Để cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh. Trong các năm 2017-2019, Chính phủ đã ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo về nội dung cải cách đồng thời báo cáo của các bộ cũng cho biết đã hoàn thành chỉ tiêu nói trên. Theo đó, những quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dễ tạo sự tùy ý trong thực thi… đã được cắt bỏ. Ngoài ra, một số điều kiện kinh doanh cũng được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, báo cáo từ các hoạt động rà soát độc lập của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh trong thời gian qua thực chất chỉ đạt khoảng 30%.
Chủ yếu là đơn giản hóa mà ít cắt bỏ
Làm rõ hơn về điều này, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban - Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – CIEM, cho biết mức độ cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh đang chủ yếu dưới hình thức đơn giản hóa mà ít cắt bỏ, như việc chỉ giảm yêu cầu về số lượng nhân sự, về quy mô diện tích cơ sở vật chất…
Dẫn chứng cụ thể, bà Thảo chỉ ra điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với tổ chức huấn luyện, chỉ giảm số người huấn luyện cơ hữu, huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành từ 5 xuống còn 4.
Hay, điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chỉ định ít nhất 2 nhân viên được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường xuống còn 1 người.
Hoặc, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu diện tích phòng học lý thuyết, xưởng thực hành… bảo đảm bình quân từ 5,5 m2-7,5 m2/chỗ học xuống còn 5,5 m2/chỗ học.
Với các hình thức sửa đổi, nhiều quy định cũng chỉ mang tính hình thức, câu chữ hơn là thực chất, như điều kiện thành lập nhà xuất bản, sửa quy định “trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 m2 sử dụng trở lên” thành “diện tích phù hợp, đáp ứng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc.”
“Giấy phép” nằm trong Giấy phép
Ngoài ra, những điều kiện kinh doanh khác như đảm bảo yêu cầu về phòng cháy-chữa cháy, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… không nêu cụ thể trong các quy định mà dẫn theo pháp luật chuyên ngành.
“Nhiều điều kiện kinh doanh thực hiện cắt bỏ song thực sự không tạo thuận lợi rõ ràng cho doanh nghiệp (như có đủ năng lực hành vi dân sự, phẩm chất đạo đức tốt…) hay một số quy định được tính là cắt bỏ, nhưng thực chất đó là các quy định về quy trình, không phải là điều kiện kinh doanh,” bà Thảo nói.
Hơn thế, các nhà làm chính sách “sáng tạo” việc cắt giảm điều kiện kinh doanh bằng cách gói “điều kiện kinh doanh chứa đựng điều kiện kinh doanh,” hay thực hiện đưa “Giấy phép vào nằm trong Giấy phép.”
Ví như, điều kiện cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền quy định doanh nghiệp cần đáp ứng 8 điều kiện kinh doanh. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm (áp dụng đối với 23 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) là một yêu cầu về điều kiện kinh doanh trong một “bộ điều kiện kinh doanh” áp dụng cho những ngành nghề trên (như để có được Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm thì doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy…).
Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung Chỉ, nguyên nhân là trước đó, vào năm 2017, các nhà chuyên môn kiến nghị cắt bỏ 3/4 các điều kiện kinh doanh chứ không phải cắt giảm và đơn giản hóa. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ quyết định cắt giảm ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh. Sự cắt giảm này khiến cho mục tiêu cải cách thể chế trở nên mờ nhạt, không rõ ràng.
Theo ông Cung, việc đề xuất cắt bỏ 3/4 các điều kiện kinh doanh là dựa trên căn cứ khoa học để thực hiện và căn cứ thực tiễn về hiệu lực. Các công cụ này tồn tại lâu nay giúp cho các công chức có liên quan lạm dụng, lợi dụng mà thực chất không phải là quản lý.
“Năm 2018, các bộ ngành có sự cắt giảm đúng theo chủ chương của Chính phủ và tạo ra niềm tin với thị trường. Song, thực chất là bao nhiêu tại thời điểm này chưa có cơ sở nào đánh giá. Đơn giản hóa là gì? Đơn giản hóa nghĩa là trên thực tế vẫn tồn tại và có hàng trăm hàng nghìn cách thực hiện. Người làm chính sách có khi chỉ thay cái một tên, bỏ một hồ sơ hay một nội dung nào đó…,” ông Cung thẳng thắn.
Với thực trạng trên, các nhóm chuyên gia thuộc Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – CIEM kiến nghị cần thay đổi cách thức quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh và chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Theo đó, doanh nghiệp được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh, chỉ cần thông báo mà không cần phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước và tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra hậu kiểm (khi doanh nghiệp đi vào hoạt động) trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện phân cấp mạnh mẽ tại các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương trong việc quản lý doanh nghiệp tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh.
“Mặc dù, hoạt động hậu kiểm được thực hiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp song cần tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro, có cơ chế giám sát hoạt động thanh tra, kiểm tra, thiết lập kênh ghi nhận phản hồi từ doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn,” bà Thảo nhấn mạnh.