Cần minh bạch cho Thủ Thiêm

(ĐTTCO) - Tôi là người dân sống ở Thủ Thiêm từ rất lâu. Từ một bán đảo nghèo nàn, lạc hậu đến sự hình thành một khu đô thị hiện đại với những cao ốc, làng biệt tự.
 Nhưng trái với vẻ hào nhoáng của KĐT mới Thủ Thiêm, mặt trái trong quá trình quy hoạch và xây dựng cũng dần bộc lộ. Từ sự biến mất kỳ lạ của tấm bản đồ quy hoạch 1/5.000, cho đến nghi vấn về số tiền quá lớn chỉ để xây dựng 4 con đường chính theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đã đến lúc người dân dân TPHCM cần sự minh bạch của các cơ quan quản lý, và thậm chí cả các doanh nghiệp đang hưởng lợi từ KĐT mới này.
Số phận kỳ lạ của tấm bản đồ 1/5.000
Đến thời điểm hiện nay, không người dân nào biết được bản đồ quy hoạch 1/5.000 có tồn tại hay không, khi bản thân cơ quan quản lý nhà nước cũng không hề hay biết.
Nếu không có phát biểu của ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TPHCM trong buổi họp ngày 2-5 vừa qua, chắc hẳn nhiều người không mấy quan tâm đến tấm bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm: “Bản đồ KĐT mới Thủ Thiêm hiện chưa tìm thấy chứ không phải không có”. Đây là tấm bản đồ ban hành kèm theo Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 4-6-1996), về việc quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, không ai biết tấm bản đồ này có tồn tại hay không, bởi mỗi nơi phát biểu mỗi khác.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho biết UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành rà soát lại và hỏi các bộ ngành trung ương, nhưng không nơi nào lưu trữ bản đồ này. Còn tài liệu hồ sơ của dự án lưu tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì không kèm theo bản đồ.
 KĐT mới Thủ Thiêm nằm trên bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM), đối diện quận 1 qua bờ sông Sài Gòn. Dự án được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế. Vậy nhưng hơn 20 năm qua, chỉ ngoài KĐT Sala hoành tráng của Đại Quang Minh chạy dọc theo con đường Mai Chí Thọ to lớn, bên trong Sala là những khu dinh thự, biệt thự thì những khu lõi của Thủ Thiêm như trung tâm hành chính, bệnh viện, trường học… vẫn đang dang dở.
Điều đáng nói là trước đó, tại buổi tiếp dân định kỳ của Thanh tra Chính phủ (tháng 5-2017) đối với 7 hộ dân (trong số 63 hộ dân đang khiếu nại đối với dự án Thủ Thiêm), do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chủ trì, các hộ dân yêu cầu các sở, ngành TP xuất trình bản đồ quy hoạch 1/5.000.
Vậy nhưng, trả lời người dân, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân trung ương (Thanh tra Chính phủ), cho biết: “Tôi khẳng định là đến nay qua kiểm tra hoàn toàn không thấy bản đồ kèm theo quy hoạch được duyệt theo Quyết định 367 của Thủ tướng”.
Rồi trả lời báo chí mới đây, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng Quyết định 367/TTg có 3 điều: trong đó Điều 1 phê duyệt các phân khu của KĐT mới Thủ Thiêm, Điều 2 quy định trách nhiệm thực thi của các cơ quan nhà nước có liên quan, và Điều 3 là điều khoản thi hành. Tôi nghiên cứu thấy trong quyết định này không có bất kỳ một từ “bản đồ” nào. Như vậy có nghĩa là quyết định phê duyệt quy hoạch cũng không nói gì tới bản đồ nào về quy hoạch.
Sự việc càng rối lên khi mới đây, ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định: “Làm sao có chuyện mất bản đồ” và cung cấp 13 tấm bản đồ trong tập hồ sơ “Đồ án quy hoạch phát triển khu trung tâm TP mới Thủ Thiêm TPHCM tháng 5-1995”. Theo ông Thanh, làm sao có chuyện mất bản đồ, chỉ có điều nếu tìm được tấm bản đồ có chữ ký của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì không thể có. Lý do đơn giản là Thủ tướng ký quyết định phê duyệt quy hoạch dựa trên tờ trình của TP và các bản đồ kèm theo, chứ Thủ tướng không bao giờ ký vào bản đồ.
Cần minh bạch cho Thủ Thiêm ảnh 1 Khu đô thị Sala.  
Và những khuất tất…
Trong khi số phận tờ bản đồ quy hoạch 1/5.000 vẫn chưa ngã ngũ, thì mới đây dư luận lại rộ lên thông tin, tháng 11-2013, TP đã chỉ định ký với CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, thực hiện xây dựng 4 tuyến đường nội đô KĐT Thủ Thiêm với giá trị hợp đồng lên đến 12.182 tỷ đồng cho tổng chiều dài 11,9km. Dự án được thực hiện theo hình thức BT, nên TP sẽ cấp cho Đại Quang Minh phần đất ngay tại KĐT mới này với diện tích gần 79ha (thuộc phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông).
Theo phản ánh của nhiều người dân, hợp đồng BT này quá nhiều ưu ái cho Đại Quang Minh, từ việc tính toán giá đất bàn giao cho đến giá trị hợp đồng xây dựng 4 con đường nội đô. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, sau gần 5 năm xây dựng cả 4 con đường này vẫn trong tình trạng xây dựng dở dang. 
Trước thông tin này, mới đây lãnh đạo Đại Quang Minh là ông Nguyễn Hoàng Tuệ, Phó Tổng giám đốc, đã xác nhận 12.000 tỷ đồng là tổng mức đầu tư theo hợp đồng, còn giá xây dựng 4 tuyến đường này thực tế chỉ hơn 8.000 tỷ đồng (mức đầu tư dự án đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt)! Còn về tiến độ chậm trễ so với hợp đồng quy định, là do vấn đề giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, mà việc giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của TP.
Cũng theo ông Tuệ, con số trên 8.000 tỷ đồng để đầu tư 4 tuyến đường là chi phí không bao gồm phí dự phòng do trượt giá và chi phí lãi vay. Do đó, chi phí xây dựng thực tế ở mức trên 670 tỷ đồng/km, chứ không phải 1.000 tỷ đồng/km đồn đoán.
Quay lại với công tác quy hoạch và xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm. Theo Quyết định 367, Thủ Thiêm được quy hoạch để trở thành KĐT mới hiện đại với trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ có quy mô lên đến 930ha. Trong đó, KĐT mới 770ha với dân số khoảng 200.000 người, khu tái định cư với dân số 45.000 người.
Nếu tính từ thời điểm Thủ tướng ký Quyết định 367 đến nay là 22 năm, nhưng đến nay ngoài KĐT mới Sala (chủ đầu tư Đại Quang Minh) đang dần thành hình, vẫn còn nhiều hộ dân vẫn bám trụ trong những ngôi nhà tềnh toàng do không thỏa thuận được mức giá đền bù. Theo phản ánh của người dân, mức đền bù họ nhận được quá thấp so với mức giá các chủ đầu tư đang bán ra (có nơi trên 300 triệu đồng/m2). Thậm chí, việc bố trí tái định cư cho những hộ dân bị giải tỏa cũng có quá nhiều khuất tất.
Từ những sự kiện trên, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần minh bạch tất cả các thông tin liên quan đến dự án KĐT mới Thủ Thiêm để cho “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Người dân chúng tôi sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để có được một KĐT Thủ Thiêm văn minh, hiện đại, nhưng đổi lại chúng tôi phải nhận được những thông tin minh bạch, từ khâu quy hoạch, đền bù, tái định cư, cho đến việc mức giá bàn giao đất cho chủ đầu tư.   

