(ĐTTCO) - Căng thẳng gia tăng ở khu vực Đông Á nêu bật nguy cơ tính toán sai của 2 nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ, đều có những tuyên bố đe dọa mạnh mẽ và có thể ra những quyết định khó dự đoán. Tuy nhiên, bất kể tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang căng như dây đàn, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn tin rằng không thể lập tức xảy ra chiến tranh Hoa Kỳ - Triều Tiên.
Không thể đoán trước
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tối 14-4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định mục tiêu chung của 2 nước là "đưa tất cả các bên trở lại bàn đàm phán". Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Nga để xoa dịu tình hình trên Bán đảo Triều Tiên càng sớm càng tốt và khuyến khích các bên liên quan nối lại đối thoại. Ngăn ngừa chiến tranh và bất ổn ở khu vực này phù hợp với lợi ích chung. |
Khi nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson của Hải quân Hoa Kỳ hướng đến bán đảo Triều Tiên như một thông điệp cảnh báo của Washington gửi tới Bình Nhưỡng sau vụ thử tên lửa đạn đạo, Triều Tiên tuyên bố sẽ phản công "hành động liều lĩnh xâm lược" với "những hậu quả thảm khốc".
Căng thẳng gia tăng trong khu vực vì hình ảnh vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6, và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh báo lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang "làm điều sai trái" và "chúng ta có quân đội giỏi nhất thế giới".
Không có gì đặc biệt bất thường trong những tuyên bố đe dọa mạnh mẽ của Triều Tiên, như biến Seoul thành "biển lửa" hoặc bắn tên lửa đạn đạo vào "các nguồn gốc điều ác" Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.
Bình Nhưỡng đã luôn phản đối mạnh mẽ cuộc tập trận chung thường niên Hoa Kỳ-Hàn Quốc, cũng phản đối các tàu sân bay Hoa Kỳ đến vùng biển bán đảo Triều Tiên, nhưng cuộc tập trận vẫn diễn ra mỗi năm và các tàu sân bay vẫn đến mà không xảy ra hậu quả gì.
3 tổng thống Hoa Kỳ trước Trump đều đã cân nhắc hành động quân sự chống chương trình hạt nhân mới khởi đầu của Triều Tiên, rồi quyết định chọn tham gia các cuộc đàm phán hơn là gây nguy cơ tấn công. Các cuộc đàm phán đã không thành công trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển chương trình hạt nhân, nhưng rõ ràng sự căng thẳng lớn trên bán đảo Triều Tiên đã tránh được từ năm 1953.
Khác biệt hiện nay là Trump, Tổng thống đã đe dọa Triều Tiên thông qua Twitter. Với cả đồng minh, kẻ thù, và các nhà quan sát, Tổng thống Trump là một người khó đoán, và ông cũng tự nhận điều đó. Ngay cả các chính sách đối ngoại có thể dự đoán của một Tổng thống Hoa Kỳ, như lên án sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh, hay nói rằng NATO đã trở nên lỗi thời, là những điều đảo ngược không lường được của tổng thống đặc biệt này.
Trump đã nói rằng Hoa kỳ cần phải "không thể đoán trước" hơn nữa, khiến các nhà ngoại giao hỏi rằng chính xác là Nhà Trắng dự định làm gì với các vấn đề khác nhau, từ thuế biên giới đến quan hệ với Nga, The Washington Post cho biết.
Nguy cơ tính toán sai
Các nhà lãnh đạo thường nêu những nguy cơ và sử dụng các công cụ không rõ ràng như một chiến thuật đàm phán. Một đối thủ phải nhượng bộ vì sợ một cuộc tấn công bạn không có ý định thực hiện thì càng tốt. Tuy nhiên, có trường hợp sự không chắc chắn làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm cho cả 2 bên, và trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa 2 quốc gia hạt nhân, nguy cơ thiệt hại rất lớn.
Tấn công phòng vệ có thể được cân nhắc nếu bên kia muốn tấn công trước. NBC hôm 13-4 nói Hoa Kỳ dựa trên các nguồn thông tin tình báo để chuẩn bị thực hiện một lựa chọn như vậy, nhưng các quan chức cao cấp Lầu Năm Góc nhanh chóng bác bỏ và tuyên bố rằng điều đó là "cực kỳ nguy hiểm".
Có lý do để Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi "tất cả các bên không khiêu khích và đe dọa lẫn nhau, dù bằng lời nói hay hành động, và không đẩy tình hình tới mức không thể thoái lui và ngoài tầm kiểm soát". Khi 2 nhà lãnh đạo, Triều Tiên và Hoa Kỳ, từng có những tuyên bố đe dọa mạnh mẽ, có nguy cơ tính toán sai ngay cả với thông tin tình báo tốt nhất và hành động gây sai lầm thảm khốc.
The Washington Post nhận định, nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6, nghĩa là chương trình hạt nhân đang tiến triển nhưng không nhất thiết nguy hiểm hơn cách đây 1 tuần. Thậm chí có thể không có vụ thử, dù báo giới đã được Bình Nhưỡng thông báo về kế hoạch một "sự kiện lớn" trong nước, được cho là một vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa trước khi tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 105 của Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15-4.
Và trong ngày 15-4, Bình Nhưỡng đã tổ chức diễu binh lớn và phô trương nhiều tên lửa mới, gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM). Ngay cả khi một vụ thử thành hiện thực, khả năng Hoa Kỳ trả đũa là thấp.
Chiều 14-4, sau 2 tháng xem xét về chiến lược đối phó Triều Tiên, chính quyền Trump đã chọn chiến lược "áp lực và thỏa thuận tối đa", trong đó "áp lực ngày càng tăng lên Bình Nhưỡng với sự giúp đỡ của Trung Quốc, đối tác thương mại và quân sự chính của Triều Tiên", nhưng phần"thỏa thuận" vẫn chưa rõ ràng và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã bác bỏ phương án đàm phán.
Cuối cùng, những nguy cơ có thể tự giảm nhờ hậu quả to lớn của nó. Chuyên gia Hàn Quốc Victor Cha gần đây đã cảnh báo khả năng "hàng triệu người thương vong" nếu xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên tấn công hạt nhân hoặc quy ước chống Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Robert Jervis, người đã viết rất nhiều về việc răn đe và Chiến tranh Lạnh, nói với The Atlantic rằng: "Có rất nhiều lần Chiến tranh Lạnh đến mức tuyệt vọng nhưng điều tồi tệ nhất chưa bao giờ xảy ra", và rằng "răn đe, như một cảm giác cơ bản, là một yếu tố ức chế mạnh mẽ". Triều Tiên ít nhất sẽ được một phần thưởng tuyên truyền chỉ từ việc chứng minh khả năng làm cả thế giới lo lắng với vài thông tin về "sự kiện lớn" trong thời gian trước một ngày lễ quốc gia. Có lẽ đó là những gì họ mong muốn.
![]() |
Quang cảnh lễ diễu binh kỷ niệm 105 của Chủ tịch Kim Nhật Thành. |
Phản ứng của quốc tế
Bất chấp những động thái căng thẳng trên, các nhà phân tích an ninh quốc tế cho rằng Hoa Kỳ rất khó có thể phát động một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, bởi những hậu quả quá lớn mà Washington và các nước đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc, có thể phải hứng chịu. Nhà nghiên cứu Melissa Hanham tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin (Hoa Kỳ), cho rằng ngay cả khi đòn tấn công phủ đầu của Hoa Kỳ vô hiệu hóa được các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn sở hữu hỏa lực phi hạt nhân hùng hậu cùng đội quân thường trực đông đảo.
Việc thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ nằm cách khu phi quân sự khoảng 50km là một trong những rào cản lớn nhất ngăn liên quân Mỹ-Hàn có hành động quân sự trực tiếp đối với Triều Tiên. Trong khi đó, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Brookings (Hoa Kỳ), ông Jonathan D. Pollack, cho biết kể từ sau năm 1953, các chiến lược gia Hoa Kỳ đã từng cân nhắc nhiều kế hoạch tấn công quân sự vào Triều Tiên.
Tuy nhiên, tất cả các bản đánh giá kế hoạch tác chiến đều có một kết luận rằng dù Hoa Kỳ có thể giành chiến thắng, "cái giá" phải trả vẫn là "đắt khủng khiếp," đặc biệt đối với đồng minh Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới và là nơi sinh sống của hơn 25 triệu dân. Theo chuyên gia Pollack, kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên là "chiến lược mạo hiểm quá mức".