(ĐTTCO)-Đại diện liên minh quốc tế Oxfam khuyến nghị Việt Nam rà soát lại chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp vì cho rằng, ít bằng chứng cho thấy ưu đãi thuế giúp tăng đầu tư hoặc tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo vừa được Oxfam công bố chiều 12/12, các quốc gia trên khắp thế giới đang cắt giảm thuế cho doanh nghiệp để cạnh tranh thu hút đầu tư. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình của các nước nhóm G20 là 40% vào 25 năm trước đã xuống dưới 30% hiện tại.
Đại diện Oxfam cho rằng, khi đã cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, các quốc gia cân đối tài chính bằng cách giảm chi tiêu công hoặc tăng thuế, như thuế giá trị gia tăng.
“Ví dụ, song hành với cắt giảm 0,8% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2007 đến 2014, các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã tăng 1,5% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ năm 2008 đến 2015,” báo cáo của Oxfam nêu lên.
Tuy nhiên, vấn đề theo Oxfam là “không có người thắng cuộc trong cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp.”
“Những người dân thường – đặc biệt là những người nghèo nhất – đang phải trả giá cho cuộc đua nguy hiểm này với việc thuế cá nhân bị tăng lên và các dịch vụ thiết yếu, như chăm sóc sức khỏe và giáo dục bị cắt giảm,” đại diện Oxfam đánh giá.
Với riêng Việt Nam, phía Oxfam chỉ ra, mặc dù ưu đãi thuế được sử dụng rộng rãi, có ít bằng chứng cho thấy ưu đãi thuế giúp tăng đầu tư hoặc tăng trưởng kinh tế.
“Tính phức tạp của quy định ưu đãi thuế của Việt Nam và thiếu thông tin, số liệu, đã gây khó khăn cho nhà nghiên cứu và nhà đầu tư phân tích chính xác chi phí và lợi ích của ưu đãi thuế,” đánh giá của Oxfam nêu lên.
Qua đó, đại diện tổ chức này khuyến nghị Việt Nam hợp tác với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thành viên ASEAN, nhằm đặt một mức thuế thu nhập doanh nghiệp công bằng, lũy tiến, đóng góp cho lợi ích chung.
Cũng theo phía Oxfam, Việt Nam cần rà soát các chính sách ưu đãi thuế và thực hiện phân tích chi phí, lợi ích một cách thận trọng và mang tính dài hạn trước khi ban hành và sau khi thực hiện chính sách ưu đãi thuế. Tuy nhiên, trong quá trình này, Oxfam cũng nhấn mạnh, những lợi ích của chính sách ưu đãi thuế cần được cân nhắc với chi phí cơ hội của chính sách.
Một giải pháp khác được Oxfam đưa ra là thiết lập cơ chế báo cáo để cơ quan thuế thu thập và công khai thông tin, dữ liệu liên quan đến chính sách ưu đãi thuế. Một số ví dụ được đưa ra như số dự án được hưởng ưu đãi thuế, số giảm thu ngân sách do ưu đãi thuế, đóng góp của dự án được hưởng ưu đãi đối với nền kinh tế về khía cạnh việc làm, kim ngạch xuất khẩu./.