Cầu Chương Dương đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng và nếu không có các giải pháp cải tạo, sửa chữa, gia cường kịp thời thì trong tương lai gần sẽ không còn bảo đảm an toàn lưu thông cho các phương tiện cũng như đẩy công trình vào giai đoạn xuống cấp nhanh hơn.
Đây là nội dung được Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông vừa kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa cầu Chương Dương để bảo đảm an toàn giao thông và kéo dài tuổi thọ của cầu.
Được xây dựng và hoàn thành vào năm 1985, trải qua quá trình khai thác, theo báo cáo của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, nhiều bộ phận, kết cấu cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, phần kết cấu thép thuộc kết cấu phần trên của cầu về cơ bản vẫn đang ở trạng thái làm việc bình thường song các hư hỏng và xuống cấp của kết cấu thép đã xuất hiện rất rõ rệt và có xu hướng tiến triển mạnh.
Trên cầu hiện còn một số khe co giãn cũ và lan can cầu có chiều cao thấp (chỉ cao 1,1m tính từ mặt cầu), gờ bê tông nhỏ gây tâm lý không an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt trong điều kiện thời tiết giông, gió…
Đặc biệt, lớp bê tông nhựa phần mặt cầu chính bị nứt vỡ ngang mặt đường, tập trung chủ yếu ở các vị trí trên dầm ngang cầu và khe nối của các bản bê tông lắp ghép gây thấm nước xuống bên dưới làm gia tăng mức độ phá hỏng lớp bê tông lưới thép dày 6cm cũng như thấm nước xuống đáy bản mặt cầu và các cấu kiện thép bên dưới. Lớp bê tông dày 14cm dưới hệ bản mặt cầu có hiện tượng vỡ cục bộ do gỉ cốt thép bên trong…
“Các hư hỏng trên chưa gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tính ổn định và khả năng chịu lực nhưng nếu không có các giải pháp cải tạo, sửa chữa, gia cường kịp thời thì trong tương lai gần sẽ không còn bảo đảm an toàn lưu thông cho các phương tiện cũng như đẩy công trình vào giai đoạn xuống cấp nhanh hơn,” lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đánh giá.
Do đó, phía Ban này nhấn mạnh việc cải tạo, sửa chữa kịp thời các hư hỏng của cầu Chương Dương bằng các giải pháp phù hợp sẽ giúp kiểm soát được quá trình xuống cấp, cải thiện được điều kiện ổn định và chịu lực, giúp kéo dài tuổi thọ cho công trình cũng như bảo đảm an toàn giao thông.
Dự kiến, nếu được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận, dự án sửa chữa cầu Chương Dương sẽ được thực hiện ngay trong giai đoạn 2020-2021.
Cầu Chương Dương bắc qua Sông Hồng nối quận Long Biên với quận trung tâm của Thủ đô, dài 1.230 m, gồm 21 nhịp, chia làm bốn làn xe chạy hai chiều, mỗi bên rộng 5m. Đây là cây cầu lớn đầu tiên được thiết kế và thi công hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam.