Điều này khiến DN với đặc thù vốn mỏng, thường vay gấp 3-4 lần, thậm chí 7-8 lần vốn chủ sở hữu, đã nhanh chóng rơi vào cảnh lao đao và khó phục hồi.
Chính phủ đã sớm vào cuộc để hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Trong loạt giải pháp đã triển khai thời gian qua, chỉ có chính sách tiền tệ bao gồm việc giảm lãi suất điều hành của NHNN và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, là nổi bật và sát sao nhất với nhu cầu thực.
Với chính sách tài khóa chưa vào cuộc mạnh mẽ, khiến chính sách tiền tệ chưa đủ sức vực dậy DN, vì liều lượng của nó có giới hạn trong khi còn đảm bảo an toàn cho hệ thống NH.
Nhưng tin vui cho cộng đồng DN. Tại phiên họp thứ 3 giữa tháng 9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét khả năng thực hiện cấp bù lãi suất cho NH để giảm lãi suất cho vay, nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN.
Theo đó, đại diện NHNN cho biết sẽ có gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng, sẽ được bơm ra nền kinh tế để hỗ trợ DN với lãi suất 3-4%/năm.
Niềm vui chưa lâu thì nỗi buồn đã đến khi tại họp báo định kỳ quý III-2021 mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, nói gói cấp bù lãi suất rất cần thiết đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhưng cần tính toán kỹ phương thức triển khai.
Thật ra “chậm” là tốc độ chung của chính sách hỗ trợ DN lâu nay. Chẳng hạn theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10.
Song theo NHNN cần làm rõ các đối tượng thụ hưởng, cách thức, liều lượng hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả thực chất, trong đó có việc nghiêm túc rút kinh nghiệm những điểm chưa thành công của gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 1 tỷ USD) từ năm 2009, để triển khai gói hỗ trợ mới hiệu quả hơn, tránh để lại hậu quả trong tương lai.
NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính… bàn phương thức triển khai gói cấp bù lãi suất để hỗ trợ DN cũng như cho nền kinh tế.
Tín hiệu từ chính sách tài khóa kỳ vọng mang lại làn gió mới, nhưng lại phải chờ các bộ, ngành thống nhất. Có thể hiểu việc các bộ, ngành cân nhắc phương thức triển khai gói cấp bù lãi suất vì kinh nghiệm triển khai trước đây cho thấy quá trình giải ngân xảy ra không ít phức tạp và bất cập, tiềm ẩn các rủi ro cho hệ thống.
Thời điểm đó, nhiều DN không khó khăn đã “chạy quan hệ” để được hỗ trợ mạnh tay, thậm chí có DN vay được lãi thấp đem gửi ngược vào NH với lãi suất cao hơn, trong khi DN khó khăn không tiếp cận được vốn.
Hơn nữa, gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 đã triển khai hơn 10 năm, nguồn tiền lấy từ Quỹ dự trữ ngoại hối, nhưng đến nay các NH vẫn chưa được quyết toán hết.
Nhưng xem xét kỹ, trong các “kinh nghiệm” đó lỗi chính yếu không đến từ DN. Trong điều kiện bình thường DN có thể chờ đợi, nhưng hiện tại DN đang rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng, cạn kiệt dòng tiền, cần kíp được khoanh nợ, giảm mạnh lãi suất, cấp tín dụng mới để phục hồi.
Trong khi đó, dù các bộ ngành ủng hộ gói cấp bù lãi suất, nhưng lại nhấn mạnh để triển khai phải có cơ chế, khi có cơ chế cũng phải tính toán, kiểm soát, kiểm tra rủi ro khi cho vay. Có nghĩa, khi có cơ chế phải chờ các bộ ngành ngồi lại với nhau để thống nhất.