Ngay sau khi đăng tải thông tin 'Đề xuất cấm xe khách giường nằm vào trung tâm TPHCM', ngày 23-5, Báo SGGP đã nhận được nhiều phản hồi của dư luận, chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý GTVT do đề xuất này đã tác động trực tiếp đến việc lưu thông của người dân từ các tỉnh đến TPHCM và ngược lại.
* Ông VÕ KHÁNH HƯNG, Phó Giám đốc Sở GTVT:
Nguy cơ bến cóc, xe dù
Sau thời gian triển khai thực hiện hạn chế xe khách có giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô TPHCM, sở đã phối hợp các đơn vị có chức năng tổ chức đánh giá và ghi nhận như sau:
Đầu tiên là tình hình giao thông trên các tuyến đường vành đai và khu vực nội đô đã ổn định hơn. Đến thời điểm hiện nay, cơ bản các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã chấp hành phương án điều chỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã phát sinh một số bãi xe bên trong khu vực nội đô.
Việc phát sinh các bãi xe gần các tuyến đường vành đai, đường hành lang hạn chế xe khách có giường nằm sẽ hình thành các bến cóc, xe dù, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.
Tiếp đó, việc điều chỉnh tổ chức giao thông đối với xe khách có giường nằm đã phát sinh một số vấn đề khi xe thường xuyên dừng, đỗ trên các tuyến đường hành lang và vành đai để đón và trả khách; phát sinh các bãi xe trái phép. Tình trạng các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải thành lập nên các điểm tập kết, sử dụng xe trung chuyển để vận chuyển hành khách gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông nói chung và hoạt động của các bến xe trên địa bàn thành phố.
Hành khách sau khi xuống xe khách giường nằm tại Bến xe Miền Đông mới đang chờ xe trung chuyển về nhà. Ảnh: THANH HẢI |
Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM, sở đề xuất cấm xe khách có giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô. Ngoài ra, sở kiến nghị cho phép các xe khách có giường nằm được phép lưu thông không hạn chế thời gian trên hành trình chạy xe đã được sở và các tỉnh chấp thuận tại văn bản khai thác tuyến.
Sau khi được UBND TPHCM chấp thuận, Sở GTVT sẽ thực hiện lắp đặt biển báo tổ chức giao thông trên các tuyến đường thuộc hành trình tuyến cố định ra vào Bến xe Miền Tây.
* Bà NGUYỄN BẢO CHÂU, Phó Giám đốc một doanh nghiệp tại quận 3:
Đường về nhà sẽ gian nan
Tháng 4 năm nay, gia đình tôi mua tour du lịch về Bạc Liêu bằng xe giường nằm. Hôm quay về TPHCM phải ghé một trạm dừng chân ở tỉnh Đồng Tháp và trải qua hơn 1 giờ vì áp dụng hạn chế xe khách có giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô TPHCM. Tâm lý sau chuyến đi chơi xa chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi, nay phải vừa tốn thời gian chờ đợi, vừa tốn tiền ăn uống...
Tôi thấy việc cấm hoàn toàn xe giường nằm vào nội đô hiện nay là không hợp lý, sẽ có hàng loạt vấn đề phát sinh cần được cơ quan nhà nước tính toán thấu đáo, như chi phí để di chuyển ra bến xe ở ngoại thành người dân phải gánh chịu, doanh nghiệp du lịch tổ chức các tour đi các tỉnh gần bằng xe giường nằm cũng gặp trở ngại...
* Ông NGUYỄN MẠNH TUẤN, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Vận tải Kumho Samco Buslines:
Thêm xe trung chuyển
Trước đây, việc cấm xe khách có giường nằm từ 6-22 giờ đã giảm bớt tình trạng xe khách giường nằm vào trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, ngược lại, các doanh nghiệp vận tải tăng thêm xe trung chuyển. Theo quy định, xe trung chuyển chỉ có duy nhất một loại 16 chỗ.
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu đi lại, việc giảm 1 xe khách giường nằm hơn 40 chỗ thì phải tăng cường thêm 3 xe 16 chỗ. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng của TPHCM vẫn còn nhiều hạn chế như: điểm kết nối từ bến xe này sang bến xe khác, thời gian đi xe buýt ra bến hơn 1 tiếng đồng hồ. Mặt khác, xe buýt hoạt động nghỉ sớm, vậy trong khoảng thời gian này, hành khách muốn đi hoặc xuống bến xe chỉ có thể dùng taxi, mà giá taxi cao hơn rất nhiều.
* TS VŨ ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức):
Tăng cường xử phạt vi phạm
TPHCM muốn cấm xe khách giường nằm vào trung tâm 24/24 giờ cần phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo dịch vụ trung chuyển từ trung tâm, quận, huyện đến các bến xe đầu mối để người dân đi và đến được thuận lợi, tiết kiệm chi phí. Vấn đề đặt ra ở đây, chính sách hiệu quả sẽ giúp lệnh cấm có hiệu lực, như triển khai dịch vụ trung chuyển rộng khắp, tiện nghi, giá vé ưu đãi cho hành khách đi đến từ các tỉnh hoặc miễn phí.
Do đó, TPHCM cần phải phân tích đối tượng thụ hưởng, tác động về mặt hành vi để có phương án tốt nhất, khả thi nhất trước khi thi hành chính sách cấm. Thay vì cấm xe khách giường nằm vào trung tâm, TPHCM cần dùng giải pháp căn cơ hơn là xin truyền dữ liệu quá trình hành trình của doanh nghiệp từ Bộ GTVT nhằm phân tích những xe khách giường nằm thường vi phạm để tăng cường xử phạt.
Đề xuất cấm xe khách có giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô thành phố 24/24 giờ được giới hạn bởi các tuyến đường: quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - đường Võ Chí Công - đường Nguyễn Thị Định - đường Đồng Văn Cống - đường Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1.