Nở rộ hệ thống giao dịch “made in Việt Nam”
Hệ thống giao dịch (trading system) là khái niệm khá mới ở Việt Nam nhưng rất cũ trên thế giới. Tuy nhiên, do TTCK Việt Nam còn non trẻ nên trước năm 2006 không có đủ 4 mức giá (mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất) để phù hợp với thông lệ quốc tế về phân tích kỹ thuật. Mặt khác, việc sử dụng phần mềm phân tích kỹ thuật, thậm chí kiến thức về phân tích kỹ thuật còn rất sơ khai, chưa nói tới khả năng lập trình để xây dựng hệ thống giao dịch.
Hơn 10 năm trở lại đây, kiến thức phân tích kỹ thuật trở nên phổ cập, các phần mềm phân tích kỹ thuật được sử dụng đại trà (Metastock, Amibroker, Metatrader....) và ngày càng có nhiều NĐT trẻ hiểu biết về công nghệ, nên sự kết hợp giữa hoạt động đầu tư và kỹ thuật máy tính trở nên dễ dàng hơn. Sự kết hợp này đã giúp lĩnh vực kinh doanh mới bùng nổ và thế hệ NĐT càng được trẻ hóa. Đó là dịch vụ bán các tín hiệu giao dịch dựa trên hệ thống giao dịch được xây dựng sẵn. Các hệ thống này ban đầu được xây dựng (hoặc copy nước ngoài) để các môi giới “chém gió” với khách hàng. Về sau các hệ thống càng được xây dựng tinh vi hơn và khi bùng nổ trào lưu trí tuệ nhân tạo (AI), thời đại 4.0... mối quan tâm của NĐT càng lớn.
“Chợ” các hệ thống giao dịch có sẵn tại 1 công ty dịch vụ tư vấn đầu tư, nơi NĐT có thể lựa chọn áp dụng như mua rau.
Đặc biệt khi thị trường phái sinh chính thức hoạt động từ tháng 8-2017, xu hướng sử dụng các hệ thống giao dịch nở rộ. Lý do đơn giản, thị trường cơ sở (cổ phiếu) bị giới hạn T+3, trong khi thị trường phái sinh giao dịch liên tục T+0. Các hệ thống giao dịch có điều kiện thuận lợi để chạy “demo” cho khách hàng, cũng như đúng với tính chất giao dịch liên tục tự động. Không khó để tìm thấy hàng loạt quảng cáo chào mời mua hệ thống giao dịch trên mạng internet. Có nhiều công ty mới thành lập trực tiếp kinh doanh trọng tâm vào mảng dịch vụ này, cũng như các nhóm NĐT chia sẻ hệ thống giao dịch có tính phí. Không có số liệu thống kê đáng tin cậy, nhưng quảng cáo của các đơn vị này đã có cả ngàn khách hàng sử dụng dịch vụ. Điều đó cũng có nghĩa không ít NĐT mới đang đánh cược tiền bạc của mình bằng trí tuệ của người khác, dù trí tuệ đó chưa được kiểm chứng độ tin cậy cũng như tính hiệu quả.
Dè chừng “hàng dởm”
Dè chừng “hàng dởm”
Sử dụng dịch vụ từ các hệ thống giao dịch tự động dựa trên thuật toán là xu hướng của lớp NĐT trẻ toàn cầu chứ không riêng tại Việt Nam. Một khảo sát với 1.405 NĐT hồi đầu tháng 10-2019 của Investopedia, cho thấy 31% NĐT trong độ tuổi 18-22 có sử dụng dịch vụ tư vấn tự động (robo-advisors), tỷ lệ này trong độ tuổi 23-38 là 20%. Trong khi đó NĐT ở độ tuổi 47-54 chỉ có 9% sử dụng dịch vụ này.
Sự bùng nổ thế hệ NĐT trẻ tuổi trong đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy trào lưu này lên cấp độ hoàn toàn mới. Khảo sát hồi giữa tháng 10-2020 của Vanguard, tổ chức đầu tư quản lý 6.000 tỷ USD tài sản, cho thấy có tới 2/3 NĐT sử dụng dịch vụ Vanguard Digital Advisor có tuổi trung bình dưới 37. Trong khi đó, những NĐT sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên gia Personal Advisor Services có độ tuổi trung bình 57.
