Thu phí không dừng được đánh giá là hoạt động thu phí văn minh, tiện ích, giúp giảm thời gian lưu thông, tránh ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và tránh lãng phí nguồn lực. Thế nhưng, sau gần 5 năm triển khai, với nhiều lần dời mốc tiến độ, ngày 4/4/2022 vừa qua, Bộ GTVT có Văn bản 3232/BGTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giải trình rõ sự chậm trễ này. Đồng thời, cam kết tháo gỡ những “điểm nghẽn” cuối cùng để thực hiện thu phí điện tử không dừng, trước thí điểm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1/6 tới và trên toàn quốc trong năm nay.
Vậy các bên liên quan tập trung thực hiện như thế nào để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chủ trương này? Thực trạng hiện nay đang ra sao? cũng như nguyên nhân và các giải pháp được đề xuất từ “người trong cuộc” để đề án thu phí tự động không dừng hoàn thành, mang lại hoạt động thu phí thông suốt, văn minh trên các tuyến cao tốc của Việt Nam.
Những làn xe ken đặc, "cắn" đuôi nhau kéo dài đến bất tận; những gương mặt mệt mỏi, chán chường sau tay lái. Khói bụi, tiếng ồn… sự quá tải đẩy lên đỉnh điểm khi dòng người/ xe “chết cứng”, tê liệt trước các trạm thu phí trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua.
Dẫu đã lường hết các tình huống, căn giờ thấp điểm và hơn cả là sắm ngay tấm thẻ thu phí không dừng ETC để chuyến về quê Thanh Hóa được mau lẹ nhưng anh Dương Hoàng Hải hoàn toàn vỡ mộng khi phải liên tục “chôn chân” tại chính các trạm thu phí không dừng. Hết nút giao thông Pháp Vân- Cầu Giẽ rồi lại đến Cao Bồ, Ninh Bình
“Thu phí không dừng, các xe luân chuyển nhanh sẽ không gây ùn tắc xe đằng sau. Thuận tiện là người lái xe không phải dừng lại và cứ như thế và thuận lợi tránh gây ùn tắc cục bộ phía sau nữa, giải thoát lưu lượng xe rất nhanh và đi. Theo tôi, nếu mà không lắp đặt thêm các làn thu phí không dừng thì lưu lượng xe sau bị dồn lên dẫn đến ùn tắc, chậm tiến độ giao thông và giờ giấc của người dân, thậm chí là nguy hiểm cho họ”, anh Hải nói.
Trước đó, đại diện đơn vị quản lý tuyến đường này cho biết đã sẵn sàng các phương án chống ùn tắc trước đầu vào ra trạm thu phí. Tuy nhiên, trên thực tế đỉnh điểm sáng 30/04 vừa qua, lưu lượng xe tăng lên gần 120% so với ngày thường, gây ùn tắc kéo dài hơn 10km ở cuối tuyến nên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải xả trạm ra Cao Bồ gần 1 giờ đồng hồ.
Ghi nhận của phóng viên tại đây, dù là tuyến đường mới đưa vào khai thác, số lượng phương tiện đi hết tuyến cao tốc rất lớn, nhưng nhà đầu tư chỉ lắp đặt 01 làn thu phí không dừng ETC là rất bất cập. Dù số lượng xe ô tô dán thẻ ETC đã tăng nhanh trong thời gian qua nhưng tại đây vẫn có tới trên 5 làn thu phí tiền mặt nhưng lại chỉ có 1 làn ETC. Lần đầu tiên xảy ra ùn tắc và phải xả trạm Cao Bồ là tình huống bất ngờ cho đơn vị đầu tư tuyến cao tốc này.
Nhiều năm qua, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, tình trạng ùn tắc trên tuyến cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ luôn là nỗi lo thường trực của các lực lượng chức năng và người dân. Nguyên nhân một phần do tỷ lệ thu phí không dừng vẫn còn thấp, mới chỉ đạt gần tới 50%...
Trả lời vì sao chưa lắp đặt thêm các làn ETC, ông Phạm Văn Loan, Giám đốc trung tâm điều hành Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, ở tất cả các trạm đơn vị quản lý đều tích hợp tất cả các hệ thống thu phí tự động nhưng thực tế trên hiện trạng đối với các phương tiện dán thẻ VETC cũng chưa đạt đến ngưỡng để tích hợp toàn bộ thu tự động này. Vì thế, còn nhiều xe đang chạy mức độ mở thẻ phí trực tiếp hay cũng không thể vận hành toàn bộ xe khi các xe không dán thẻ.
Tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí trên đường cao tốc do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam(VEC) đang vận hành diễn ra rất phổ biến. VEC chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ lắp đặt trạm thu phí không dừng, ông Ngô Huy Thuần, Giám đốc Trung tâm điều hành đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai, cho biết: “Khó khăn chung của VEC là xin nguồn vốn đầu tư dự án này rất lớn. Thủ tục đấu thầu cũng đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong quý này, nhưng nguồn vốn đầu tư cho tuyến này rất lớn nên việc xin nguồn vốn từ Chính phủ hiện khó khăn nên chưa triển khai được”.
Nguyên nhân thiếu vốn lắp làn thu phí chưa kịp giải quyết, thì thu phí không đủ hoàn vốn dự án cũng là một thực trạng khiến một số trạm thu phí tại các địa phương không thể triển khai ETC. Trạm thu phí Quang Đức (BOT Quang Đức), đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắk, là một ví dụ.
“Đi qua các trạm thu phí thì trạm nào họ cũng có làn thu tự động (ETC) để mình tranh thủ thời gian bỏ hàng, riêng trạm Quang Đức – Buôn Hồ thì chưa có làn thu kiểu này. Nhiều lúc xe chạy đến barie cứ nghĩ có làn tự động trừ tiền để qua trạm nhưng lại không có, nên rất nguy hiểm”, một người dân chia sẻ.
“Xe của tôi đã được bên Viettel dán thẻ epass tự động thu phí lên kính lái. Mỗi lần qua các trạm thu phí, việc thanh toán trả rất nhanh, thuận tiện. Nhưng không hiểu sao Trạm BOT Quang Đức lại không có làn thu tự động để xe đi qua, việc này đôi khi gây tốn thời gian, nhất là tình hình dịch bệnh đông đúc”, một lái xe cho hay.
Trao đổi với phóng viên, ông Thái Hồng Sơn – Trưởng Trạm thu phí BOT Quang Đức thông tin cả đại diện Trạm BOT Quang Đức và Công ty (VDTC) đã có nhiều buổi làm việc để triển khai lắp đặt hệ thống làn thu tự động từ giữa năm 2021. Tuy nhiên đến thời điểm này, dù đã quá thời hạn (31/3/2022), nhưng việc lặp đặt vẫn chỉ nằm trên giấy.
“Giữa công ty và bên (VDTC) đã có các buổi thỏa thuận đồng ý thống nhất phương án rồi, nhưng đến giờ này họ lại chưa xuống triển khai. Tôi nghĩ, do hiện tại xe đi đường tránh đông quá nên lưu lượng xe qua trạm ít khiến nguồn thu giảm và họ sợ triển khai thu không đủ chi phí, khó thu hồi vốn nên đến giờ này dù đã quá hạn nhưng họ không triển khai lắp đặt”, ông Sơn nêu ý kiến.
Chính phủ liên tục ban hành “tối hậu thư” yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng và vận hành đường cao tốc phải lắp đặt trạm thu phí không dừng và nhấn mạnh đến ngày 31/12/2020 mà chưa vận hành trạm thu phí tự động thì Bộ Giao thông Vận tải quyết định dừng hoạt động thu phí theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng vẫn còn một số trạm chưa triển khai việc lắp đặt cũng như vận hành phương thức thu phí được đánh giá thông minh, tiện ích này.
Trước tình trạng tiến độ lắp đặt thu phí không dừng cứ ì ạch, giậm chân tại chỗ, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý. Từ tháng 6 tới, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thí điểm thu phí tự động không dừng (ETC) trên toàn bộ 32 làn/62 làn thu phí.
“Chúng tôi tính toán lắp số làn sao hiệu quả. Hiện tại, chúng tôi lắp 50% làn thu phí tự động. Tiến độ ra sao, tỷ lệ như thế nào tùy thuộc vào số lượng người tham gia giao thông sử dụng dịch vụ”, bà Bùi Thị Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Khai thác dịch vụ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khẳng định.
Giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Những tuyến đường dẫu được đầu tư hiện đại đến đâu nhưng việc chậm trễ trong triển khai các trạm/làm thu phí không dừng như những “điểm nghẽn”, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và đất nước. Và đến khi nào người tham gia giao thông không còn bức xúc, sốt ruột bởi tiến độ của các trạm thu phí không dừng?