
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư và người dân cần giữ vững tâm lý, theo dõi sát các thông tin quy hoạch từ cơ quan chức năng để có quyết định phù hợp, tránh rủi ro từ các cơn sốt đất ảo.
Khả năng hình thành các “siêu đô thị”
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam tiếp tục có sự khởi sắc trên nền tảng kinh tế có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, thị trường bất động sản có những biến động mạnh đến từ kế hoạch sáp nhập tỉnh. Việc sáp nhập tỉnh được đánh giá sẽ mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường BĐS.

Việc sáp nhập tỉnh được đánh giá sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm BĐS trong tháng 4//2025 tăng mạnh. Đặc biệt là các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh… có mức độ quan tâm tăng mạnh như: Hưng Yên tăng 36%, Thái Bình tăng 75%. Tại Ninh Bình, mức độ quan tâm tăng tới 95%.
Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, mức độ quan tâm BĐS Đà Nẵng tăng 39%, còn tại Quảng Nam tăng 96%.
Đáng chú ý, các tỉnh có khả năng kết hợp trở thành “siêu đô thị” với 12,5 triệu dân, quy tụ cảng biển, sân bay, trung tâm tài chính, chứng kiến mức độ quan tâm BĐS tăng (TP.HCM tăng 13%, Bình Dương tăng 49%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 42%).
Theo thông tin cập nhật từ các thành viên Tổ Công tác nghiên cứu thị trường, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh, giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20%. Thực tế ghi nhận, lượng giao dịch chỉ tăng trưởng tại các tỉnh, thành được dự đoán là trung tâm sáp nhập, có mặt bằng giá chưa quá cao.
Còn theo báo cáo thị trường Batdongsan.com.vn, Hưng Yên là một trong những tỉnh nằm trong các khu vực có lượng người tìm kiếm bất động sản nhiều nhất trên nền tảng này. Trong đó, huyện Văn Giang là nơi tập trung nhiều dự án quy mô lớn là nơi đất nền có mức giá đắt đỏ bậc nhất Hưng Yên, cao hơn cả giá đất khu vực thành phố.
Sáp nhập tỉnh là cơ hội và thách thức cho thị trường bất động sản
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thông tin về việc sáp nhập tỉnh gây ra những phản ứng mạnh mẽ trên thị trường BĐS. Theo đó, việc sáp nhập có thể sẽ hỗ trợ giảm bớt một số thủ tục pháp lý thực hiện dự án, giúp thị trường có thêm nguồn cung.
Đặc biệt, thời gian gần đây, lợi dụng thông tin về việc sáp nhập tỉnh, nhiều cá nhân, tổ chức nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư, đánh vào tâm lý đám đông để kích thích nhu cầu mua BĐS. Thị trường chứng kiến nhiều nhóm nhà đầu tư vào cuộc “săn đất”, nhất là tại các tỉnh, thành dự kiến là trung tâm sáp nhập, với kỳ vọng hưởng lợi từ sự thay đổi này, điều này dẫn đến nhiều rủi ro.
“Giá trị BĐS muốn tăng lên một cách bền vững, cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội”, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết.
Lấy ví dụ về câu chuyện sáp nhập Hà Nội – Hà Tây trong giai đoạn 2016 – 2025, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, sau sáp nhập, giá nhà đất khu vực Hà Tây cũ tăng từ 2,6 đến 15 lần, trong khi Hà Nội cũ tăng trung bình 2,4 lần. Tuy vậy, trong giai đoạn này, nhiều dự án tại Hà Tây cũ bị chậm tiến độ hoặc bỏ hoang, đặt ra nghi vấn về tính bền vững trong tăng giá.

Những khu đô thị bỏ hoang, rêu mốc với thời gian.
Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Anh lưu ý, mức độ quan tâm và kỳ vọng lớn của thị trường BĐS với sáp nhập tỉnh là cơ hội và thách thức lớn trong tương lai.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị khi đánh giá cơ hội từ sáp nhập tỉnh, nhà đầu tư cần phân tích kỹ các yếu tố về kinh tế, văn hóa, hạ tầng và quản lý. Giá trị BĐS chỉ thực sự được tác động tích cực khi hưởng đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và cải thiện môi trường đầu tư. Người mua nên tránh tâm lý “lướt sóng” theo kỳ vọng tăng giá ngắn hạn. Nhà đầu tư cần đầu tư có chọn lọc, dựa trên phân tích dữ liệu và tính tương thích vùng sẽ là chìa khóa để tránh rủi ro.