Nhận định về xu hướng đầu tư nước ngoài sụt giảm, GS.TSKH NGUYỄN MẠI, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, cho rằng không nên chỉ nhìn vào vốn đăng ký đầu tư giảm, vấn đề đáng lo ngại nhất của đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm là quy mô vốn đăng ký trung bình 1 dự án quá nhỏ.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quý nhiều địa phương cấp phép các dự án đầu tư FDI có quy mô vốn quá nhỏ, khoảng 1-3 triệu USD, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
GS.TSKH NGUYỄN MẠI: - Đầu tư FDI là dài hạn, thống kê lượng vốn đầu tư theo năm là vừa phải. Vì biết đâu “vài ba bữa nữa” có nhà đầu tư FDI nào đó rót hàng tỷ USD vào 1 dự án sẽ làm thay đổi hoàn toàn số liệu thống kê. Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có những nhà đầu tư FDI nhảy vào lĩnh vực nhiệt điện, vốn đăng ký lớn, khi đó tổng vốn đăng ký sẽ tăng mạnh.
Điều đáng lo nhất trong 3 tháng đầu năm nay không phải vốn thực hiện hay vốn đăng ký mới giảm, hoặc lượng vốn FDI đổ vào các thương vụ M&A thấp, mà là danh mục 618 dự án đầu tư mới vừa được cấp chứng nhận đầu tư chỉ đạt tổng vốn đăng ký 2,12 tỷ USD. Trung bình, quy mô vốn đăng ký của mỗi dự án chỉ hơn 3 triệu USD.
Số liệu đầu tư FDI từ năm 2014 đến nay ghi nhận vốn đăng ký quý I các năm có xu hướng giảm mạnh. Theo đó, năm 2014 vốn đăng ký bình quân 1 dự án FDI khoảng 10,3 triệu USD, đến 2018 còn khoảng 3 triệu USD, tương đương 30% năm 2014. Vốn đăng ký như vậy cho thấy từ đầu năm đến nay các địa phương cấp phép phần lớn là dự án quy mô nhỏ. Thậm chí nhiều dự án FDI đầu tư vào Hà Nội và TPHCM cũng có quy mô vốn 1-2 triệu USD.
Việc cấp phép dự án FDI đầu tư vào sản xuất quy mô vốn quá nhỏ sẽ dẫn tới hệ quả các DN FDI cạnh tranh trực tiếp với DNNVV trong nước. Cấp phép như vậy không đúng với định hướng, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. |
- Những dự án FDI vốn nhỏ vào dịch vụ hiện đại Việt Nam đang cần cũng tốt. Nhưng nếu các dự án FDI quy mô vốn 1-2 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, cần bàn bạc, xem lại. Việt Nam hiện có khoảng 600.000 DN, trong đó số chủ DN có vốn 5-10 triệu USD để làm dự án khoảng 3 triệu USD khá nhiều.
Vì thế, nếu chọn dự án FDI vào sản xuất, hoặc vào lĩnh vực dịch vụ DN trong nước có thể làm được, có quy mô vốn nhỏ khoảng 3 triệu USD là không đúng định hướng thu hút đầu tư FDI. Một trong những mục tiêu của Chính phủ hiện nay là ưu tiên phát triển khu vực DNNVV trong nước, nên phải để cho họ có đất dụng võ.
Có ý kiến cho rằng hội nhập Việt Nam đã tham gia WTO nên không thể ngăn nhà đầu tư FDI vào đầu tư. Hiểu như vậy là không đủ về WTO. Mọi quốc gia tham gia WTO đều có các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, NT (đối xử quốc gia), nghĩa là có rào cản kỹ thuật để bảo đảm lợi ích cho nước nhận đầu tư. Khi các quốc gia không muốn nhận dự án đầu tư trong lĩnh vực nào đó sẽ ban hành các hàng rào kỹ thuật phù hợp. Các hàng rào kỹ thuật này đều có thể vận dụng với WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, kể cả khi thuế suất bằng 0%.
- Ông bình luận thế nào về việc vốn đăng ký đầu tư quý I quá nhỏ?
- Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc phân cấp cấp phép đầu tư quá mạnh trong thời gian qua cho các địa phương, nhưng lại thiếu sự giám sát chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, lật ngược lại, tôi cho rằng số liệu được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa công bố về khu vực FDI, đã không phản ánh đầy đủ hiệu quả hoạt động khu vực này. Họ điều tra khoảng hơn 1.000 DN FDI, và kết luận doanh số mỗi DN FDI 2-3 triệu USD, sau đó kết luận hiệu quả hoạt động của khu vực FDI là không đại diện cho cộng đồng hơn 22.000 DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Doanh số 1 DN FDI nếu khoảng 2 triệu USD, tức cũng chỉ bằng 1 DNNVV của Việt Nam.
Rõ ràng kết quả này không khách quan, không đại diện, vì DN FDI có rất nhiều quy mô vốn đầu tư khác nhau như 5-10 triệu USD, 50 triệu USD, 500 triệu USD, thậm chí cả tỷ USD. Hiện 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút đầu tư FDI cũng dẫn đầu về thu ngân sách, về phát triển công nghiệp tại các địa phương.
- Vừa qua liên danh Technostar Management (Anh) và Telloil (Nga) đã rút khỏi dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên). Theo ông điều này có tác động gì đến việc thu hút đầu tư FDI thời gian tới?
- Nhà đầu tư rút khỏi dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô là phù hợp. Việt Nam đang đối mặt với thách thức rất lớn là tăng trưởng xanh. Vốn FDI cần phải hướng đầu tư vào những ngành ít carbon để lượng khí thải không tăng lên nhanh chóng. Giai đoạn 2010-2017, lượng phát thải carbon của Việt Nam đang tăng nhanh, năm 2017 cao gấp 2 lần năm 2010.
Năm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ khai thác khoảng 10 triệu tấn dầu thô (do trữ lượng không lớn), nên như vậy rất khó để Việt Nam phát triển nhiều dự án lọc hóa dầu. Việt Nam chỉ cần phát triển ngành lọc hóa dầu đủ lượng dầu khai thác được, cộng thêm 25-30% dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông là phù hợp.
Theo đó, chỉ nên phát triển các dự án lọc hóa dầu đạt tổng công suất khoảng 20-25 triệu tấn dầu thô/năm, vừa đủ cung cấp nhu cầu tiêu thụ trong nước. Hiện ta đã có Lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất khoảng 10 triệu tấn dầu thô/năm, Lọc hóa dầu Dung Quất công suất khoảng 6,5 triệu tấn/năm, Lọc hóa dầu Miền Nam công suất khoảng 2,7 triệu tấn/năm nên cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Theo tính toán của các nhà kinh tế, dự án lọc hóa dầu công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm cần khoảng 1.000ha đất xây dựng. Nếu nhập dầu thô về lọc dầu tinh, giá trị gia tăng dự án chỉ khoảng 10%, sử dụng khoảng 3.000-4.000 lao động. Như vậy, đất mất nhiều nhưng lao động không giải quyết được bao nhiêu, trong khi nguy cơ ô nhiễm lớn.
Có thể so sánh 1 dự án đầu tư của Samsung tại Bắc Ninh, sử dụng khoảng 100ha, tạo việc làm cho 43.000 lao động, để thấy các dự án FDI đầu tư vào lọc hóa dầu không thực sự tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nên giảm là cần thiết.
- Xin cảm ơn ông.