UBND TP Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện việc đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu nhà bỏ hoang. Theo đó, dự kiến mức thuế đánh trên biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể khoảng 5% giá trị hợp đồng, còn sau 1 năm mà biệt thự đó vẫn bỏ hoang thì sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự.
Ngoài việc đánh thuế cao với tỷ lệ dự kiến như trên, Bộ Tài chính còn đề xuất xử phạt hành chính với chủ sở hữu biệt thự bỏ hoang, với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn.
Thị trường tê liệt dẫn đến nhiều dự án bị hoang hóa. |
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết tháng 6-2012, trên địa bàn TP có khoảng 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Tỷ lệ nhà biệt thự, liền kề để hoang chưa được đưa vào sử dụng còn cao ở các khu đô thị mới Yên Hòa, Mễ Trì, Văn Quán, Linh Đàm…
Nếu mức thuế và xử phạt trên được áp, ngân sách nhà nước sẽ thu được một khoản tiền không hề nhỏ. Đây có thể coi là mức phạt “nặng tay” nhất đối với biệt thự bỏ hoang bởi từ trước đến nay, đề xuất của TP Hà Nội cũng như Bộ Tài chính chỉ dừng lại mức 2-3%. Tuy nhiên, hiệu quả của nó đến đâu vẫn còn nhiều bàn cãi.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng biệt thự dù bỏ hoang vẫn là tài sản cá nhân, vì thế việc áp thuế là không đúng, Nhà nước cần tìm một biện pháp khác để đưa những tài sản này ra lưu thông trên thị trường. Xét một cách công bằng, biệt thự bỏ hoang là sản phẩm của “lỗi hệ thống” trên thị trường BĐS, từ việc quy hoạch, xét duyệt dự án, chủ đầu tư, người mua… Chính vì vậy, theo nhiều người, áp thuế nặng chỉ với một đối tượng là không đúng.
Trên thực tế, biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang đã trở thành vấn đề bức xúc từ nhiều năm nay và đã được đặt ra ngay tại thời điểm thị trường đang sôi động với những cơn sốt nóng. Tại thời điểm đó, biện pháp đánh thuế để bắt buộc giới đầu tư không bỏ hoang được xem là biện pháp căn cơ và cần thiết. Tuy nhiên, tình hình thị trường hiện nay đã không còn được như trước, sức mua yếu, thị trường trầm lắng, người dân mất lòng tin...
Chính vì vậy, việc áp thuế có thể giải quyết được vấn đề trước mắt nhưng không thể giải quyết được nguyên nhân sâu xa. Áp thuế nặng trong trường hợp khả quan nhất có thể khiến giới đầu cơ sốt ruột mà bán sản phẩm. Nhưng một khi người mua đã quay lưng, thị trường không tiếp nhận, đâu là đầu ra cho những căn biệt thự này? Ai sẽ là người mua?
Rõ ràng, kể cả khi giới đầu tư “đại hạ giá” biệt thự, những người có nhu cầu thực cũng không thể đủ điều kiện tài chính để mua những sản phẩm này. Còn giới đầu cơ, những người đã “ngấm đòn” sau 2 năm thị trường trầm lắng và hiện đang ngắc ngoải với “hàng tồn” trong tay, cũng khó kham nổi những sản phẩm lên tới hàng chục tỷ đồng.
Trong một trường hợp khác, các biệt thự này có thể được sửa sang, hoàn thiện với mục đích để cho thuê, nhưng tìm được khách thuê trong điều kiện hạ tầng chưa được chủ đầu tư hoàn thiện là việc vô cùng khó khăn. Chưa kể nguồn cung phân khúc cho thuê cũng đang dư thừa.
Như vậy, ngoài việc cần phân loại rõ tiêu chí đánh thuế, đối tượng đánh thuế, là thuế thu một lần hay thu hàng năm, nếu thu hàng năm thì bao giờ hết trách nhiệm nộp thuế..., Nhà nước cần suy tính đến đầu ra cho phân khúc này.
Việc khuyến khích hoàn thiện để cho thuê trong thời điểm này là cần thiết nhưng đồng thời phải có những biện pháp bắt buộc chủ đầu tư phải hoàn thiện lại hạ tầng theo đúng cam kết. Bởi một khi bế tắc đầu ra, dù có được rao bán hay hoàn thiện, các căn hộ này cũng không thể tránh khỏi kiếp nhà hoang.