Lòng vòng vốn - lãi suất
Vài ngày sau thông tin tăng chỉ tiêu tín dụng của NHNN cũng như động thái giảm lãi suất của một số NHTM, ông Nguyễn Trí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Gia Định, chuyên sản xuất giày xuất khẩu, cho biết vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể về việc này. Song theo ông Trung, nếu tiếp cận được vốn với lãi suất thấp hơn thì rất đáng mừng, vì hầu hết DN đang bị bủa vây trong khó khăn về dòng tiền khi đơn hàng giảm sút, vẫn phải cố gắng giữ chân lao động, duy trì sản xuất kinh doanh. Dù vậy ông Trung cũng không tránh khỏi nỗi lo thường trực về điều kiện để tiếp cận nguồn vốn với lãi suất tốt. Bởi thực tế gói hỗ trợ 2% lãi suất nghe rất hấp dẫn, nhưng số DN tiếp cận được quá ít do điều kiện quá ngặt nghèo. Ông Trung cho biết hiện DN ông đang vay vốn ngắn hạn với lãi suất 9%/năm, vốn dài hạn trên 10%/năm và dự báo còn tăng mạnh trong năm sau.
Tại hội nghị mới đây ở Cần Thơ, nhiều DN xuất khẩu nông, lâm thủy sản đã bày tỏ những bức xúc của mình. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết nỗi lo lớn nhất hiện nay của DN là làm sao có đủ 200 tỷ đồng mua tôm nguyên liệu và trả lương cho cán bộ công nhân viên. Vì nếu không mua tôm nguyên liệu, với đà giá tôm giảm như hiện nay người nuôi sẽ treo ao. Nỗi lo vốn của DN tưởng như được tháo gỡ khi cuối tháng 11 NH có giải ngân, nhưng lãi suất quá cao khiến DN không dám vay. Lãi suất cao trong khi đơn hàng có xu hướng giảm, giá bán không tăng được đang là tình cảnh chung của nhiều DN hiện nay.
Năm 2023 được dự báo khó khăn tiếp tục kéo dài, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn chưa phục hồi, vì thế ngoài nỗ lực của bản thân, DN rất cần được hỗ trợ, tiếp sức.
Nói về nguồn vốn trong bối cảnh hiện nay của DN cùng muôn vàn cái khó xoay vòng, vì ngoài lãi suất, vay vốn trong lúc nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm hiện nay đang là thách thức lớn. Bởi khi phụ thuộc vốn NH (dù lãi suất cao hay thấp) nhưng hàng tồn kho cao lấy đâu tiền trả nợ khi tới hạn. Giải pháp không DN nào muốn là chấp nhận giảm giá, bán rẻ để có cái chứng minh luân chuyển dòng tiền. Song đó là vòng xoáy đi xuống và hệ quả trong lâu dài thật khó lường, nhất là với DN có tiềm lực yếu.
Năm nay được xem là khó khăn chưa từng có của nhiều ngành hàng xuất khẩu, kể cả các mặt hàng thiết yếu như thủy sản, khi đơn hàng sụt giảm mạnh trong mùa tiêu thụ cao điểm cuối năm. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cái vòng xoay: lúc DN cần vốn NH hết hạn mức tín dụng, lúc NH có thêm hạn mức tín dụng DN không dám vay vì không có đơn hàng, vay rồi lấy tiền đâu trả. Rồi lãi suất giảm nhưng để vay được cũng không đơn giản.
Kéo dài chính sách miễn, giảm thuế phí
Chia sẻ với ĐTTC, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết DN sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may cần và mong lúc này là Chính phủ có thêm chính sách giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), bảo hiểm xã hội… giúp DN có thêm nguồn lực để lo cho công nhân lao động khi Tết Nguyên đán đang cận kề, nhằm giữ chân lao động chờ khi thị trường ấm trở lại DN không vướng phải nỗi lo gián đoạn sản xuất vì thiếu người.
Trước thực tế nhiều chính sách hỗ trợ như giảm 2% thuế VAT, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất… kết thúc vào ngày 30-12-2022, nhiều DN kiến nghị nên kéo dài thêm các chính sách này trong năm 2023. Nguyên do năm 2023 được dự báo khó khăn tiếp tục kéo dài, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn chưa phục hồi, vì thế DN vẫn rất cần được hỗ trợ, tiếp sức.
Cùng với việc kéo dài những chính sách miễn, giảm thuế, việc gỡ nút thắt hoàn thuế VAT cũng hết sức quan trọng với nhiều DN trong lúc này để tránh cho DN rơi vào trạng thái kiệt quệ dòng tiền. Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ là thí dụ điển hình. Theo đó, hồi đầu tháng 11, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đã có công văn gửi Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính, đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT. Theo Viforest, trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và Anh đang suy giảm 40-50%, dòng tiền đầu vào của các DN đang bị ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT, đã làm các DN vốn khó khăn càng khốn đốn hơn.
Theo ước tính, lượng thuế VAT các DN sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm DN hiện chưa được hoàn thuế. Trong đó có DN có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều DN 40-50 tỷ đồng, trong khi quy định hoàn thuế không quá 40 ngày. Đầu tháng 12, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN chế biến, xuất khẩu gỗ. Kỳ vọng những khó khăn của ngành gỗ sẽ sớm được tháo gỡ.
Những khó khăn của các DN được thể hiện rõ qua số liệu DN tạm dừng kinh doanh và rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2022. Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết có 132.339 DN rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2022, tăng 24,3% so với cùng giai đoạn năm 2021, cao hơn 1,3 lần mức bình quân cùng giai đoạn từ 2017 tới 2021. Cụ thể, số lượng DN tạm ngừng kinh doanh 70.220, tăng 34,8%; số DN chờ làm thủ tục giải thể 45.271, tăng 14,7%; số DN giải thể 16.848, tăng 13,3%.
DN tạm ngừng kinh doanh, giải thể khiến hàng trăm ngàn lao động mất việc, đang trở thành cú sốc trong những ngày cuối năm này. Tình hình của tháng 12 được dự báo không khả quan hơn bao nhiêu. Vì thế, DN cần được nhanh chóng tiếp sức để bước vào năm 2023 với nhiều thử thách hơn đang chờ phía trước.