Đặc biệt, một số nơi người dân đã chặt bỏ cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng không theo cảnh báo của cơ quan chuyên môn. Việc tăng trưởng “nóng” diện tích sầu riêng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất cũng như nguy cơ cung vượt cầu.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay diện tích trồng sầu riêng trên cả nước là 112,2 nghìn ha (tăng hơn 27,3 nghìn ha so năm 2021), sản lượng 863,3 nghìn tấn.
Lợi nhuận tăng cao
Trong những năm gần đây, quả sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá đứng ở mức cao, người trồng có lãi lớn dẫn đến quy mô sản xuất sầu riêng tăng nhanh chóng, nhất là tại các vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Theo thống kê, giai đoạn 2015-2022, diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32 nghìn ha lên hơn 112,2 nghìn ha, bình quân tăng 10 nghìn ha/năm; năng suất sầu riêng tăng từ 14,7 đến 15,7 tấn/ha; sản lượng tăng từ 366 nghìn tấn lên hơn 863 nghìn tấn, bình quân tăng 62,1 nghìn tấn/năm.
Huyện Đạ Huoai được coi là thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng. Thời gian qua, loại cây này đã và đang góp phần mang lại hiệu quả kinh tế và cuộc sống sung túc cho người nông dân, nhất là khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã tạo thêm động lực cho người dân địa phương trong sản xuất loại cây trồng này.
Gia đình chị Phạm Thị Huệ, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai có hơn 2 ha sầu riêng đang bước vào giai đoạn kinh doanh năm thứ 2. Vườn sầu riêng của gia đình chị Huệ được Hợp tác xã nông nghiệp Đạ M’ri đăng ký thu mua và có mã số vùng trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP.
Chị Huệ cho hay: “Từ tháng 4/2023, hợp tác xã đã làm việc với các doanh nghiệp liên kết để bao tiêu toàn bộ sản lượng của xã viên với giá cao hơn nhiều so với các năm trước. Vì vậy, gia đình tôi sẽ tập trung vào việc chăm sóc tốt để nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Gia đình anh Đoàn Duy Khương, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh hiện có 2,4 ha trồng sầu riêng cũng bước vào năm kinh doanh thứ 2. Theo anh Khương, năm nay với sản lượng trái dự kiến hơn 45 tấn, gia đình anh kỳ vọng sẽ thu về gần 2,5 tỷ đồng.
Anh Khương cho biết: “Những vườn sầu riêng có mã số vùng trồng được rất nhiều doanh nghiệp và thương lái săn lùng để thu mua và sẵn sàng thanh toán tiền trước. Đó là niềm vui của người trồng sầu riêng, nhưng cũng cần tính toán kỹ khi nhà nhà trồng loại cây này dẫn đến nguy cơ “dội chợ”.
Tại tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Long Thủy, huyện Bảo Lâm đã xây dựng và được cấp một mã số vùng trồng với diện tích 150 ha và một mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo nhận định, với nhu cầu sản lượng xuất khẩu rất lớn như hiện nay, nếu so sánh với diện tích mã vùng trồng của công ty cũng như liên kết với nông dân thì không đủ để xuất khẩu.
Do đó, cùng với 150 ha đã ký hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tám hợp tác xã tại các huyện: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và đang xúc tiến để được cấp thêm mã số vùng trồng mới để đủ sản lượng xuất khẩu.
Giám đốc Công ty TNHH Long Thủy Võ Hữu Long chia sẻ, tháng 9/2022, lô sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, gồm bốn container với hơn 70 tấn đã được công ty xuất sang thị trường Trung Quốc. Đến hết năm 2022, doanh nghiệp đã xuất thêm được 1.000 tấn sầu riêng.
Nguy cơ phá vỡ sự ổn định của thị trường
Theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường, việc gia tăng, tăng trưởng “nóng” về diện tích, sản lượng cây sầu riêng, có nguy cơ ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng theo đề án cơ cấu lại nông nghiệp của các địa phương.
Thậm chí, một số nơi có hiện tượng nông dân chặt bỏ cây lâu năm khác như: Cà-phê, hồ tiêu… chuyển sang trồng sầu riêng. Nếu thời gian tới, thị trường tiêu thụ có biến động, khó khăn trong tiêu thụ, khi đó thu nhập của nông dân sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, số lượng mã số vùng trồng được cấp hiện còn ít so với tổng quy mô diện tích, sản lượng sản xuất, dễ có nguy cơ mạo danh, gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và việc xuất khẩu của ngành hàng khi bị phát hiện.
Có ý kiến cho rằng, tại khu vực Tây Nguyên, diện tích sầu riêng trồng xen trong vườn cà-phê hiện chiếm tỷ lệ hơn 70%, trong khi cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chỉ thực hiện với vùng trồng chuyên canh. Nếu giá sầu riêng vẫn duy trì mức cao như hiện nay, nguy cơ người dân dịch chuyển diện tích cà-phê sang trồng sầu riêng hoặc phá bỏ cà-phê trồng xen sầu riêng để được cấp mã số vùng trồng.
Cũng băn khoăn về vấn đề này, chị Phạm Thị Huệ, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho rằng, nếu phát triển “nóng” cây sầu riêng như hiện nay, nguy cơ cung sẽ vượt cầu. Khi đó, những nhà vườn không nằm trong chuỗi liên kết, không tham gia hợp tác xã sẽ gặp khó khăn về đầu ra. Đó là bài toán cần có sự vào cuộc của Nhà nước để khuyến cáo, thông tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đặc điểm địa phương.
Đến tháng 4/2023, diện tích sầu riêng tại Lâm Đồng đạt gần 18 nghìn ha, tăng hơn 3.500 ha so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu, tình trạng phát triển “nóng” về diện tích sầu riêng có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.
Quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng, mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia vào vùng trồng để được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cũng như phục vụ thị trường trong nước.
Nhằm phát triển bền vững cây sầu riêng, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu phù hợp; kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Đặc biệt, khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà-phê, hồ tiêu trồng xen sầu riêng ở Tây Nguyên đang có hiệu quả sang trồng thuần sầu riêng; hướng dẫn nông dân thực hiện trồng rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường…