Hiện tại, lạm phát toàn cầu đang trở thành chương trình nghị sự hàng đầu ở các nước phát triển. Đến mức đã hình thành 2 trường phái. Trường phái thứ nhất - của “đội tạm thời”, cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời do những đứt gãy trong chuỗi cung ứng rơi đúng vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang hồi phục, đến giữa năm 2022, rồi lạm phát sẽ tự động dịu đi.
Trường phái thứ hai - của “đội thường xuyên”, cho rằng lạm phát sẽ kéo dài, trở thành vĩnh viễn.
Với các dữ liệu lạm phát tháng 10, nhiều “Fan hâm mộ” toàn cầu, không ít trong số đó đến từ Việt Nam, tự tin tuyên bố “đội thường xuyên” chiến thắng. Tuy nhiên vấn đề là trận đấu chỉ mới hết hiệp 1. Còn cả hiệp 2 phía trước, mọi thứ có thể đảo ngược.
Ngay lúc này, nếu vị chỉ huy quá vội vã tuyên bố sức ép lạm phát năm 2022 rất lớn, trận đấu xem như đã kết thúc dù chỉ mới bắt đầu, binh sĩ (doanh nghiệp) buông súng đầu hàng. Gita Gopinath, kinh tế trưởng của IMF, nhấn mạnh: “Các ngân hàng trung ương đã đúng khi thận trọng trong phản ứng với lạm phát cao”.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước, với sự cảnh giác cao độ, đã phát tín hiệu sức ép lạm phát năm 2022 rất lớn. Thực ra CPI năm 2021 dự báo rất thấp, chỉ khoảng 2%, nhưng với tất cả sự thận trọng, cảnh báo từ xa luôn là đức tính quý, nhất là đối với một ngân hàng trung ương.
Nhưng cũng nên tinh tế trong phát tín hiệu, tránh gây hiểu lầm khi đem câu chuyện về cuộc đấu giữa 2 đội “thường xuyên” và “tạm thời” ở các nước phát triển, rồi đưa vào một sân chơi có đặc thù riêng ở nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Cần phải nhận diện rõ bản chất câu chuyện toàn cầu để phát tín hiệu khoa học và thuyết phục vào bối cảnh Việt Nam. Nên biết rằng, “đội thường xuyên”, trong khi phản đối, vẫn đồng tình với “đội tạm thời” về việc giá năng lượng, chi phí logistics tăng cao cũng chỉ là tạm thời.
Điều “đội thường xuyên” không nhất trí nằm ở chỗ, những yếu tố bất thường liên quan đến các gói kích thích kinh tế khổng lồ và khả năng tiền lương tăng cao sẽ là nhân tố đột phá, biến “tạm thời” trở thành “sẹo” vĩnh viễn.
Vậy các yếu tố đột phá này liệu có ở Việt Nam? Nếu không có những phân tích khoa học, việc cảnh báo quá trừu tượng liệu có cần thiết?
Để tránh nguy cơ lạm phát, Chính phủ có thể cân nhắc khả năng triển khai chính sách “kích cầu từ phía cung”, thay vì vừa kích cầu lẫn kích cung trên diện rộng. Luận điểm chính của chính sách này là trong giai đoạn đầu của gói kích thích kinh tế, trọng tâm đặt vào các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa tuyến đầu trong lĩnh vực y tế (dịch bệnh diễn biến phức tạp) và thiết yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh đến nền kinh tế.
Nói rộng ra, nếu các nguồn cung ứng thiết yếu được giải phóng khỏi nút thắt cổ chai, thử hỏi ngã đường nào dẫn đến lạm phát?
Lạm phát, suy cho cùng do nhiều tiền chạy theo ít hàng hóa. Nay với luận điểm “kích cầu từ phía cung”: nhiều hàng hóa từ chuỗi cung ứng thượng nguồn sẽ đuổi theo với chỉ một số lượng tiền ít hơn ở hạ nguồn. Kèm theo đó, nếu Ngân hàng Nhà nước đặt ra các chính sách tạo kênh dẫn vốn hiệu quả đến nền kinh tế thực, lạm phát, nếu có, hoàn toàn có thể được kiểm soát.
Ẩn dụ cuộc đấu giữa 2 “đội thường xuyên” và “đội tạm thời” ở sân chơi quốc tế như thể chúng đang diễn ra ở Việt Nam bằng việc cảnh báo thiếu rõ ràng về khả năng thắt chặt tiền tệ, có thể khiến các đại biểu Quốc hội, các bộ ngành ngại trách nhiệm, chùn tay và do đó cắt giảm đáng kể quy mô gói kích thích tài khóa tiền tệ đang được bàn thảo.
Đáng lo nhất, các doanh nghiệp thượng nguồn chuỗi cung ứng, vốn rất phấn khởi ngóng chờ các gói kích thích kinh tế sắp tới, đang dự định lên kế hoạch đầu tư, nay bỗng dưng bị ám ảnh bởi “bóng ma” lãi suất tăng đột ngột, sẽ đình chỉ hoặc trì hoãn quyết định đầu tư. Lúc đó, mọi động lực tăng trưởng vừa chớm nở ngay lập tức bị dập tắt.