Đưa giá thấp để cạnh tranh lẫn nhau
Giai đoạn 2019 – 2021, các FTA có hiệu lực đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng mạnh. Điển hình, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước trong hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) tăng khoảng 18% so với năm 2020. Trong khi đó, đối với hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam), kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2021 tăng 14,5% so với năm 2020. Ngoài giá trị kim ngạch xuất khẩu được tăng lên, năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng được nâng cao nhờ quá trình đầu tư, chuyển đổi công nghệ để đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn cao của các hiệp định như CPTPP, EVFTA…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước còn thiếu chủ động trong tìm hiểu các cơ hội và tìm cách tiếp cận thị trường cũng như vượt qua các rào cản mà các hiệp định FTA đưa ra.
Ông Phạm Đình Thưởng - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và tận dụng Hiệp định thương mại tự do KTPC cho rằng: Tiêu chuẩn để hàng hoá xuất khẩu vào thị trường khó tính như EU là cao nhưng không phải là quá khả năng của doanh nghiệp trong nước. Do vậy, ông Thưởng đề nghị các doanh nghiệp trong nước cần gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp nhập khẩu của EU nhiều hơn để tìm hiểu nhu cầu về chất lượng sản phẩm. Đồng thời cần nhìn nhận lại phương pháp, cách thức kinh doanh của mình cho chuyên nghiệp.
“Ngay cả khi chúng ta có thị trường thì vẫn còn những rào cản khi thâm nhập thị trường của họ. Đấy là các biện pháp phòng vệ thương mại. Cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt cạnh tranh lẫn nhau để đưa ra giá xuất khẩu thấp. Một mặt làm giảm giá trị xuất khẩu của từng doanh nghiệp, mặt khác cũng có nguy cơ tạo ra việc bán phá giá ở thị trường nước ngoài. Khi doanh nghiệp nước ngoài áp dụng thuế chống bán phá giá thì vô hình chung những ưu đãi thuế không còn tác dụng nữa” - ông Phạm Đình Thưởng nói.
Chế biến sâu để gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh
Để tận dụng được những lợi thế mà các FTA mang lại, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho rằng: Các doanh nghiệp phải luôn cập nhật những thông tin mới và hướng dẫn, đào tạo đội ngũ nhân viên tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để. Tiếp đến, các doanh nghiệp nên bám sát thông tin, hướng dẫn từ các cơ quan ban ngành để chủ động đáp ứng các thay đổi thương mại của quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các FTA. Ông Thông nhấn mạnh:
“Châu Âu bây giờ trong ngành thực phẩm cực kỳ quan trọng vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là phát triển bền vững. Thứ hai là phát triển chiều sâu chế biến sản xuất, đây là một cứu cánh đối với nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam. Phải chế biến sâu để đối phó với rất nhiều thứ, việc chế biến có thể làm chúng ta cạnh tranh hơn rất nhiều” - ông Phan Minh Thông nói.
Về phía cơ quan quản lý, ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước tập trung vào việc gia công. Việc này chưa tạo được giá trị cao cho hàng hoá và thương hiệu con người, doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp còn e ngại những thị trường lớn như châu Âu, Canada, Mexico…vì nhiều rào cản. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xác định lại “cuộc chơi”, đây là những thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường EU vì họ chấp nhận thanh toán sòng phẳng, ít biện pháp phòng vệ thương mại hơn các thị trường khác. Đặc biệt, giá trị thu lại được khi hàng hoá xuất sang các thị trường lớn rất cao, như vậy doanh nghiệp cần mạnh dạn hơn khi tiếp nhận những tiêu chuẩn của những thị trường này.
Theo ông Ngô Chung Khanh, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có nhiều đổi mới trong hỗ trợ các doanh nghiệp như: Đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn về các khoá tập huấn, hội thảo ngắn chuyên đề thiết thực với doanh nghiệp. Thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối.
“Quan trọng nhất là kết nối các nguồn lực ở cả Trung ương và địa phương, cũng như các hiệp hội để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Hiện nay chúng tôi đang cùng các bộ, ngành cập nhật, nâng cấp hệ thống cổng thông tin về FTA. Ở đó các doanh nghiệp có thông tin cần thiết như lao động, môi trường, các chính sách của nước nhập khẩu và hướng dẫn về quy tắc xuất xứ. Đây là việc quan trọng, giải quyết được lo ngại của doanh nghiệp về việc thiếu thông tin” - ông Ngô Chung Khanh nói.
Để sự hỗ trợ cho doanh nghiệp đi vào thực chất và nâng cao hiệu quả hơn, Bộ Công Thương định hướng sẽ phối hợp với các tỉnh thành xây dựng bộ đánh giá chỉ số kết quả thực thi FTA của địa phương. Đồng thời, kết nối các hiệp hội ngành hàng với nhau, mục đích để quy tụ về một mối, làm ăn theo cùng một tư duy cũng như hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau hiệu quả hơn.