Nguồn vốn này cũng đã mang lại những lợi ích cho đất nước về tăng trưởng, xuất khẩu và việc làm. Tuy nhiên, đằng sau mặt tích cực vẫn tồn tại nhiều khoảng tối trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút FDI hiện nay. Vấn đề cấp bách đặt ra trong thời gian tới là thu hút đầu tư với mục tiêu nào, có đóng góp vào nền kinh tế nước ta thật sự hiệu quả.
Thực hư lỗ-lãi
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 nhận định, năm 2017 đầu tư FDI tiếp tục phục hồi, dù chậm nhưng chắc chắn, sau đợt suy giảm năm 2012-2013. Các doanh nghiệp (DN) FDI đã tăng cường nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu bình quân đạt 2,43 triệu USD, cao gấp 3 lần so với các năm trước.
Tuy nhiên, sự gia tăng này đi kèm với chi phí kinh doanh cũng tăng cao, tới 2,02 triệu USD, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời. Tỷ lệ DN báo lãi giảm xuống còn 54,3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua, trong khi có đến 37,9% DN báo lỗ - cũng là một con số kỷ lục mới.
“Chưa rõ liệu những con số này chỉ là sự suy giảm tạm thời hay là xu hướng dài hạn hơn. Một lý giải cho điều này có thể các DN FDI đang trong giai đoạn mở rộng, đòi hỏi đầu tư nhiều vốn và lao động, do vậy họ tạm thời bỏ qua mục tiêu lợi nhuận trước mắt và kỳ vọng vào tăng trưởng trong tương lai” - báo cáo nhận định.
Hiện nay nhiều DN FDI lỗ một phần do chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn. Thế nhưng, dù liên tục báo lỗ nhưng doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trước thực tế này, dự thảo sửa đổi các luật thuế đang được Bộ Tài chính hoàn thiện đã quy định, nếu chi phí trả tiền lãi vay vượt quá 20% của thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao sẽ không được khấu trừ thuế. PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Năm trước đó, Báo cáo PCI 2016 cũng cho biết 11% DN FDI đã tăng đầu tư hoạt động và 63% tuyển thêm lao động mới. Kết quả trên tương đương số liệu điều tra năm 2015 và cải thiện lớn so với giai đoạn đầu tư ảm đạm năm 2012-2013. Doanh thu của DN FDI thấp hơn so với các giai đoạn trước đó, song tổng chi phí kinh doanh giảm. Kết quả, 59% DN FDI hoạt động kinh doanh có lãi, mức cao
nhất kể từ năm 2013.
Một báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, năm 2016 các DN FDI tạo ra 327.400 tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN), tăng bình quân 17,3%/năm, cao hơn DN tư nhân (188.100 tỷ đồng) và 197.400 tỷ đồng của DN nhà nước.
Tuy nhiên, nghịch lý là các DN FDI lại có tỷ lệ đóng góp ít nhất vào ngân sách: chỉ 250.900 so với 434.700 tỷ đồng của khu vực tư nhân và 277.300 tỷ đồng của khối DN nhà nước. Lý do, các DN FDI sản xuất công nghệ cao có chính sách rất ưu đãi về thuế, như miễn thuế thu nhập DN hoàn toàn trong 4 năm đầu tiên, 3 năm sau nộp thuế 10% và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo...
Số liệu khác từ Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đã cắt giảm nhiều loại thuế và chỉ ra một số nguy cơ thất thu thuế hiện nay. Một trong các nguy cơ là thuế xuất nhập khẩu từ DN FDI. Trong tổng số các loại thuế tuyệt đối, khu vực này nộp năm 2017 trên 37.000 tỷ đồng, trong khi thuế được miễn giảm đã xấp xỉ 35.000 tỷ đồng. Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thực tế này cho thấy nguy cơ chuyển giá từ ưu đãi theo chu kỳ thuế rất lớn.
Hàng chục máy móc thiết bị rầm rộ động thổ dự án Lọc dầu Vũng Rô vào năm 2014 đến nay đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Vốn ảo, "vẽ voi"
2017 được coi là một năm thành công rực rỡ trong thu hút FDI và triển vọng năm 2018 cũng được coi rất tốt. Quý I dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 5,8 tỷ USD, trong đó ước tính đã giải ngân được 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2017. Thế nhưng, bức tranh sáng màu này vẫn có những khoảng tối nhất định.
Thí dụ mới nhất là việc dự án Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên), vốn đầu tư 3,2 tỷ USD vừa bị thu hồi giấy phép đầu tư. Được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008, với quy mô ban đầu 1,7 tỷ USD, sau đó được nâng lên 3,2 tỷ USD, dự án Lọc dầu Vũng Rô đã trải qua thời gian dài chuẩn bị, đình trệ, xin gia hạn triển khai, chính thức động thổ để rồi lại tiếp tục… giậm chân tại chỗ. Sau nhiều lần thúc giục và cảnh báo, UBND tỉnh Phú Yên buộc lòng phải thu hồi giấy chứng nhận của dự án từng được kỳ vọng rất lớn này.
Nhìn tổng thể đầu tư FDI vẫn là động lực tăng trưởng tốt nhất trong gần 30 năm phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Vì thế, cần tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút nhiều hơn vốn FDI. Tuy nhiên cần hết sức quan tâm đến khâu quản lý sau cấp phép, để kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận các dự án không khả thi, dành cơ hội cho các nhà đầu tư khác. TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng CIEM |
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI, đã đặt ra yêu cầu rà soát lại các dự án FDI quy mô lớn chậm triển khai. Bởi lẽ, Phú Yên không phải địa phương duy nhất trong cả nước phải gánh chịu hậu quả vì các dự án tỷ USD “hữu danh vô thực”. Được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM cũng đang ôm không ít dự án khủng đắp chiếu.
