Cần xây dựng một nguồn vốn bền vững để phát triển NOXH

(ĐTTCO)- Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực- Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia Tại hội thảo “Đột phá nhà ở xã hội (NOXH)” do báo Người Lao động tổ chức sáng 28-3.
TS Cấn Văn Lực phát biểu
TS Cấn Văn Lực phát biểu

Theo TS Cấn Văn Lực, hiện nay việc phát triển NOXH có nhiều vướng mắc, như chưa nhất quán về quan điểm; quy hoạch quỹ đất vừa thừa vừa thiếu; thiếu về nguồn vốn; giới hạn về lợi nhuận cho nhà đầu tư; thủ tục đầu tư nhiêu khê…Từ đó chuyên gia này kiến nghị: cần nhất quán về quan điểm phát triển NOXH; cần xây dựng một đề án tổng thể về phát triển NOXH; tăng tính hấp dẫn cho NOXH; khắc phục tình trạng trục lợi, phân tích tốt yếu tố dự báo về nu cầu; tháo gỡ khó khăn về pháp lý và đặc biệt là cần có một Quỹ quốc gia để phát triển NOXH…

TC Trần Du Lịch đề xuất, cần điều chỉnh quy hoạch một số khu công nghiệp, khu chế xuất để tạo quỹ đất, sau đó giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Cho phép tính một phần chi phí hợp lý của nhà đầu tư khi xây dựng ký túc xá cho công nhân vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động tự làm nhà ở cho công nhân. Chính quyền địa phương phải hình thành quỹ nhà ở cho thuê giá rẻ cho người lao động không có khả năng mua nhà, không có chỗ ở. Việt Nam chưa có chính sách rõ ràng về việc này trong khi ở hầu hết các nước, việc xây dựng nhà ở xã hội nói riêng và nhà ở nói chung là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chính phủ chỉ nên quy định chính sách chung và phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện. Cho phép doanh nghiệp xây dựng dự án chung cư thương mại, khu đô thị mới được lựa chọn dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội hay nộp một khoản tiền tương ứng vào quỹ phát triển nhà ở xã hội của địa phương. Song song đó, các địa phương - nhất là thành phố lớn - cần hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách, nguồn xổ số kiến thiết, thu 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, vốn ODA, nguồn huy động của nhà đầu tư trong tương lai, vốn ODA...

Theo ông Lịch, có quan điểm cho rằng nếu xây nhà ở xã hội xen lẫn nhà ở thương mại thì người sử dụng nhà ở xã hội sẽ không chịu nổi phí quản lý dịch vụ ở mức cao, do đó nên xây nhà ở xã hội ở những khu vực cách biệt hơn.

Bên cạnh đó, có những khu đô thị được quy hoạch xây dựng với diện tích lớn, có điều kiện xây dựng nhà ở xã hội và người sử dụng nhà ở xã hội chấp nhận được mức phí dịch vụ tương đương nhà ở thương mại thì nên làm. Tuy nhiên, với những dự án quá nhỏ, việc xây dựng nhà ở xã hội gặp khó khăn thì nên tạo điều kiện cho nhà đầu tư đóng tiền thay thế.

Về gói tín dụng 120.000 tỉ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn 1,5-2 điểm % so với lãi suất hiện hành của các ngân hàng thương mại nhà nước, dành cho nhà đầu tư và người mua nhà vay, tôi kiến nghị nên phân bổ cho các địa phương và cho phép chính quyền địa phương được bổ sung chính sách hỗ trợ tùy điều kiện để có thể hình thành một gói hỗ trợ phù hợp yêu cầu thực tiễn. Điều này giúp địa phương được tăng tính chủ động, có thể triển khai sớm được.

Với riêng TP HCM, cần gắn phát triển nhà ở xã hội với di dời, cải tạo chung cư cũ và xử lý nhà ven kênh rạch với những mục tiêu đã được đề ra gồm: giải quyết môi trường, chỉnh trang đô thị và phát triển quỹ nhà ở. Theo đó, cần chính sách tái định cư tại chỗ cho người dân; không thực hiện theo cách buộc dân đi đến những khu tái định cư quá xa, không phù hợp với điều kiện công việc, học hành của con cái. Việc chỉnh trang đô thị, giải tỏa các khu nhà ổ chuột, chung cư cũ phải thực hiện nhất quán quan điểm lấy người dân đang sinh sống tại đây là trung tâm lợi ích và xây dựng chính sách đi theo.

Nêu kinh nghiệm phát triển NOXH từ các nước, TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan,Trường Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) chia sẻ, Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia châu Âu, Trung Quốc, Singapore và Hong Kong SAR cho thấy thành công trong chính sách phát triển nhà ở xã hội đòi hỏi phải có sự tham gia của chính quyền vì đây không phải là hàng hóa thông thường. Nhà ở xã hội là một loại hàng hóa đặc biệt vì nhóm đối tượng sở hữu là những người gặp khó khăn về tài chính và được hưởng các chính sách ưu đãi. Sản phẩm nhà ở đáp ứng yêu cầu của nhóm này cần phải được cân nhắc kỹ ở khía cạnh quy hoạch cũng như thiết kế để tránh lãng phí.

Do đó chương trình cung ứng nhà ở xã hội thành công đòi hỏi chính quyền phải hỗ trợ nhiều hơn và thậm chí tham gia với tư cách là nhà phát triển ít nhất trong giai đoạn ban đầu. Bên cạnh đó, chính quyền cũng khuyến khích các tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp tham gia phát triển và cung cấp nhà ở xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Các chương trình nhà ở xã hội đa dạng, có sự tham gia của nhiều thành phần và có sự hỗ trợ về tài chính tích cực và linh hoạt cho người dân sẽ góp phần tạo ra nguồn cung hiệu quả.

Theo khảo sát của Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM cho biết, thời gian qua có 16 nhà lưu trú công nhân đưa vào sử dụng tạo chỗ ở cho 21.000 người lao động, chiếm 15% lao động trong các KCN-KCX TP. Qua khảo sát 96.000 người lao động ở 212 doanh nghiệp có đến 64.000 lao động ở nhà trọ, trong đó 54.000 lao động có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội.

Các tin khác