Cần minh bạch khi thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường

(ĐTTCO) - Mục tiêu của chủ trương thu phí sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường là để lập lại trật tự mỹ quan đô thị, đảm bảo công bằng giữa những người có nhu cầu sử dụng vỉa hè cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đô thị.

Mục tiêu kép

Cho thuê vỉa hè là chuyện nên làm, đây là một chủ trương đúng mà việc triển khai cần hết sức chặt chẽ, dân chủ. HĐND TPHCM đã nhất trí thông qua đề án thu phí vỉa hè và Sở GTVT TPHCM tích cực triển khai các hạng mục để bắt đầu cho việc thu phí từ ngày 1-1-2024. Trước một chủ trương có liên quan đến hàng triệu người, cần xác quyết một số nội dung để có sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền.

Xe đậu trên vỉa hè đường Phạm Hồng Thái, quận 1, TPHCM

Xe đậu trên vỉa hè đường Phạm Hồng Thái, quận 1, TPHCM

Vỉa hè ở các thành phố lớn hiện nay không chỉ có chức năng duy nhất là bộ hành mà còn nhiều chức năng khác, trong đó có trao đổi hàng hóa, vì thế cần có hẳn một “nền kinh tế vỉa hè”. Vỉa hè là công sản, bất cứ ai sử dụng trong một thời gian dài để sinh lời hoặc phục vụ cho mục đích dịch vụ, công vụ thì phải trả phí. Việc cho thuê vỉa hè để người dân, tổ chức vào kinh doanh, quảng cáo là chuyện đã có từ 15-20 năm trước ở các nước, các thành phố lớn như Bangkok, Singapore, Manila, Kuala Lumpur và cả nhiều nước ở châu Âu.

Nhờ sự công bằng, minh bạch trong chính sách, thực thi và quản lý khoa học mà Bangkok và Singapore đã cho thuê vỉa hè hơn 20 năm qua. Chẳng hạn, TP Bangkok có hơn 300.000 người kinh doanh trên vỉa hè. Nhà chức trách sử dụng triệt để công nghệ thông tin vào quản lý, bất cứ ai kinh doanh vỉa hè phải đăng ký và đóng thuế. Họ có mã số định danh, điện thoại thông minh gắn chip định vị.

Các khu phố buôn bán, đoạn đường, địa điểm được phép bán hàng đều có gắn camera, các thông tin được truyền về một trung tâm điều hành của thành phố hay khu vực. Do vậy, những người bán hàng di chuyển ra sao, buôn bán thế nào luôn trong tầm kiểm soát của lực lượng chức năng.

Việc thu phí vỉa hè có mục tiêu kép. Thứ nhất là bổ sung ngân sách công. Nếu thu đúng, thu đủ thì sẽ mang lại một nguồn ngân sách đáng kể. Số tiền này dùng để duy tu, bảo trì vỉa hè. Thứ hai, thu phí vỉa hè không phải là “tận thu” mà phải hiểu đó là công cụ quản lý rất hiệu quả.

Duy trì thành quả lâu dài

Công tác tiến hành thu phí vỉa hè của TPHCM bắt đầu từ tháng 1-2024 là khởi đầu cho một dịch vụ chính danh, có nghĩa là một cam kết hành chính được xác lập về quyền và nghĩa vụ giữa chính quyền và người dân. Khi tổ chức, cá nhân thuê vỉa hè theo các điều khoản hợp đồng thì có nghĩa là phải thực hiện các điều khoản cam kết mang tính pháp lý.

Như thế, tổ chức, cá nhân thuê vỉa hè sẽ bị phạt nếu làm sai và bị thu giấy phép thuê nếu vi phạm nhiều lần. Ngược lại, họ được các cơ quan công quyền bảo vệ và bảo đảm các quyền khai thác, sử dụng hợp pháp.

Tuy nhiên, vấn đề là làm sao có được một bản hợp đồng tốt được đồng thuận cao ở cả chính quyền và người dân đi thuê với các quy định và mức phí hợp lý. Muốn làm điều đó, Sở GTVT TPHCM phải làm một cuộc điều tra xã hội học thật công phu để trả lời các câu hỏi như: những tuyến, đoạn vỉa hè nào được đưa vào cho thuê, thời gian sử dụng bao lâu, diện tích sử dụng thực tế, mức phí cho thuê ở từng khu vực, tuyến đường...

Những thông tin này cần được công báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Những địa điểm buôn bán được số hóa hiển thị trên bản đồ điện tử. Thêm nữa, TPHCM cần công khai minh bạch nguồn thu phí được sử dụng vào việc gì một cách chi tiết.

