Nguyên nhân còn nhiều điểm nghẽn như visa, truyền thông, nhân lực, sản phẩm… cần được khơi thông mới mong kích hoạt dòng chảy khách quốc tế, cũng như phục hồi toàn diện ngành du lịch Việt Nam. Và trước mắt xem ra mục tiêu 5 triệu khách quốc tế của năm nay sẽ khó hoàn thành.
Chạm đâu vướng đó
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phải thẳng thắn thừa nhận, dù có những chính sách thu hút khách quốc tế đến Việt Nam cộng thêm nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế, nhưng tính đến hết tháng 7-2022 Việt Nam mới đón được 733.000 lượt khách quốc tế (gồm khách du lịch và các nhóm chuyên gia, lao động nước ngoài), chỉ đạt 15% kế hoạch năm và bằng 8% so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng dịch covid).
Cũng phải lưu ý, dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành. Do vậy phục hồi và phát triển khách quốc tế ở Việt Nam là yêu cầu cấp bách.
Nhưng để thực hiện được yêu cầu cấp bách này việc đầu tiên có lẽ phải nhìn vào các điểm nghẽn làm cản đường khách quốc tế đến Việt Nam, và một trong số đó là chính sách thị thực. Chẳng hạn cần khôi phục chính sách miễn thị thực như trước dịch, tăng thời hạn lưu trú dài hơn và đặc biệt cần tạo điều kiện cho khách quyết định đi du lịch vào giờ chót.
Hiện nay thời gian miễn thị thực của Việt Nam là 15 ngày đang được đánh giá là quá lỗi thời. Nếu không thể tăng lên mức 60 ngày như Malaysia hay 90 ngày như Thái Lan, số ngày có thể tạm chấp nhận cũng phải 30. Thời gian thì ít ỏi, trong khi việc xin thị thực cho khách cũng đầy gian nan.
Bà Cao Tuyết Lan, Giám đốc kinh doanh lữ hành Viettours đã minh chứng: “Chúng tôi muốn làm visa cho đối tác nước ngoài sang họp mà phải lên đăng ký lấy số thứ tự trên Cục Xuất nhập cảnh, rồi chờ một tuần sau mới được lên nộp hồ sơ. Đó là khách hàng doanh nhân, có chức vụ rõ ràng, còn khách thông thường sẽ còn khó khăn đến mức nào. Vậy thử hỏi khách có muốn đến Việt Nam?".
Cùng với thị thực, nhân lực cho ngành du lịch nhất là nhân lực ở các cơ sở lưu trú du lịch, đang trở thành bài toán khó chưa từng có với các doanh nghiệp (DN). Thiếu nhân sự nhất là nhân sự có chất lượng thì du lịch không thể phát triển được, nhưng tìm đâu ra người thì không dễ trả lời. Chính vì vậy sau dịch lực lượng làm bán thời gian, thiếu kinh nghiệm đang trở thành lực lượng chính ở nhiều khách sạn, kể cả các khách sạn cao cấp vì phần đông nhân sự nghỉ việc đều không muốn quay trở lại. Một cuộc đấu tranh giành giựt nhân sự, thậm chí đi “cướp” lẫn nhau là thực tế không tránh khỏi hiện nay.
Theo số liệu thống kê có trên 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước trở lại hoạt động bình thường, với hơn 34.000 cơ sở và 700.000 buồng phòng, nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 300.000 người, trong đó nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ.
Thị thực còn nghẽn, nhân sự thiếu hụt cả số lượng lẫn chất lượng, lại thêm các sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện vẫn chưa có nhiều thay đổi nhằm thích ứng với những xu hướng mới sau dịch của du khách. Chưa hết việc quảng bá truyền thông cũng chưa được như kỳ vọng.
Các DN đều cho rằng cần xây dựng chiến lược truyền thông mạnh mẽ mang tầm quốc gia, giới thiệu về điểm đến Việt Nam an toàn để thu hút du khách.
Phải thay đổi chiến lược
Về câu chuyện thị thực, sau khi lắng nghe những tâm tư và đề xuất của các DN, hiệp hội, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết về đề xuất chính sách thị thực thông thoáng, thuận tiện hơn, vừa qua các bộ liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao... cũng có cuộc họp do Thủ tướng chủ trì để tìm cách tháo gỡ các vướng mắc nhập cảnh cho khách quốc tế.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, việc này chắc chắn sẽ được khơi thông. Nhưng khi mở cửa thì DN phải sẵn sàng, từ nguồn nhân lực đến hạ tầng du lịch, có chất lượng sản phẩm tốt hơn... Nếu không bạn bè đến một lần rồi đi”.
Trước bối cảnh các thị trường chính của Việt Nam chưa thể sớm hồi phục, vậy DN phải làm như thế nào? Một gợi ý đã được đưa ra là các DN lữ hành cần quan tâm hơn đến thị trường ngách, thay vì chỉ quan tâm đến thị trường truyền thống trước đây và chịu sự cạnh tranh gay gắt. Một số thị trường ngách mà DN có thể lưu tâm như Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Đông hoặc Nam Mỹ.
Không ít DN cũng đồng tình với gợi ý này và cho rằng, nên có sản phẩm riêng vì lợi nhuận từ các thị trường ngách không hề nhỏ.
Lấy thí dụ thị trường Ấn Độ đang được đánh giá là tiềm năng với du lịch Việt Nam, thế nhưng để thu hút thì chúng ta cần có những sản phẩm du lịch liên quan đến những thói quen, văn hóa của họ, đơn cử như văn hoá ẩm thực đặc trưng Halal food. Có như vậy mới có thể kéo nhiều khách Ấn đến Việt Nam.
Nhưng muốn làm được cần sự liên kết ngay từ bây giờ giữa DN với DN và DN với địa phương, chứ không phải đến khi có khách các bên lại đi tìm kiếm nhau.
Cùng với việc chuyển hướng thị trường thì thay đổi cách tiếp thị hình ảnh, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam cũng quan trọng không kém. Theo đó bên cạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá truyền thống Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh trên nền tảng số, vì theo thống kê chưa đầy đủ có tới 70% khách hàng tìm kiếm thông tin trên nền tảng số trước khi đi du lịch.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, khách quốc tế đang chê Bali cũ kỹ, nhưng họ không thể tìm điểm đến nào mới hơn thay thế. Trong khi nhiều sản phẩm du lịch của Việt Nam đang làm rất tốt, nhưng làm sao để những thông tin này đến với du khách. Do vậy chúng ta phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho ngành du lịch và thực hiện chuyển đổi số cho toàn ngành.
Năm 2019 chúng ta đã đón một lượng khách quốc tế lớn nên nhiều hạn chế bị bỏ qua, thế nhưng sau dịch quá nhiều vấn đề lộ diện buộc chúng ta phải từng bước giải quyết, nếu không việc bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua đón khách quốc tế với các nước trong khu vực là khó tránh khỏi. |