá nhân phải đi đầu, phải dám làm, phải đổi mới thì sau đó tập thể mới có thể làm theo. Những bài học từ trước và sau Đổi mới đã cho thấy rất rõ điều ấy rồi. 
 Cần cho TPHCM cơ chế đặc thù với những chính sách cởi mở hơn nữa để trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế cho cả nước. Không có một TP lớn nào trên thế giới có thể phát triển vượt bậc nếu không có chính sách tốt mang tính riêng biệt với các địa phương khác. 
Để có được chủ trương và đường lối Đổi mới khi ấy là cả một cuộc đấu tranh giằng xé gay gắt về tư duy, biết bao cá nhân đã phải chịu kỷ luật, thậm chí đi tù oan. Nhưng thực tế sau này đã trả lời rằng họ làm đúng.
Đúng ở đây không phải là đúng với quy định cứng nhắc theo văn bản, theo câu chữ của các quy định, văn bản khi đó, mà họ đúng với xu thế thời đại, đúng với thực tiễn đang diễn ra.
Thể chế, chính sách mà cụ thể ở đây là được quy định trong những văn bản luật và dưới luật, nghị quyết, nghị định, thông tư, nhưng không có nghĩa là chính sách khi nào cũng là đúng, cũng là phù hợp với thực tế. Có những chính sách chỉ sau thời gian đã không còn phù hợp nữa, do đó cần được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung. Tuy nhiên, tư duy của cán bộ lại chậm đổi mới, thích vo tròn thì điều này sẽ càng trì trệ thêm.
Cần cơ chế đặc thù để bảo vệ và khuyến khích
- Nhưng để cán bộ dám nghĩ, dám làm, phải chăng cần có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa? 
- Tôi được biết năm 2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nhìn chung, việc luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 được kỳ vọng tạo cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc, bảo vệ người có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. 
Cần “liều thuốc” chữa căn bệnh “làm ít” để an toàn ảnh 1
Tuy nhiên, để cụ thể hóa nó ra, triển khai thực hiện đến từng địa phương, từng cấp cơ sở như thế nào mới là chuyện đáng quan tâm. Bởi nếu khâu thực thi, triển khai không tốt thì chủ trương có đúng cũng vẫn khó đạt được hiệu quả như mục đích mong muốn. Nên ở đây phải là câu chuyện hai phía, từ cả quyết tâm của Trung ương và từ chính các địa phương. Nếu cả hai bên đều “giữ thế” với nhau, mà như nhiều người hay nói là “trên thì soi, dưới thì lo” sẽ khó thông suốt, khó làm việc được hiệu quả.
- Thưa ông, dù được xem là TP đầu tàu về kinh tế của cả nước, song trong những năm gần đây, chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM lại không mấy được cải thiện, thậm chí còn thấp hơn một số tỉnh, thành khác. Điều này cũng được cho là hệ quả từ việc “sợ sai” như đã nói ở trên. Có ý kiến cho rằng “chiếc áo chính sách” của TPHCM đã quá chật, đã đến lúc cần cho TPHCM những cơ chế đặc thù có tính tự chủ hơn để tạo động lực mới cho TP đổi mới và phát triển kinh tế?
- Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm cần cho TPHCM cơ chế đặc thù với những chính sách cởi mở hơn nữa. Đã đến lúc TPHCM chủ động, tích cực rà soát, đánh giá và đề xuất Trung ương cơ chế đặc thù để trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế cho cả nước. Không có một TP lớn nào trên thế giới có thể phát triển vượt bậc nếu không có chính sách tốt mang tính riêng biệt với các địa phương khác. 
Cơ chế đặc thù cho TPHCM cũng sẽ giúp giải phóng lực lượng sản xuất, từ đó đưa đến hiệu ứng tích cực là giúp cải thiện quan hệ sản xuất – là bộ máy quản lý. Vấn đề là cơ chế này cần thu hút mạnh nguồn lực và nâng cao hiệu quả không chỉ của riêng TP, mà còn cho cả vùng kinh tế phía Nam và cả nước, khu vực. Gần đây, cũng có nhiều ý kiến nói đến mô hình TP toàn cầu, trung tâm tài chính tiền tệ quốc tế, hay trung tâm thương mại và kết nối khu vực sẽ là phù hợp với TPHCM.  
Tôi cho rằng TPHCM nên lựa chọn phát triển theo hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, hay theo hướng trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo. Hiện nay, kinh tế thế giới đang chuyển sang kinh tế tri thức với sức mạnh của công nghệ 4.0 với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn. Các trung tâm tài chính quốc tế xuất hiện và phát triển vào thời đại kinh tế tài chính với 12 trung tâm tài chính thế giới: 4 trung tâm ở Mỹ, 3 trung tâm ở châu Á (Singapore, Hồng Kông và Tokyo), 3 trung tâm ở châu Âu và 2 trung tâm ở đảo Cayman và Dubai. 
Bên cạnh Việt Nam, Trung Quốc cũng đã có ý định xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở đặc khu kinh tế Phố Đông, Thượng Hải, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực, và Trung Quốc dường như đã từ bỏ ý định này vì các tập đoàn tài chính quốc tế không muốn đầu tư ở đây. Lý do cơ bản là Trung Quốc chưa mở cửa thị trường vốn, đồng Nhân dân tệ chưa chuyển đổi tự do và khó cạnh tranh với trung tâm tài chính quốc tế Hồng Kông.
 Do vậy nên chăng trước mắt, định hướng phát triển ngành của TPHCM nên chuyển theo hướng phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao và dịch vụ hiện đại, chuyển dần các ngành công nghiệp truyền thống cho các tỉnh thành khác trong vùng. TPHCM hiện có 16 khu công nghiệp và chế xuất, nhưng các khu công nghiệp, hoạt động đa ngành nghề, lại không hề có liên kết gì với nhau. Đây là mô hình khu công nghiệp của thời những năm 80. Hiện nay, thế giới đã không xây dựng các mô hình khu công nghiệp này nữa. 
Do đó, TPHCM nên có kế hoạch chuyển đổi các khu này thành các cluster (các khu công nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị). Để làm được điều này, tất nhiên TPHCM cần có một khu thương mại tự do với các thể chế hiện đại và hội nhập quốc tế cao, hay nói cách khác là cơ chế đặc thù với những quy định phù hợp và cởi mở hơn.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác