Căng thẳng chống tắc đường cuối năm

(ĐTTCO) - Dịp cuối năm, tình trạng kẹt xe tại nhiều tuyến đường ở TPHCM lại bùng phát. Kẹt xe không chỉ xảy ra giờ cao điểm mà bất kỳ thời điểm nào với mức độ nghiêm trọng, từ khu vực trung tâm đến các quận vùng ven. Nguyên nhân chính do các rào chắn, lô cốt mọc lên khắp nơi.
 
Khắp nơi ùn tắc
Dịp cuối năm, người dân TPHCM chưa kịp vui mừng vì các hướng vào Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã thông thoáng hơn do thi công các cầu vượt bằng thép, thì các rào chắn, lô cốt mọc lên khắp nơi khiến người lưu thông vô cùng ngán ngẩm. Tại vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám (quận Gò Vấp), tháng 11-2017, Sở Giao thông-Vân tải (GTVT) TPHCM đưa vào hoạt động cầu vượt bằng thép, chấm dứt cảnh kẹt xe triền miên tại khu vực này, nhất là hướng đi vào Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, ngay sau đó các đơn vị thi công tiếp tục rào chắn góc đường Nguyễn Thái Sơn và ngay trên Đại lộ Phạm Văn Đồng. Chỉ cách khu vực này chừng 200m, trên đường Hoàng Minh Giám lại mọc lên một lô cốt khủng. Vào đầu giờ sáng đi làm, người dân từ các quận Gò Vấp, 12, Thủ Đức muốn xuống trung tâm TP, khi lưu thông trên tuyến đường này rất căng thẳng vì xe máy nhích từng chút một. Dù lực lượng Cảnh sát giao thông luôn túc trực điều tiết, nhưng tình trạng trên vẫn không cải thiện.
 Với những nỗ lực của ngành GTVT TPHCM, vừa qua TP đã giảm được 5/37 điểm nóng về ùn tắc giao thông. Chủ động cho đợt cao điểm lễ, tết sắp tới, ngành đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai một số công việc trọng điểm. Trong đó thành lập tổ công tác liên ngành để xử lý các tình huống xấu có thể dẫn đến ùn tắc giao thông tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tổ chức lực lượng điều tiết giao thông tại các vị trí giao nhau giữa đường bộ và đường sắt đối với khu vực ga đường sắt Sài Gòn. 
Ông Ngô Hải Đường
Sở GTVT TPHCM
Ngày 23-12, ĐTTC đã ghi nhận tại khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, do ngày nghỉ cuối tuần nên buổi sáng tình trạng kẹt xe có giảm. Song, đến khoảng 11-12 giờ trưa, các phương tiện giao thông dồn về đường Trường Sơn đông nghịt, hầu hết là ô tô, taxi từ các hướng đổ dồn về sân bay. Trên các làn đường, ô tô gần như chiếm trọn. Làn đường cho xe máy lúc nào cũng có ô tô đi vào vì thế người đi xe máy phải chen chúc giữa các ô tô.
Ông Hứa Văn Thanh, một người chạy xe ôm tại khu vực sân bay, cho biết cận Tết Nguyên đán nhưng hoạt động của cánh xe ôm khá ế ẩm vì kẹt xe. Những ngày này, cứ 9 giờ sáng bắt đầu kẹt xe, đến trưa càng kẹt nặng hơn. Anh Phan Hải Đà, người dân ở phường Tam Bình, quận Thủ Đức, ngao ngán: “Cả năm nay mình đã bỏ xe hơi nằm không để quay lại với xe gắn máy vì quá ngán cảnh kẹt xe tắc đường. Trước đây khu trung tâm TP còn có giờ cao điểm, đến nay lúc nào cũng là cao điểm kẹt xe”.

Chia sẻ việc đi lại của người dân
Theo tìm hiểu của ĐTTC, hiện tại 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc của TP đang xảy ra cảnh kẹt xe nghiêm trọng. Ở phía Đông, từ quận 9 kéo dài đến sát cầu Sài Gòn (thuộc phường Thảo Điền, quận 2), dãy rào chắn kéo dài suốt cả năm qua từ việc thi công tuyến metro số 1, khiến giao thông nơi đây vùng vô cùng lộn xộn. Đó là chưa kể tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt xe triền miên, ùn ứ, ngày thường cũng như ngày lễ. Nóng nhất là hướng Xa lộ Hà Nội về Cảng Cát Lái (quận 2), hàng ngày từ sáng tới chiều, từng đoàn xe tải nặng ì ạch di chuyển vào cảng lấy hàng. Cung đường kéo dài chừng 4km, nhưng xe hơi đi có khi mất cả buổi. 
Căng thẳng chống tắc đường cuối năm ảnh 1 Các lô cốt rào chắn gần hết đường khiến người dân đi lại khó khăn.
Còn tại trung tâm TP, nhiều lô cốt đua nhau mọc lên dày đặc phục vụ thi công công trình ngầm xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (quận 1) tại một số đường như Lê Lợi, Pasteur, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... khiến giao thông tê liệt vào đầu buổi sáng và chiều tan tầm. Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn TP có 113 vị trí rào chắn trên 50 tuyến đường, tăng đến 43 vị trí so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ số điểm rào chắn, lô cốt tăng mạnh trong năm nay do TP đang triển khai thi công các dự án giao thông - hạ tầng sử dụng vốn ODA có quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài, như dự án cải thiện môi trường nước, dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Từ nay đến thời điểm giáp Tết, người dân có xu hướng đi mua sắm nhiều cùng với việc sinh viên, công nhân, người lao động về quê ăn Tết khiến giao thông ở khu vực trung tâm và các cửa ngõ TPHCM càng thêm quá tải. "Nóng" nhất sẽ là ở cửa ngõ từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây, khi nhiều người bắt đầu đổ về quê ăn Tết bằng xe máy. Theo Kiến trúc sư Đặng Vũ Doãn, Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, trong dịp này, nếu không thi công các công trình giao thông chủ đầu tư nên tháo dỡ các lô cốt vừa khiến việc đi lại của bà con bớt khó khăn, vừa mất mỹ quan đô thị trong dịp tết đến, xuân về.

Các tin khác