Đăng ký quy mô vốn còn lớn hơn cả dự án Lọc dầu Vũng Rô, đó là dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam của Tập đoàn Berjaya (Malaysia) ở TPHCM, với số vốn đăng ký lên tới 3,5 tỷ USD nhưng 10 năm nay nằm trong tình trạng án binh bất động. Cuối năm ngoái, đại diện Berjaya trấn an báo giới bằng thông tin đầu năm 2018 sẽ khởi động lại dự án, nhưng đến nay đã hết quý I dự án vẫn chưa động tĩnh.
Một siêu dự án khác là Saigon Peninsula tại phường Phú Thuận (quận 7, TPHCM) có quy mô lên đến 118ha và tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD, sau khi khởi công đến nay vẫn là… bãi đất trống. Kế bên TPHCM, dự án Happy Land (Bến Lức, Long An) với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD cũng sa lầy nhiều năm nay. Bà Rịa - Vũng Tàu có dự án Saigon Atlantic 4,1 tỷ USD ngổn ngang hoang phế cả chục năm nay. Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) có dự án Nhà máy thép Guang Lian (Đài Loan) vốn 2 tỷ USD, sau 10 năm nằm im đã bị rút giấy phép. Nghệ An cũng đóng góp vào danh sách này dự án thép Kobelco 1 tỷ USD…
Theo thống kê chưa thật đầy đủ của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), suốt 30 năm qua, trong số gần 319 tỷ USD vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam, con số thực hiện đạt khoảng 160 tỷ USD, nghĩa là vẫn còn tới trên 150 tỷ USD nằm trên giấy. Đành rằng số vốn đăng ký bao giờ cũng lớn hơn số vốn thực hiện, nhưng tỷ lệ vốn “trên giấy” này được coi là rất lớn, cần xem xét thấu đáo nguyên do. Theo đó, để đảm bảo tính sát thực cho các cân đối vĩ mô, cần dứt khoát loại bỏ ít nhất 1/2 số tiền đang treo này ra khỏi bài toán kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những lý do khách quan (như tập đoàn mẹ chịu ảnh hưởng khủng hoảng, làm ăn thua lỗ nên không thể bố trí vốn thực hiện dự án như kế hoạch ban đầu), nhiều siêu dự án khiến người ta thất vọng. Đó là những dự án “vẽ voi” với mục đích ôm đất, xí phần để chờ thời bán lại. Và sau nhiều năm không tìm được nhà đầu tư khác để chuyển nhượng, nhà đầu tư (trong trường hợp này chính là những kẻ đầu cơ) lặng lẽ rút lui. Nhưng tại sao lại là dự án có quy mô lớn đến vậy?
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng DN có xu hướng thổi phồng khoản vốn đầu tư, vì sẽ được ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh hơn và được hưởng nhiều ưu đãi, trong đó có việc được bố trí diện tích đất lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Phần đất đai dôi dư sẽ trở thành một thứ của để dành.
Thay đổi chiến lược thu hút FDI
Thay đổi chiến lược thu hút FDI
Thực tế, đã có trường hợp 1 công ty thép của Việt Nam có dự án với công suất tương đương dự án của công ty ngoại, đầu tư trong cùng khu vực, nhưng vốn đăng ký của công ty Việt Nam chỉ 300 triệu USD, còn vốn của DN ngoại đăng ký lên tới trên 1 tỷ USD.
Trong khi đó, công ty Việt Nam sử dụng thiết bị nhập khẩu từ Đức và Italia, còn công ty ngoại sử dụng thiết bị nhập khẩu từ Đài Loan. Kết quả, trong khi công ty nội chật vật xin đất để xây dựng nhà máy, thì với 1 tỷ USD vốn đăng ký, nhà đầu tư ngoại được cấp đất rộng hơn DN Việt Nam rất nhiều, đồng thời được mở cảng riêng với nhiều ưu đãi khác.
Chính vì thế, thay đổi chiến lược thu hút FDI để hạn chế dự án ảo nói riêng, cũng như những tiêu cực trong quá trình thu hút dòng vốn này nói chung là đề xuất đã được nhiều nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đề cập. Việt Nam không lo ngại thiếu vốn đầu tư, cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư FDI. Năm 2017, vốn FDI thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư xã hội. “Như thế là tỷ lệ hợp lý, vì cũng cần dành dư địa cho DN trong nước. Điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng dòng vốn FDI” - TS. Nguyễn Minh Phong cho biết.
Cùng quan điểm, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng đã đến lúc phải xem lại chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án; đồng thời tăng cường năng lực thẩm định “nhân thân” của nhà đầu tư. Việc thực hiện nghiêm các quy định về ký quỹ đầu tư cũng được ông Thắng nhấn mạnh như một phép thử để khẳng định quyết tâm kinh doanh và phần nào bù đắp chi phí cơ hội bị lãng phí khi dự án chậm trễ tiến độ.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất đánh thuế đất lũy tiến, như sau 2 năm nhà đầu tư không triển khai dự án thuế tăng vọt lên gấp 2-3 lần. Bên cạnh đó, trong chiến lược thu hút FDI cũng phải thay đổi, chú trọng chất lượng thay vì số lượng, kiên quyết từ chối các dự án FDI quy mô lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro. Muốn vậy, cần phải nâng tầm công tác xem xét, thẩm định đầu tư.