Cấp bách giải pháp khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu

(ĐTTCO) - Tình trạng hết xăng hoặc dầu tại Hà Nội, TPHCM và một số địa phương lại xảy ra mấy ngày gần đây. Bên hành lang Quốc hội ngày 2-11, nhiều ĐB thể hiện bức xúc và cho biết sẽ chất vấn Thủ tướng về vấn đề này.

Người dân TPHCM xếp hàng chờ đổ xăng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người dân TPHCM xếp hàng chờ đổ xăng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH: Nghiên cứu giao Bộ Công thương là đầu mối quản lý thống nhất

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 2-11 về những vấn đề bất cập trên thị trường xăng dầu hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo vấn đề này theo đúng lĩnh vực được phân công. Đồng thời, giao các bộ ngành liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, theo hướng giao Bộ Công thương là đầu mối quản lý thống nhất.

ĐB PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp): Vì sao đại lý dừng bán xăng dầu?

Tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn xảy ra dù Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải trình trước Quốc hội, khẳng định triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Một số đại lý không nhập xăng dầu về vì sợ bán lỗ. Giá tăng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ phản ánh, chiết khấu vẫn rất thấp; một số đại lý phàn nàn việc kinh doanh xăng dầu lỗ… Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải rà soát, kiểm tra ngay việc tại sao vẫn để diễn ra tình trạng khan hiếm xăng dầu; phải nhìn đúng nguyên nhân, từ đó đề xuất với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp tối ưu, kịp thời nhất nhằm ổn định thị trường xăng dầu. Bộ trưởng Bộ Công thương đã hứa trước Quốc hội rồi thì cần phải sớm thực hiện lời hứa.

ĐB TRẦN VĂN LÂM (Bắc Giang): Phải đề xuất cho được biện pháp khắc phục

Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào rất quan trọng của nền kinh tế cũng như phục vụ đời sống nhân dân. Ngay cả khi nguồn cung thế giới có giá lên cao cũng không có hiện tượng bất thường như hiện nay. Hiện, giá dầu thế giới tương đối ổn định, nhưng thị trường trong nước lại xảy ra điều bất thường như vậy thì phải làm rõ căn nguyên, đằng sau chuyện này là gì? Đồng thời, cần có ngay giải pháp cấp bách và lâu dài. Bộ Công thương phải là cơ quan sớm làm rõ tình trạng này và đề xuất được biện pháp khắc phục.

ĐB HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội): Nguồn cung đứt gãy là do cơ chế quản lý

Nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý. Tại sao các nước không có tình trạng này trong khi chúng ta đã sản xuất được xăng dầu (2 nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần). Sự phối hợp quản lý giữa 2 cơ quan là Bộ Công thương về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính trong quản lý giá, chi phí là chưa tốt. Hai bộ phải sớm khắc phục.

Các tin khác