(ĐTTCO) - Quỹ bảo lãnh tín dụng là nghiệp vụ ngân hàng rất quan trọng hỗ trợ nhiều được cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Các nội dung liên quan đến thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được các Bộ sửa đổi, bổ sung để góp phần phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”.
Đây là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, diễn ra sáng 13/12 tại Hà Nội.
Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03 về Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn Ngân hàng Thương mại. Tới năm 2013, trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Quyết định số 58 về quy chế thành lập, tổ chức, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, các quyết định trên tạo ra khung khổ pháp lý để triển khai đồng bộ, thống nhất hoạt động bảo lãnh tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng để duy trì, phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Trong khi đó ông Nguyễn Chí Trang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB cho biết, nhiệm vụ đặt ra cho VDB bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại không cấp nguồn cho đơn vị này thực hiện, trong khi đó hoạt động của VDB còn đang gặp nhiều khó khăn. Quy trình thẩm định dự án đầu tư của VDB và ngân hàng thương mại chưa thống nhất nguyên tắc phối hợp, điều kiện, trình tự thủ tục…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, quỹ bảo lãnh tín dụng là nghiệp vụ ngân hàng rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, chưa có nguồn lực hỗ trợ nhiều được cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông qua bảo lãnh tín dụng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ có nhu cầu vay vốn, có khả năng phát triển nhưng không đủ điều kiện về tài sản bảo đảm có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết từ ngân hàng thương mại.
Do đó cần phải có quyết sách để thực hiện hiệu quả cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp.
Về mô hình hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục bám sát các quy định tại Quyết định số 58. Tuy nhiên, nguồn hình thành Quỹ bước đầu lấy từ ngân sách Nhà nước và cấp bổ sung, từ tiền lãi gửi, tiền phí bảo lãnh thu được, chênh lệch thu chi, vốn tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bao gồm cả ODA phục vụ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, dự thảo Nghị định nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chia sẻ rủi rõ cho bảo lãnh tín dụng là trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo có sự tham gia của bảo hiểm vào hoạt động này.