Từ đầu năm nay, thị trường quốc tế diễn biến phức tạp với nhiều biến động khó lường khi căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu, tác động mạnh đến giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản, làm trầm trọng thêm hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngân hàng trung ương các nước cũng đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất điều hành nhằm kiểm soát áp lực lạm phát tăng cao kỷ lục trên toàn cầu và thị trường tài chính tiền tệ biến động mạnh. Những diễn biến này ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và tỷ giá đồng Việt Nam.
Công tác điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ tuy gặp nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đủ tiềm lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường và tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu luôn cần chủ động ứng phó với biến động tỷ giá để giảm rủi ro trong những tháng cuối năm.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù thị trường quốc tế biến động mạnh nhưng thị trường ngoại tệ trong nước nửa đầu năm nay vẫn hoạt động ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, nhất là nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đông tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhìn nhận, có một yếu tố tích cực đó là tỷ giá của Việt Nam vẫn ở mức độ ổn định hơn so với giá trị danh nghĩa của nhiều loại tiền tệ khác từ đầu năm đến nay.
“Có nhiều nước đồng nội tệ đã mất giá danh nghĩa từ 3-8%, thậm chí là trên 10%. Tính chung cả năm nay, chúng tôi dự báo tỷ giá của chúng ta có thể sẽ tăng ở mức khoảng 2- 2,3% hoặc cao hơn một chút là ở mức 2,5%”, TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
Nền tảng kinh tế vĩ mô có nhiều hỗ trợ tích cực với điều hành tỷ giá của Việt Nam. Đáng chú ý nhất là kết quả thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn thực hiện trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 10 tỷ USD, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019, tức là trước giai đoạn dịch Covid-19. Mức giải ngân tích cực này không chỉ ổn định cung ngoại tệ, mà còn thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với đà phục hồi kinh tế của nước ta.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, tỷ giá trung tâm ổn định trong 6 tháng đầu năm cho thấy điều hành tiền tệ rất linh hoạt. “Nhưng 6 tháng cuối năm ngoái, tỷ giá ở các ngân hàng thương mại giảm, sang đến 6 tháng đầu năm nay đã điều chỉnh tăng, và ở thị trường tự do tăng nhanh, chênh lệch tỷ giá ngân hàng thương mại với thị trường tự do khoảng 600 - 700 đồng.
Đối với xuất, nhập khẩu, điểm tích cực là duy trì thặng dư thương mại dù có sức ép tỷ giá thời gian tới. Tỷ giá Việt Nam có thể ảnh hưởng khả năng xuất khẩu trong thời gian tới”, ông Dương nhận định.
Có thể nói, thách thức xuất, nhập khẩu 6 tháng cuối năm là làm thế nào duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa trong khu vực, vì cơ cấu xuất khẩu tương đối tương đồng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tỷ giá USD/VND đã tăng từ đầu năm. Đặc biệt tỷ giá tăng mạnh trong tháng 6 là do FED tăng lãi suất và đẩy giá trị của đồng bảng xanh lên.
“Tỷ giá của tiền đồng tăng có lợi cho xuất khẩu và xuất khẩu là một trong những cột trụ quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá nhập khẩu và cũng làm gia tăng nhập khẩu lạm phát từ các nước xuất khẩu hàng sang Việt Nam”, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Đặc biệt, các chuyên gia cảnh báo, trong giai đoạn ngắn hạn, đồng Việt Nam đang có xu hướng mất giá so với USD nhưng lại mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như Yen Nhật hay đồng tiền chung châu Âu – Euro... Do đó, những doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng USD sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn do chênh lệch tỷ giá.
Ngược lại, những doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng đồng Euro hay đồng Yen, thời gian tới có thể tăng lợi nhuận tài chính do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu lớn tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản sẽ chịu bất lợi, bởi thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, mặc dù các doanh nghiệp chủ yếu giao dịch bằng USD và hiện tiền đồng đang mất giá so với USD song lại tăng giá trị so với các đồng tiền khác như Euro. Do đó, các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau và khác biệt giữa xuất khẩu với nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng khác nhau, thậm chí là ảnh hưởng ngược chiều.
“Tác động của tỷ giá đối với các nhóm doanh nghiệp sẽ khác nhau, như với Hàn Quốc, do tỷ giá Việt Nam tăng so với WON nên giao dịch sẽ khác so với USD. Vì vậy, thông điệp đến với các nhóm doanh nghiệp với mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ phải có kịch bản, phương án khác nhau”, chuyên gia khuyến nghị.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực điều hành đồng bộ thanh khoản đồng Việt Nam, hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại tệ và mặt bằng lãi suất. Theo đó, tỷ giá sẽ được giữ ở mức độ phù hợp, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu nhất quán của Chính phủ, là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Nhưng từ phía doanh nghiệp, cần chủ động có kịch bản ứng phó với biến động của tỷ giá theo các đồng tiền, thích ứng với từng thị trường xuất, nhập khẩu. Đó là giải pháp tích cực và hiệu quả để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro tỷ giá có thể xảy ra, khi giao thương quốc tế trong những tháng cuối năm nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp và khó lường.
Trong 7 tháng qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tiếp tăng lãi suất điều hành 4 lần và riêng 2 lần liên tiếp tháng 6 và tháng 7, mức tăng lãi suất là 0,75 điểm phần trăm, lớn nhất trong vòng 28 năm qua và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Đồng USD trên thị trường quốc tế tăng giá mạnh khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế bị mất giá mạnh, đồng thời cũng tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỉ giá và thị trường ngoại tệ.
Tỉ giá USD so với đồng Việt Nam không có xu hướng giảm như năm 2021. Thống kê tỷ giá bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm cho đến ngày 1/8 cho thấy, 1 USD = 23.400 VND, tăng 1,1% và ước làm tăng dư nợ Chính phủ bằng USD khoảng 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021. 1 EUR = 24.385 VND, giảm 9,5% và ước làm giảm dư nợ Chính phủ khoảng 17.000 tỷ đồng. 1 Yen Nhật = 180 VND, giảm 13% và ước làm giảm dư nợ Chính phủ khoảng 45.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng biến động tỷ giá của 3 loại đồng tiền chính là USD, Yen Nhật và EUR, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57.000 tỷ, tương đương giảm 2% so với dư nợ cuối 2021. Ngoài ra, hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90%, vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng năm. Không những vậy, các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo, nợ nước ngoài giảm dần. Từ đó, giúp làm giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.