Những cảnh báo sớm của chuyên gia phòng vệ thương mại về khả năng đồ gỗ nội thất phòng ngủ xuất khẩu của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ là những thông tin DN đồ gỗ cần lưu ý.
Cảnh báo
Theo Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại (TRC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ các thông tin của luật sư thuộc mạng lưới cộng tác viên của TRC, đồ gỗ nội thất phòng ngủ từ Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brazil xuất khẩu vào Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ kiện phòng vệ thương mại (chống phá giá, chống trợ cấp) tại thị trường này.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên TRC cho biết, số liệu của phía Hoa Kỳ cho thấy, lượng nhập khẩu hàng đỗ gỗ nội thất phòng ngủ từ Việt Nam và 3 nước trên vào Hoa Kỳ đang tăng đều và đáng kể trong 4 năm qua từ năm 2006-2010. Cũng theo số liệu này, bốn quốc gia thay phiên nhau đứng đầu về lượng nhập khẩu ở một số mã HS nhất định.
Theo các chuyên gia, việc gia tăng nhập khẩu luôn đi kèm với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nơi các nhà sản xuất nội địa thường lạm dụng công cụ này để bảo hộ lợi ích của mình.
Trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, giá của sản phẩm liên quan luôn là yếu tố được nhấn mạnh. Các trường hợp hàng nhập khẩu giá thấp thường rất dễ bị cáo buộc một cách vô lý rằng hàng hóa nước ngoài đang bán phá giá hay được trợ cấp.
Trong trường hợp cụ thể của ngành đồ gỗ, thống kê của phía Hoa Kỳ về giá nhập khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam và các quốc gia còn lại cho thấy những dấu hiệu nguy hiểm có thể khiến đỗ gỗ của bốn quốc gia rơi vào tầm ngắm của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.
Theo TRC, hiện tại chưa có một thông tin rõ ràng nào về khó khăn của ngành sản xuất đồ gỗ nội địa Hoa Kỳ, cũng chưa có cáo buộc nào về trách nhiệm của các nhà sản xuất nước ngoài đối với những khó khăn (nếu có) của ngành này.
Tuy nhiên, một số động thái trên báo chí Hoa Kỳ thời gian gần đây có cáo buộc hiện tượng lẩn tránh thuế chống bán phá giá từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam có thể là một dấu hiệu không tốt.
Chuẩn bị sẵn sàng
Nhiều DN đồ gỗ vẫn còn nhớ năm 2010 Hoa Kỳ từng đưa ra cảnh báo nguy cơ kiện bán phá giá đối với đồ gỗ Việt Nam và thực hiện các chuyến khảo giá ở một số quốc gia. Sau khi đi khảo giá ở Indonesia, Thái Lan... các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ đã mua một bộ bàn ghế ngoài trời ở Thái Lan có giá 50 USD, Indonesia là 48 USD nhưng sang Việt Nam họ lại đi khảo sát ở cả 3 miền, cuối cùng chọn mua ở một DN tại tỉnh Bình Dương với giá 47 USD.
Câu chuyện cho thấy ngay cả trong “thời bình”, và cả khi đồ gỗ của Việt Nam đã có cảnh báo về nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại, DN đồ gỗ rất cần thực hiện một số biện pháp có thể coi là nguyên tắc để phòng và chống bị kiện.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), DN không nên nhận những đơn hàng có giá quá thấp. Lý do thứ nhất là làm hàng giá thấp người lao động không được lợi, trong khi đó, nền kinh tế có thể rơi vào bẫy phát triển thấp và quan trọng hơn đây chính là cái cớ để thị trường nhập khẩu khởi kiện.
Để hạn chế rủi ro, ngay từ bây giờ các DN cần tính đến việc ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu từ các nước có nền kinh tế thị trường, đặc biệt là nhập nguyên liệu từ Hoa Kỳ dưới dạng mua, bán, gia công, nhập nguyên liệu bán thành phẩm… để có thể có lợi thế khi phải chọn nước thay thế, một quy định trong kiện chống bán phá giá.
Đưa ra các biện pháp về hoạt động đối phó của DN đồ gỗ, TRC đề nghị các DN liên hệ chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ để có thông tin cập nhật về tình hình cũng như động thái của ngành sản xuất gỗ của Hoa Kỳ. Về phía VCCI, TRC sẽ thông báo ngay tới các cơ quan liên quan và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nếu có bất kỳ thông tin nào từ các luật sư thuộc mạng lưới cộng tác viên của Hội đồng.
Tuy nhiên, nhằm chủ động đối phó với nguy cơ xấu, việc chuẩn bị sẵn sàng của Hiệp hội và DN cho các vụ kiện chống bán phá giá luôn là cần thiết. Cũng theo TRC, mặc dù hiện nay chưa có cáo buộc nào về tình trạng gian lận thương mại nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá, ngành gỗ Việt Nam vẫn cần thực hiện những biện pháp nhằm loại bỏ tất cả những tin đồn thất thiệt.
Hiệp hội cùng DN phải rà soát lại hoạt động kinh doanh của thành viên, DN mình, kịp thời phát hiện và ngăn chặn ngay các hành vi, biểu hiện gian lận thương mại liên quan.
Nhằm ngăn chặn hiện tượng chuyển tải, gian lận, nếu có, TRC cũng đề nghị các đơn vị cấp xuất xứ hàng hóa (C/O) của VCCI, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan phối hợp tăng cường kiểm tra để phòng ngừa cảnh báo này.