TTCK Việt Nam chứng kiến sự thay đổi thế hệ rất rõ ràng trong 20 năm qua. Ban đầu, các NĐT chỉ đến sàn giao dịch và nhìn màn hình chiếu bảng giá, đặt lệnh ghi phiếu. Công nghệ đã giúp hoạt động giao dịch từ xa trở nên chiếm ưu thế tuyệt đối, thực hiện giao dịch thông qua điện thoại thông minh ở bất kỳ đâu. Thế hệ NĐT trẻ có khả năng thích ứng công nghệ rất nhanh nên tiềm năng của dịch vụ tư vấn đầu tư dựa trên nền tảng công nghệ cao không hề nhỏ.
Tuy nhiên, chất lượng của các hệ thống giao dịch vẫn là ẩn số lớn. Hiện tại rất ít hệ thống giao dịch thật sự tự động (trading robot), vì khả năng kết nối hệ thống giữa công ty chứng khoán và nền tảng bên ngoài chưa thông suốt. Để thực hiện giao dịch tự động hoàn toàn - không có sự can thiệp của con người - các hệ thống giao dịch phải có khả năng kết nối tới tài khoản của NĐT tại công ty chứng khoán và tự động đặt lệnh vào hệ thống giao dịch của các Sở giao dịch. Đại đa số dịch vụ tư vấn hiện tại dựa trên nguyên lý phát tín hiệu giao dịch (Expert Advisor) và NĐT tự quyết có giao dịch theo hay không một cách thủ công. Vì vậy yếu tố con người vẫn mang tính quyết định. Độ trễ sẽ làm giảm đáng kể tính hiệu quả của tín hiệu.
Bên cạnh đó, hầu hết hệ thống phát tín hiệu giao dịch chỉ dựa trên nguyên lý của các chỉ báo kỹ thuật cơ bản. Các phần mềm phân tích kỹ thuật phổ biến có sẵn hàng trăm chỉ báo, thậm chí mỗi ngày NĐT có thể viết và bổ sung hàng trăm chỉ báo mới. Chất lượng của các hệ thống giao dịch đơn giản này là cả vấn đề, vì tính sáng tạo rất thấp, thậm chí đầy rẫy hệ thống đang được phát hành miễn phí, công khai mã nguồn trên các diễn đàn. Điều này dẫn đến tình trạng copy, chỉnh sửa các hệ thống miễn phí này rồi đem “lòe” NĐT thiếu kinh nghiệm lấy tiền. Các hệ thống giao dịch phổ biến nhất được chào mời hiện tại dựa trên nền tảng ngôn ngữ lập trình của Amibroker, đơn giản vì mã nguồn có sẵn và rất dễ xào nấu thành hệ thống mới. Xét cho cùng, độ thông minh của một hệ thống cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn độ thông minh của chính người viết ra nó.
Cuối cùng, một lời chào mời hệ thống giao dịch hấp dẫn luôn đi kèm một bản kết quả demo (backtest) hoành tráng với lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên kết quả này hoàn toàn có thể đạt được trong bối cảnh hoàn hảo, tức hệ thống được chỉnh sửa phù hợp với diễn biến trong quá khứ. Trong khi đó diễn biến tương lai không bao giờ đảm bảo sẽ lặp lại đúng các dữ kiện của quá khứ. Trong đầu tư, mục tiêu tối thượng là lợi nhuận. Vì thế hệ thống sinh lời tốt nhất chính là hệ thống không bao giờ được công khai. Nếu thật sự hệ thống hiệu quả, tại sao chủ nhân của nó phải bán cho từng NĐT kiếm bạc lẻ, trong khi có thể sử dụng nó để trở thành tỷ phú?
Hiện có không ít NĐT mới đang đánh cược tiền bạc của mình bằng trí tuệ của người khác, dù trí tuệ đó chưa được kiểm chứng độ tin cậy cũng như tính hiệu quả. |