Một điều quan trọng hơn là sau khi triển khai phải duy trì cho được thành quả lâu dài. Trong giai đoạn đầu, TPHCM nên để các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng vỉa hè kinh doanh đăng ký thuê, có thể trong 6 tháng đầu năm 2024 giới hạn thuê ở các quận trung tâm như quận 1, 3. Việc đăng ký thuê này qua cổng thông tin điện tử hoặc trực tiếp với bộ phận tiếp nhận của Sở GTVT TPHCM, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Phía chính quyền sẽ khảo sát, đo đạc và thỏa thuận với từng chủ thể thuê, theo từng hạng mục, điều khoản để cùng nhau ký hợp đồng theo từng năm. Đây là một hợp đồng kinh tế có điều kiện, liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của các bên, cho nên có thể tranh chấp, kiện tụng nên không được xuê xoa, đại khái bởi hậu quả và sự biến tướng là khôn lường!

- Ông TRẦN QUANG TUẤN, Bí thư Chi bộ 6, Trưởng khu phố 6, phường Bến Nghé, quận 1:

Không để hình thành “sân sau” trục lợi

Với vai trò là người công tác ở địa bàn dân cư, trong quá trình lấy ý kiến triển khai Quyết định 32 của UBND TPHCM quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM (Quyết định 32), chúng tôi có nhiều băn khoăn.

Khi chưa có Quyết định 32, các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường hàng ngày vẫn phải đi tuyên truyền, nhắc nhở, kể cả xử phạt người bán hàng rong, người xả rác hoặc người chiếm dụng lòng, lề đường để kinh doanh. Vậy, khi triển khai Quyết định 32 thì các cấp chính quyền, công an quận, phường sẽ tổ chức, củng cố các lực lượng này như thế nào để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh lực lượng ở cơ sở đang rất mỏng.

Bên cạnh các phương án thu phí, các quy định về quản lý khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, cần có chế tài cụ thể, đủ mạnh để việc triển khai Quyết định 32 có hiệu quả. Đặc biệt, cũng phải chú trọng đến các giải pháp để không phát sinh tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng chủ trương trên để “bảo kê” hoặc hình thành “sân sau” nhằm trục lợi.

Mỗi địa phương và thành phố cũng cần có giải pháp để quản lý các tuyến đường, vỉa hè không đủ điều kiện để thu phí. Bởi không phải ai cũng thuê được điểm để kinh doanh và vô hình trung các vỉa hè không đủ kiều kiện sử dụng tạm thời có thu phí sẽ trở thành “thỏi nam châm” hút các gánh hàng rong đến kinh doanh, buôn bán.

- Ông NGUYỄN VĂN QUANG, Trưởng Khu phố 1, phường Tân Thuận Tây, quận 7:

Ưu tiên người địa phương

Quyết định 32 của UBND TPHCM thực sự đã tạo sự phấn khởi cho người dân. Đây là chính sách cần thiết, vừa để giải quyết một phần “bài toán” kinh tế vỉa hè, vừa giải quyết nhu cầu rất lớn của đại bộ phận người dân lâu nay bám vào lòng đường, hè phố để mưu sinh.

Tuy nhiên, làm thế nào để triển khai thực hiện quyết định trên hiệu quả, đúng mục tiêu và đảm bảo tính nhân văn của chủ trương, chính sách là điều cần phải bàn rất kỹ. Theo tôi, từ kinh nghiệm vận hành phố hàng rong ở quận 1, thành phố có thể phát triển theo hướng đồng bộ, khoa học hơn, hoặc theo đặc thù từng tuyến đường, khu phố để triển khai.

Song, vấn đề tiên quyết là phải chừa lối cho người đi bộ và đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; đồng thời phải hài hòa lợi ích giữa các bên gồm nhà nước, chủ nhà mặt tiền đường và hộ thuê vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Để công tác quản lý được thuận lợi, trong việc bố trí cho sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố, thành phố cần ưu tiên người địa phương được thuê trước, sau đó mới đến người địa phương khác.

- Bà PHAN KIỀU THANH HƯƠNG, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM:

Đảm bảo tính công khai, minh bạch

Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè là một chủ trương lớn và đúng của TPHCM. Từ tháng 6-2023, ngay sau khi Sở GTVT TPHCM trình đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân thành phố. Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM ghi nhận đa số ý kiến thống nhất tính cần thiết của công tác thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè...

Với chức năng giám sát được pháp luật quy định, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ tổ chức các hoạt động giám sát độc lập với Sở GTVT, UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Bên cạnh đó, giám sát việc công khai chế độ thu phí, thực hiện niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên trang thông tin điện tử của các đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí về tên phí, mức thu, phương thức thu và các văn bản quy định thu phí.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng sẽ phát huy vai trò giám sát của người dân, hệ thống MTTQ cơ sở; tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trong công tác giám sát để góp phần thực hiện hiệu quả chính sách này.

NGÔ BÌNH - THU HƯỜNG ghi

Các tin khác