Trong số này, các quy định thuộc lĩnh vực kinh doanh an toàn thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm được đề xuất cắt giảm thủ tục nhiều nhất, như an toàn thực phẩm có 845 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 708 thủ tục; dược phẩm và mỹ phẩm hiện có 144 thủ tục, cắt bỏ 77 thủ tục. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) này của Bộ Y tế (và trước đó của nhiều bộ khác) có thực chất hay chỉ là để làm đẹp con số?
Trước đó, đã có 5 bộ thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi các ĐKKD. Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên thực hiện rà soát và có phương án cắt giảm 675/1216 ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ (chiếm 55%). Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đề xuất bãi bỏ 118/345 ĐKKD (chiếm 34,2%).
Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 89/215 ĐKKD (chiếm 41,3%). Bộ Thông tin - Truyền thông đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 ĐKKD (chiếm 16%). Tuy nhiên, theo nhiều DN việc cắt giảm điều kiện này cũng không có nhiều ý nghĩa vì nó không giúp hoạt động của DN thông thoáng hơn.
Vừa qua, theo kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng (thực hiện từ tháng 1-2017 đến tháng 2-2018), việc rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành vẫn… chưa đạt được yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ. Đa số các bộ vẫn chưa đề xuất cụ thể cách thức quản lý đối với hạng mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đang bị chồng chéo, chịu nhiều hình thức kiểm tra của nhiều bộ, hoặc nhiều cơ quan ngang bộ.
Bên cạnh đó, tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chưa được khắc phục triệt để. Nhiều ĐKKD nói là bãi bỏ nhưng lại tham chiếu một điều khoản tương tự tại văn bản khác, tức thực tế ĐKKD đó chưa bị bỏ. Hay một số ĐKKD trước đây là các ĐKKD nhỏ, nay được gộp lại thành ĐKKD lớn…
Theo Tổ công tác, Bộ Y tế hiện có 802 mặt hàng xuất nhập khẩu, nhưng mới cắt giảm có 7 loại sản phẩm, chưa đạt yêu cầu và cần phải cắt giảm thêm 407 sản phẩm theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa đề xuất số lượng hàng hóa cắt giảm.
Tổ công tác yêu cầu bộ này cần cắt giảm 125 nhóm sản phẩm mới đáp ứng được chỉ tiêu theo Nghị quyết 01. Bộ Thông tin - Truyền thông đang đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa 50 mặt hàng, nhưng Tổ công tác yêu cầu cần đề xuất cắt giảm tiếp 72 sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy một số bộ ngành chưa đề xuất cắt giảm, gồm Bộ Tài nguyên - Môi trường có 110 mặt hàng nhưng chưa đề xuất cắt giảm mặt hàng nào. Vì vậy, Tổ công tác đề xuất cần giảm 55 sản phẩm, hàng hóa. Bộ Giao thông-Vận tải bị yêu cầu cắt giảm 64 mặt hàng; Bộ Xây dựng cần cắt giảm 35 mặt hàng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần cắt giảm 16 mặt hàng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần cắt giảm 3 mặt hàng.
Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đặt ra yêu cầu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% ĐKKD hiện hành. Nghị quyết được cộng đồng DN kỳ vọng sẽ có thêm trên 2.000 ĐKKD cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, được cắt giảm trong năm nay.
Như vậy, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt, nhưng để chủ trương này đi vào thực tế phải được các cấp thừa hành thực hiện nghiêm túc. Phải như vậy, việc cắt giảm thủ tục hành chính mới thực chất mang lại lợi ích thiết thực cho DN và cho người tiêu dùng.