 Thủ thiêm nóng lên khi ĐBQH TP tiếp xúc cử tri

Ngày 9-5, buổi tiếp xúc cử tri quận 2 của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM để báo cáo nội dung chương trình kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đã diễn ra trong không khí “nóng” bất thường, khi hội trường chật kín. Nhiều cử tri đã không có ghế để ngồi... Trước khi bước vào phần cử tri phát biểu ý kiến, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 2, cho biết đã nhận được số lượng phiếu rất nhiều, với hơn 50 phiếu đăng ký phát biểu ý kiến. Trong số này có rất nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm. 
Các cử tri đề nghị xem lại giá đất đền bù cho người dân và giá bán nhà ở trong các dự án tại KĐT mới Thủ Thiêm, khi Nhà nước đền bù giá 18 triệu/m2, chủ đầu tư bán 350 triệu/m2. Có cử tri cho biết đã đi khiếu nại 16 năm, gửi 36 lần đơn. Hiện căn nhà của gia đình bà đã xuống cấp xập xệ, mưa gió không còn sinh sống được. Bà vẫn xác định gia đình bà nằm ngoài ranh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm, và đề nghị trưng bày bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm để người dân được rõ. Tương tự, có cử tri nói gầy dựng được cái nhà gần 50 cây vàng, nhưng Nhà nước lấy chỉ đền bù 94 triệu đồng, cho được tái định cư nhưng phải đóng thêm 800 triệu đồng mới được mua một căn chung cư tái định cư?
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, cho biết: “Mấy ngày nay thông tin trên báo chí về việc này đã tạo ra được hiệu ứng, tôi nghĩ đây là việc cả cử tri và chính quyền địa phương đều hướng đến để tháo gỡ và có hướng giải quyết sớm nhất để tình hình ở quận 2 không còn căng thẳng và tạo điều kiện để KĐT mới Thủ Thiêm phát triển như định hướng”, và bày tỏ hy vọng giữa người dân và chính quyền sẽ tìm được tiếng nói chung.
Trước đó, ngày 8-5, tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Thủ Đức, nhiều cử tri đã nêu thắc mắc trước các thông tin liên quan đến bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 của dự án khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm. Cử tri cho rằng chính sự mập mờ, bất nhất về thông tin quy hoạch khiến người dân bức xúc, khiếu nại vì cho rằng họ nằm ngoài ranh quy hoạch. Sự mập mờ trong thông tin quy hoạch tạo cơ hội cho nhóm lợi ích hưởng lợi, khiến người dân mất đất, mất nhà. Điều này cũng gây ra khiếu kiện từ người dân và chính quyền các cấp phải tốn công, mất sức giải quyết.
Các cử tri cũng nêu bức xúc trong việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng cho CTCP Quốc Cường Gia Lai hơn 32ha đất ở khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) với giá thấp, gây thất thoát tiền của Nhà nước. Trả lời cử tri, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết việc chuyển nhượng này không đúng với thẩm quyền, Ban Thường vụ Thành ủy TP đã kịp thời chỉ đạo hủy hợp đồng chuyển nhượng này.
H.Vân

Các tin khác